Buộc phải chia ly vì đại dịch, chú chó vượt qua quãng đường dài 16.000 cây số tìm về với chủ bằng một hành trình khiến nhiều người rơi nước mắt

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 00:10 04/09/2020

Cuộc hội ngộ giàu cảm xúc giữa Pip và gia đình chủ cũ chiếm trọn spotlight của cư dân mạng Úc trong thời gian qua. Một hành trình quá dài, và có quá nhiều khó khăn.

Chó là một loài vật nổi tiếng trung thành. Dù bạn có bỏ nó đi, một chú chó thông minh sẽ luôn biết tìm đường về với chủ của mình. Tuy nhiên, không phải hành trình nào cũng trải hoa hồng. Đôi khi, chặng đường ấy có quá nhiều chông gai, giống như những gì mà Pipsqueak - một cô chó thuộc giống lạp xưởng (dachshund) phải trải qua.

Cô chó Pip bé nhỏ đã bị mắc kẹt lại bang South Carolina ở thời điểm đại dịch căng thẳng nhất ở Mỹ. Thời điểm ấy, chủ nhân của Pip - Zoe và Guy Eilbeck - bắt buộc phải bỏ ngang chuyến hành trình đi thuyền vòng quanh thế giới để trở về Úc.

Buộc phải chia ly vì đại dịch, chú chó vượt qua quãng đường dài 16.000 cây số tìm về với chủ bằng một hành trình khiến nhiều người rơi nước mắt - Ảnh 1.

Pipsqueak - cô chó bị chia ly của gia đình Eilbeck

Những toan tính không như mong đợi

Biên giới nhanh chóng đóng cửa. Zoe, Guy cùng 2 con trai Cam và Max chỉ có chưa đầy 48 tiếng để thu dọn mọi thứ trên du thuyền vừa cập cảng đảo Hilton Head (Mỹ). Họ buộc phải lên máy bay để trở về Úc, nhưng vấn đề nằm ở chỗ quy định liên quan đến vận chuyển vật nuôi của Úc khá ngặt nghèo. Điều này có nghĩa, cô nhóc Pip trung thành sẽ không thể theo họ trở về.

"Chắc sẽ ổn thôi," - họ đã nghĩ như vậy. Biết rằng họ sẽ không thể sớm trở lại đón Pip, Zoe quyết định gọi điện nhờ cậy một người bạn chăm sóc cho Pip trong thời gian tạm chia xa - theo dự tính rơi vào khoảng 6 tuần. Tuy nhiên, mọi thứ đã không như mong đợi.

Trước đó, nhà Eilbeck chào đón Pip từ năm 2018 tại Messina (Sicily, Ý), khi còn đang ở giữa hành trình du lịch vòng quanh thế giới bằng du thuyền. Từ khi ấy, Zoe đã lên kế hoạch sắp xếp cho Pip về quê hương cùng họ, dù biết rằng quá trình ấy sẽ khá rắc rối bởi quy định ngặt nghèo liên quan đến nhập khẩu động vật của Úc.

Buộc phải chia ly vì đại dịch, chú chó vượt qua quãng đường dài 16.000 cây số tìm về với chủ bằng một hành trình khiến nhiều người rơi nước mắt - Ảnh 2.

Gia đình Eilbeck khi mới đón Pip

"Chúng tôi biết rằng phải đưa Pip vào Úc bằng đường nhập khẩu, và nó sẽ phải chịu cách ly 10 ngày," - Zoe chia sẻ. Họ dự tính sẽ đưa cô vào Úc từ đảo Vanuatu (Nam Thái Bình Dương) để có một quãng đường di chuyển ngắn nhất tới Sydney.

Nhưng Covid-19 đã phá hủy tất cả. Đầu năm 2020, thế giới bất ngờ bị đánh úp với virus corona. Nhà Eilbeck quyết định lái thuyền về bang South Carolina (Mỹ) để tìm chỗ đậu an toàn cho chiếc thuyền của họ, và cho cả Pip nữa.

Ngày 27/3, Zoe thuê một chiếc ô tô và lái về bang Bắc Carolina, để giao Pip cho người bạn tên Lynn Williams trước khi cả gia đình quay trở về Sydney.

"Pip từ trên du thuyền giờ sống trong một trang trại nuôi bò. Nó khiến tôi khá buồn cười khi nghĩ tới," - Zoe hồi tưởng lại.

