Đặc biệt, đối với người lãnh đạo, người thành lập ra bệnh viện này là GS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam không khỏi xót xa trước tình cảnh "đứa con tinh thần" của mình. PV đã cuộc trao đổi với ông để hiểu rõ tâm tư.
PV: Thưa GS, những ngày qua dư luận xôn xao về việc nợ lương của các y bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, GS có suy nghĩ gì?
GS Trương Việt Bình: Thực sự, khi đọc và nắm được thông tin trên, tôi đã rất buồn và đau xót. Tình trạng này không phải mới nửa năm nay mà đã từ 3 năm trước. Họ đã quá khổ, trong khi họ vẫn phải làm việc, vẫn phải tồn tại, vẫn phải nuôi sống gia đình.
PV: Như GS nói là tình trạng này đã xảy ra từ 3 năm trước, có phải chăng đây là hậu quả của việc ban lãnh đạo bệnh viện đã xin cơ chế tự chủ khi bệnh viện mới được đánh giá là loại 2, trong khi các bệnh viện khác "vượt mặt" hơn hẳn mới dám làm?
GS Trương Việt Bình: Đúng vậy, từ đầu năm 2019, khi Bệnh viện Tuệ Tĩnh chuyển sang cơ chế tự chủ thay vì cơ chế nhà nước, các cán bộ, nhân viên y tế ở đây là bị cắt tiền thưởng mà chỉ nhận được tiền lương hàng tháng ít ỏi. Đến gần 2 năm nay, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số tiền lương của họ cứ thế giảm dần theo năm tháng, đỉnh điểm là 6 tháng qua họ chỉ nhận được 50% số lương của mình.
Thực sự tôi không thể chấp nhận được việc để cán bộ khổ sở như vậy, trong khi máy móc mua gần 18 tỷ đồng nhưng chỉ để đắp chiếu không dùng đến. Việc tự chủ khi chưa đủ điều kiện khiến tình trạng bệnh viện phải xuống dốc như ngày hôm nay. Tôi không hiểu tại sao một bệnh viện thực hành loại 2 lại có thể xin ra tự chủ trong khi chưa đủ tiềm lực. Thậm chí đơn vị quản lý là Học viện thì vẫn nằm trong cơ chế quản lý nhà nước.
Nhiều cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện rất bức xúc vì tình trạng đã xảy ra rất lâu nhưng không được giải quyết
PV: Vậy mục đích trước đó GS thành lập ra bệnh viện này là gì?
GS Trương Việt Bình: Trước kia khi thành lập bệnh viện, tôi chỉ có mục đích duy nhất là thực hành chuẩn. Trong cơ cấu của học viện, Bệnh viện Tuệ Tĩnh là đơn vị thực tập cho sinh viên. Bởi sinh viên cần có nơi thực tập riêng, hiện tại cơ chế thị trường sinh viên y học cổ truyền rất khó có chỗ thực tập. Chính vì thế các trưởng khoa, phó khoa đều là giảng viên của học viện giúp sinh viên tiếp cận được tất cả mặt bệnh, để thực tập.
Khi thành lập bệnh viện tôi chỉ có mục đích phát triển nó theo hướng đa khoa chứ không phát triển bệnh viện theo hướng dịch vụ kiếm tiền.
Nếu để kiếm tiền, các khoa nội tiết, lão khoa,… không thể so được với các bệnh viện lớn khác.
Tháng 11/2015 tôi về hưu và trao quyền lại cho người sau, nhưng khi người sau tiếp nhận thì đã gần như thay đổi hết tất cả mục đích ban đầu của tôi. Hơn nữa, sau khi tôi nghỉ công tác quản lý, chuyển sang chỉ làm công tác giảng dạy tại học viện, tôi không còn được tham gia vào bất kỳ một hội đồng nào tại trường.
Thậm chí, khi người sau không còn quản lý nữa, Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải gồng gánh số nợ gần 20 tỷ do việc mua sắm trang thiết bị "vô bổ", hiện tại còn đắp bụi tại các khoa. Người sau nữa tiếp quản phải gánh chịu tất cả hậu quả đó. Việc này khiến tôi luôn đau đáu và trăn trở về sự sống còn của Bệnh viện Tuệ Tĩnh hiện nay.
GS Trương Việt Bình đề nghị hãy trả lại đúng công năng trước kia của bệnh viện khi mới thành lập
PV: Là một người tâm huyết với bệnh viện nói riêng và học viện nói chung, GS có mong muốn điều gì không?
GS Trương Việt Bình: Thời gian vừa qua, tôi có đề nghị trả lại tên cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh là Bệnh viện thực hành Tuệ Tĩnh. Chúng ta đã cho họ tự chủ thì bây giờ tôi đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh thôi tự chủ, đến khi đủ điều kiện thì hãy cho tự chủ tài chính.
Tôi nhấn mạnh thêm lần nữa, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ là nơi để sinh viên đến thực hành và tuyển cán bộ nhân viên y tế chỉ để phục vụ hướng dẫn sinh viên thực tập là chủ yếu, chứ không phải chức năng chính là khám chữa bệnh kiếm tiền.
Tôi không muốn khơi lại chuyện cũ để truy cứu trách nhiệm của cá nhân hay một nhóm người nào cả. Tuy nhiên, hiện tại ban lãnh đạo, các cơ quan chức năng nên cứu lấy bệnh viện, hãy trả Tuệ Tĩnh về đúng công năng của nó.