Bước vào lăng mộ nghi của Bao Công, cảnh tượng bên trong khiến đội khảo cổ thốt lên "Quá đau lòng"!

Trang Ly, Theo Đời sống pháp luật 07:56 16/10/2024
Chia sẻ

Nghìn năm đã trôi qua, bí mật về lăng mộ Bao Công mới được hé lộ?

Trong lịch sử Trung Quốc, có lẽ Bao Công là một trong những vị quan thanh liêm, chính trực hiếm có trên đời. Tài năng phá án cùng việc chấp pháp nghiêm minh của Bao Công dưới thời Hoàng đế Tống Nhân Tông (tại vị từ 1022-1063) được nhiều người biết đến nhờ những thước phim gây tiếng vang khắp châu Á.

Bao Công trong nguyên mẫu lịch sử tên thật là Bao Chửng (999 - 1062), là người Hợp Phì (tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày nay). Ông là một vị quan thời Bắc Tống, tuy giữ nhiều chức vị nhưng đều hết lòng vì dân vì nước.

Bước vào lăng mộ nghi của Bao Công, cảnh tượng bên trong khiến đội khảo cổ thốt lên "Quá đau lòng"!- Ảnh 1.

Chân dung Bao Công, nhân vật có thật trong lịch sử thời Bắc Tống. Nguồn: Baidu

Năm 1062, Bao Công qua đời vì bệnh tật ở tuổi 63. Khi tin ông qua đời lan rộng, cả triều đình và dân chúng ai nấy đều bày tỏ sự chia buồn, tiếc thương một vị quan vừa có tài vừa có đức. 

Điều đáng nói, cho đến nay nơi chôn cất Bao Công vẫn luôn là vấn đề gây tranh cãi. Một số người nói rằng Bao Công được chôn cất ở Hà Nam (Trung Quốc); những người khác lại nói rằng Bao Công được chôn cất ở tỉnh An Huy. 

Mỗi người đều có quan điểm riêng nên không có một kết quả thống nhất. Tuy nhiên, vào những năm 1970, bí ẩn phần nào được hé lộ. 

Phát hiện khảo cổ gây chấn động Trung Quốc

Năm 1974, Wu Xinghan, một nhà khảo cổ học ở tỉnh An Huy, đã phát hiện ra lăng mộ nghi của Bao Công bên cạnh Nhà máy thép thứ hai ở Hợp Phì, tỉnh An Huy. Ngay khi tin tức này được đưa ra, toàn bộ cộng đồng khảo cổ Trung Quốc đều chấn động.

Ngay lập tức, một đội khảo cổ chuyên nghiệp được cử đến để khám phá những bí mật về nơi chôn cất Bao Công. Tuy nhiên, khi người ta mở cửa lăng mộ nghi Bao Công ra, cảnh tượng bên trong khiến cả đội khảo cổ bàng hoàng.

Trước mắt đội khảo cổ là một lăng mộ có diện tích chưa đầy 30 mét vuông. Chưa hết, không như những gì đội khảo cổ tưởng tượng, lăng mộ bị tàn phá tệ hại, chứng tỏ nó đã bị những kẻ trộm mộ đến quấy phá rất nhiều lần. Bên trong hầu như không còn đồ mộ nào cả, đừng nói đến di vật văn hóa hữu ích để điều tra.

Bước vào lăng mộ nghi của Bao Công, cảnh tượng bên trong khiến đội khảo cổ thốt lên "Quá đau lòng"!- Ảnh 2.

Tuy nhiên, đây không phải là điều nghiêm trọng nhất. Điều các chuyên gia khó hiểu là tại sao lăng mộ của Bao Công lại bị tàn phá nghiêm trọng như vậy. Loại tàn phá này không phải do cướp mộ đơn giản mà giống như một sự tàn phá có ác tâm hơn. 

Câu hỏi đặt ra: Ai là chủ mưu?

Theo các dữ liệu lịch sử có liên quan, có thể thấy rằng Bao Công khi còn sống luôn có lòng vị tha, nhưng khi chấp pháp thì vô cùng nghiêm minh, chưa từng một lần khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình. 

Vị quan này đã từng thẳng tay trừng trị không dưới 30 người là đối tượng hoàng thân quốc thích, dòng dõi quyền quý đương thời. Đến ngay cả phụ thân của Trương quý phi (vị quý phi được Hoàng đế Tống Nhân Tông vô cùng sủng ái) cũng bị Bao Công "làm theo đúng luật" mà mất chức.

Chính vì vậy, nhiều kẻ đã sinh lòng thù hận Bao Công. Khi ông còn sống, những kẻ này không đụng được đến Bao Công, nên khi ông chết, chúng mới dám rắp tâm hãm hại.

Vì lý do này nên nhiều nhà khảo cổ đã mạnh dạn suy đoán dựa trên các dữ liệu lịch sử liên quan rằng lăng mộ của Bao Công có thể đã bị phá hoại một cách ác ý bởi thuộc hạ của những người có quyền lực (từng sinh hận thù với Bao Công) phái đến.

Thời xưa, người ta đặc biệt coi trọng người đã khuất, và việc phá hủy quan tài của người đã khuất có thể xem là cách trả thù người đó lớn nhất. Vì lý do này mà Bao Công phải hứng chịu sự trả thù của một số kẻ quyền thế thời Bắc Tống.

Chuyện kể rằng, khi Bao Công qua đời, con cháu của ông đã sớm biết được việc trả thù nên đã khiêng 12 cỗ quan tài giống hệt nhau, đi tang từ nhiều cổng thành ở Hợp Phì nhằm qua mặt những kẻ rắp tâm trả thù.

Để bảo vệ nơi yên nghỉ của vị quan thanh liêm, trong sử liệu cũng không đề cập đến chính xác vị trí của lăng mộ chôn cất Bao Công. Nghìn năm đã trôi qua, hậu duệ của Bao Công cũng không biết chính xác vị trí này.

Chính vì thế, theo suy đoán của các nhà khảo cổ học có mặt tại hiện trường, lăng mộ nghi của Bao Công ở Hợp Phì, tỉnh An Huy có thể là một trong 12 lăng mộ rỗng mà con cháu Bao Công đã thực hiện nhằm bảo vệ cho lăng mộ chính được an toàn suốt nghìn năm.

Đối với dân chúng và những quan lại nghiêm minh, Bao Công là một vị quan hiếm có. Danh tiếng của ông hàng nghìn năm nay khó ai có thể sánh bằng. 

Bằng chứng là tại Bảo tàng Khai Phong nằm bên bờ hồ Bao Công ở thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, dòng chữ "Bao Công" được khắc trên một tấm bia đã bị xóa mờ đi, vì một lẽ, các thế hệ sau mỗi khi vào thăm Bảo tàng đã dùng tay chạm vào dòng chữ này để tỏ bày niềm kính trọng, ngưỡng mộ vị quan thời Bắc Tống. Thời gian trôi qua, chữ "Bao Công" bị hao mòn và mờ dần đi là vì thế.

Nguồn tham khảo: Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày