Nói tới lịch sử Tống triều, bên cạnh những giai thoại nổi tiếng về Hoàng đế khai quốc Triệu Khuông Dận, không thể không nhắc tới một vị quan viên được hậu thế đời đời ngưỡng mộ. Đó chính là nhân vật nổi tiếng thiết diện vô tư, xử án như thần – Bao Thanh Thiên.
Sự thật về Bao Thanh Thiên: Không hoàn toàn như hậu thế tưởng tượng!
Hình tượng của Bao Thanh Thiên trong các tác phẩm điện ảnh, truyền hình có phần khác biệt so với Bao Công ngoài đời thực. (Ảnh minh họa).
Bao Thanh Thiên (999 – 1062) có tên thật là Bao Chửng, tự Hy Nhân. Ông còn được biết tới với nhiều danh xưng khác như Bao Công, Bao Hắc Tử, Bao Học Sĩ…
Sinh thời, vị quan họ Bao này nổi tiếng "thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không sợ quyền uy, không thiên vị tư tình". Ông làm quan dưới thời vua Tống Nhân Tông, được người đời vô cùng tôn sùng, ngưỡng mộ.
Theo nhiều giai thoại truyền lại, Bao Thanh Thiên được miêu tả là có nước da ngăm đen trên trán có vầng trăng. Kỳ thực, ngoại hình này của ông vốn đã được hậu thế phóng đại lên nhiều lần.
Bao Chửng thực sự trong lịch sử không có làn da ngăm đen, cũng không phải là quan viên chuyên thẩm tra, thụ lý các vụ án.
Chức quan mà Bao Chửng từng đảm nhiệm là quan can gián và quan tài chính. Nhờ tài năng vượt trội, đã từng có giai đoạn ông được điều động tới phủ Khai phong nhậm chức, nhưng chỉ làm việc ở đây khoảng gần 1 năm rưỡi.
Ông cũng từng xử qua một vài vụ án, nhưng phần lớn đều là các án vừa và nhỏ (như vụ án "chiếc lưỡi bò"). Nhờ tài năng xử án như thần và sự công chính liêm minh của mình, Bao Chửng trở thành hình tượng gắn liền với nhiều giai thoại tốt đẹp trong dân gian.
Các giai thoại cũng như nhiều tác phẩm nghệ thuật đều xây dựng ông là một nhân vật xử án như thần, số vụ án từng điều tra được chân tướng nhiều không đếm xuể.
Bao Thanh Thiên cũng nổi tiếng là người chí công vô tư, luôn duy trì nguyên tắc "Thiên tử phạm tội, xử như thứ dân". Bất kể là thường dân hay quan lại, quý tộc, hễ phạm pháp đều sẽ bị ông trừng trị đích đáng.
Nhưng điều khiến hậu thế cảm thấy kỳ lạ nằm ở chỗ, Bao Công vì xử án mà đắc tội với vô số kẻ quyền quý. Lẽ ra có không ít người muốn ngấm ngầm trả thù ông. Vậy nhờ đâu mà vị quan họ Bao ấy vẫn có thể bình yên vô sự?
Những yếu tố đặc biệt bảo vệ Bao Công trước hàng loạt kẻ thù
Thông qua các bộ phim truyền hình cũng như nhiều tác phẩm nghệ thuật và giai thoại về Bao Thanh Thiên, không khó để nhận thấy ông luôn được Tống Nhân Tông hết lòng bênh vực. Thậm chí Hoàng đế còn không quan tâm tới bất kỳ tấu chương nào tố tội Bao Chửng.
Vậy nhờ đâu mà vị quan ấy có được ân huệ này? Có 3 nguyên nhân lý giải cho câu hỏi ấy.
Hình tượng công chính, liêm minh của Bao Thanh Thiên chính là hóa thân của bao khát vọng từ bách tính. (Ảnh minh họa).
Thứ nhất, Bao Chửng nhận được sự tôn kính và tín nhiệm sâu sắc của nhân dân. Hơn nữa cuộc sống của bách tính nhà Tống khi ấy cũng không phải quá sung túc, khởi nghĩa nông dân thường xuyên nổ ra.
Để đảm bảo quyền lực của giai cấp thống trị, người của triều đình khi đó đương nhiên không thể đụng tới "tượng đài sống" trong lòng muôn dân trăm họ là Bao Chửng.
Nếu tìm cách trừ khử hay xử tử Bao Công, triều đình chẳng khác nào tự rước lấy phiền toái, khiến trăm họ càng thêm bất bình.
Thứ hai, sau khi phá được vụ án "ly miêu hoán Thái tử", Bao Thanh Thiên nhận được sự tin tưởng và tín nhiệm hết mực từ Thái hậu. Có Thái hậu làm chỗ dựa vững chắc, ngay tới Hoàng thượng cũng không nỡ làm khó ông.
Hơn nữa, bản thân Tống Nhân Tông là một vị Hoàng đế nhân nghĩa, được ví như một trong những đấng minh quân hiếm có của Tống triều. Vị vua như vậy tất sẽ không vì Bao Chửng can gián thẳng thừng mà trách tội ông.
Bao Công trong giai thoại dân gian từng phá thành công vụ án "Ly miêu hoán Thái tử". Hậu thế tin rằng công trạng này đã giúp ông có được sự tín nhiệm của hoàng tộc. (Tranh minh họa).
Thứ ba, Bao Công bình an vô sự trong suốt mấy chục năm làm quan còn nhờ vào "luật ngầm" của Tống triều.
Tương truyền rằng, kể từ khi Hoàng đế khai quốc Triệu Khuông Dận thành lập nhà Tống, ông đã bí mật để lại cho các vị vua nối nghiệp sau này một điều luật: Đó là không được phép sát hại văn thần, trừ khi kẻ đó có mưu đồ tạo phản.
Vì thế, dù cho văn thần nói một vài lời làm Hoàng đế giận dữ, thì các vua nhà Tống cũng sẽ không tùy tiện trách phạt họ.
Bởi vậy, chỉ cần Bao Chửng không có mưu đồ phản nghịch, ông hoàn toàn có thể cống hiến hết sức mình để bảo vệ quyền lợi và lẽ phải cho trăm họ.
Có thể nói, Bao Thanh Thiên mà chúng ta biết tới ngày nay vốn là hình tượng được trăm họ "phóng đại" lên rất nhiều.
Nhưng từ tượng đài này có thể hiểu rằng, bách tính thời xưa luôn mong muốn có được một vị quan viên hết lòng vì quyền lợi của muôn dân, mà Bao Thanh Thiên chính là một đại diện tiêu biểu cho sự thanh liêm, công bằng và tài giỏi.