Thật không may, Williams đã có 2 chú chó trông trang trại và không thể nhận nuôi Pip quá lâu. Bởi vậy, cô đã đăng quảng cáo để tìm người thay mình trông nom cô chó. Ellen Steinberg sinh sống tại Hillsborough (North Carolina) nằm trong số 3 người liên hệ. "Chúng tôi quyết định sẽ để Pip chọn ai là người cô nhóc muốn sống cùng. Và chúng tôi (nhà Steinberg) đã có may mắn đó." - Steinberg chia sẻ.

Buộc phải chia ly vì đại dịch, chú chó vượt qua quãng đường dài 16.000 cây số tìm về với chủ bằng một hành trình khiến nhiều người rơi nước mắt - Ảnh 3.

Ban đầu, Steinberg có ấn tượng rất xấu với nhà Eilbeck, bởi mẩu quảng cáo không tiết lộ quá nhiều thông tin. "Tôi chỉ biết rằng một gia đình người Úc sống trên thuyền đã bỏ con chó để trở về Úc, và nó lập tức gây ra ấn tượng xấu. Nhưng sau khi trò chuyện, tôi nhận ra họ không còn cách nào khác nữa, và cũng đã làm hết sức có thể rồi."

Nỗ lực đoàn tụ và một hành trình dài

Trong lúc Pip ở với nhà Steinberg, Zoe mỗi ngày đều phải dậy từ 4h sáng, vật lộn với đủ thứ giấy tờ liên quan đến việc nhập khẩu chó từ Mỹ vào Úc, trong khi vẫn cố cập nhật tin tức với Pip thông qua tin nhắn và thoại video.

"Ngày nào tôi cũng chụp ảnh Pip rồi đăng lên mạng xã hội. Cô nhóc có hẳn một đội hâm mộ riêng luôn," - Zoe cho biết.

Tình hình đại dịch trở nên phức tạp, khiến tương lai việc nhà Eilbeck quay lại Mỹ trở nên mù mờ hơn bao giờ hết. Pip vì thế sẽ phải trải qua hành trình đến Úc một thân một mình.

Buộc phải chia ly vì đại dịch, chú chó vượt qua quãng đường dài 16.000 cây số tìm về với chủ bằng một hành trình khiến nhiều người rơi nước mắt - Ảnh 4.

"Để xuất khẩu một chú chó từ Mỹ, bạn cần có giấy xác nhận rằng chú chó có tình trạng sức khỏe tốt, cũng như một vài xét nghiệm máu liên quan đến bệnh dại," - Zoe giải thích.

"Các giấy tờ này được cấp tại New York, mà lúc đó đang bị phong tỏa. Vậy nên chuyện có được số giấy tờ ấy là khó kinh khủng."

Nhà Steinberg cũng phải đưa Pip tới các trạm thú y địa phương để hoàn thiện giấy tờ, tiêm vaccine... nhằm đáp ứng quy định. Nhưng ngay khi nhận được giấy cho phép nhập khẩu tại Úc thì Qantas - hãng hàng không quốc gia của Úc thông báo họ không tiếp nhận chở chó nữa.

Không nản chí, Zoe tiếp tục tìm hiểu. Cô phát hiện ra rằng Pip có thể tới Úc nếu quá cảnh tại New Zealand, và tìm cách đưa cô nhóc từ Los Angeles tời Auckland bằng một hãng hàng không khác. Steinberg - người đang nhận nuôi Pip lại phải lên đường, tìm đến và đưa Pip cho một người bạn tên Stacey Green.

"Khi Stacy gặp Pip, cô ấy yêu nó luôn. Lúc đó tôi còn tưởng Pip sẽ bị giữ ở đó cơ," - Zoe cười nói.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa hết khó khăn. Họ phải đưa được Pip từ Bắc Carolina tới Los Angeles, mà các chuyến bay thì liên tục bị hủy. Các máy bay chở hàng giờ cũng là vấn đề, khi nhiều hãng hàng không tại Mỹ không cho phép chở động vật trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 9, bởi lo ngại về nhiệt độ khiến sức khỏe vật nuôi không đảm bảo.

Đến đây, Zoe quyết định đăng tin tìm người có chung hành trình để đưa Pip đi cùng. Đó là lúc Melissa Young - thành viên của tổ chức giải cứu động vật The Sparky Foundation - ra mặt, tình nguyện bay cùng với Pip. Young đã đi từ Charlotte đến Los Angeles, với Pip ngồi ngay dưới chân mình.

Vỡ òa khi hội ngộ

Young trao Pip cho hãng hàng không Jetpets. Họ giữ nó lại một đêm để làm giấy tờ, sau đó chở cô nhóc tới Auckland. Chuyến bay ấy, toàn bộ những người liên quan - gồm nhà Eilbeck, Steinberg và Young đều dõi theo.

Pip đến Auckland vào ngày 23/7, cách ly trong vòng 1 ngày trước khi lên máy bay tới Melbourne. Tại đây, cô chó phải cách ly thêm 10 ngày nữa - theo quy định dành cho mọi vật nuôi nhập khẩu tại Úc.

Theo lịch trình, Pip sẽ được bay tới Sydney vào ngày 3/8, nhưng bang Victoria lại ban hành lệnh phong tỏa toàn bộ ngay khi Pip tới được biến giới giữa bang này và New South Wales. Vậy là một lần nữa, Pip phải nhờ người khác chăm sóc, và lần này là Rob - anh trai của Zoe, đang sống tại Melbourne.

Zoe và Rob đặt vé cho Pip tới Sydney - ít nhất 4 chuyến, nhưng tất cả đều bị hủy.

Buộc phải chia ly vì đại dịch, chú chó vượt qua quãng đường dài 16.000 cây số tìm về với chủ bằng một hành trình khiến nhiều người rơi nước mắt - Ảnh 5.

Hành trình của Pip đến lúc này đã được truyền thông Úc ghi nhận, xâm chiếm các trang mạng xã hội. Đến ngày 11/8, Pip cuối cùng cũng tới được sân bay Sydney, đoàn tụ với nhà Eilbeck sau 5 tháng chia xa. Một cuộc tái ngộ tràn đầy cảm xúc.

"Tôi sợ nhất là chuyện cô nhóc chẳng nhớ ra chúng tôi sau ngần ấy thời gian. Lũ trẻ lo lắng đến mức cầm bánh trên tay mà cứ mân mê, chẳng buồn ăn. Thế rồi, cô nhóc ấy lững thững bước ra khỏi chuồng."

"Và khi nghe thấy tôi gọi, nó chạy ùa vào lòng. Thật sự vui khôn tả khi lại thấy cô nhóc sau ngần ấy thời gian."

Buộc phải chia ly vì đại dịch, chú chó vượt qua quãng đường dài 16.000 cây số tìm về với chủ bằng một hành trình khiến nhiều người rơi nước mắt - Ảnh 6.

Du thuyền của nhà Eilbeck, hiện vẫn đang đậu ở Mỹ

Hiện tại, gia đình Eilbeck đã chuyển tới Đảo Scotland - hòn đảo nằm ở ngoại ô Sydney, để tiếp tục cuộc sống gắn liền với sông nước trên một con thuyền câu cá. "Pip rất vui, vì cô nàng vốn là một con chó sống trên thuyền," - Zoe hào hứng. "Pip được trở về với lối sống ưa thích nhất, được nằm trên boong tàu và tận hưởng nắng gió."

Dẫu vậy, du thuyền trước đây của họ vẫn đang nằm ở Mỹ, chẳng ai đụng đến kể từ tháng 3. Họ hiểu rằng sẽ khó lòng tới đưa thuyền về trong thời gian sắp tới, bởi lệnh đóng cửa biên giới vẫn đang được duy trì. Bởi vậy, họ buộc phải ra quyết định rao bán con tàu, và tập trung cho cuộc sống tại Đảo Scotland.

Hành trình về nhà của Pip

27/3: Nhà Eilbeck đậu con thuyền tại đảo Hilton Head, South Carolina. Zoe lái xe tới North Carolina để đưa Pip cho Lynn Williams.

4/4: Pip chuyển tới nhà của Ellen Steinberg ở Hillsborough, Bắc Carolina.

9/7: Melissa Young đưa Pip từ Charlotte (North Carolina) tới Los Angeles.

21/7: Sau 1 đêm, Pip lên máy bay dài 13 tiếng, bay tới Auckland (New Zealand).

24/7: Pip bay từ Auckland đến Melbourne (Úc), cách ly 10 ngày.

11/8: Pip trở về Sydney, đoàn tụ cùng nhà Eilbeck.

July 24: Pip flies from Auckland to Melbourne, Australia, where she goes into mandatory quarantine for 10 days.

Nguồn: CNN