Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tình trạng thảm họa về y tế như đang diễn ra tại Ấn Độ. Đầu tiên, tất cả các biến thể nguy hiểm nhất của virus SARS-CoV-2 đều đã xuất hiện và lây lan tại Ấn Độ, trong đó có các biến thể bắt nguồn từ Anh, Nam Phi, Brazil, đặc biệt là đột biến kép xuất hiện ngay tại chính Ấn Độ. Xu hướng dịch tễ đáng chú ý trong lần bùng phát thứ hai của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ là việc khả năng lây nhiễm giờ đây là lớn hơn do đặc tính của các biến thể đã trở nên nguy hiểm hơn.
Virus tấn công cả đối tượng thanh thiếu niên, những người từ trước tới nay vẫn được cho là có sức đề kháng tốt, nếu mắc thì chỉ là không triệu chứng. Các diễn biến bệnh cũng nhanh hơn, khả năng tử vong lớn hơn. Nhiều người từng mắc Covid-19 giờ đã tái nhiễm và mức độ trầm trọng hơn. Có cả những người đã tiêm đủ vaccine Covid-19 vẫn mắc bệnh. Các số liệu suốt vài tuần qua đã cho thấy điều đó.
Tuy nhiên, nguyên nhân của làn sóng mới này đến phần lớn từ yếu tố chủ quan. Người dân Ấn Độ đã lơ là, mất cảnh giác trước nguy cơ của dịch bệnh. Họ chủ quan khi thấy tình hình dịch bệnh lắng xuống trong 3 tháng 12/2020, tháng 1 và 2/2021. Số người đổ ra ngoài tham gia các hoạt động cộng đồng sau quãng thời gian dài phong tỏa trong năm 2020 khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng vọt. Điều này năm ngoài dự liệu của Chính phủ Ấn Độ nên việc chuẩn bị và đối phó được thực hiện muộn, và lâm vào tình trạng bị động.
Người dân Ấn Độ đã quá tự tin khi cho rằng nước này đã chủ động về vaccine và virus đã bị đẩy lùi trong những tháng đầu năm. Và họ tham gia vào các sự kiện đông người như lễ hội, các cuộc vận động chính trị mà không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Đây chính là nguy nhân chính của vấn đề.
Nguồn cung vaccine không đủ
Thực tế, việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở Ấn Độ không được như kế hoạch cũng góp phần vào sự rối loạn hiện nay. Một trong những lý do là nguồn cung vaccine không đủ, tình trạng thiếu hụt này là do chúng chưa được phân bổ phù hợp giữa các bang trong Ấn Độ.
Thứ hai là việc Mỹ hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu thô dùng để sản xuất vaccine Covishield do Đại học Oxford/AstraZeneca nghiên cứu phát triển. Ngoài ra, tâm lý e ngại của người dân với độ an toàn của vaccine khiến Ấn Độ không thể hoàn thành mục tiêu chủng ngừa đã đặt ra. Trong đợt dịch hiện tại, việc thiếu thuốc hỗ trợ điều trị Remdesivir cũng đang diễn ra. Đây là kịch bản ngoài dự báo và Ấn Độ chưa tính tới trường hợp dịch có quy mô lớn như hiện nay.
Phản ứng của chính phủ Ấn Độ
Trong bối cảnh hệ thống y tế Ấn Độ đang rất rối ren và hỗn loạn hiện nay, Chính phủ nước này đang huy động tổng lực để dành ưu tiên điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, giảm số ca tử vong. Trước hết là việc sản xuất và vận chuyển khẩn cấp các nguồn oxy y tế tới phục vụ các bệnh viện, tiếp đó là tăng cường sản xuất thuốc Remdesivir hỗ trợ điều trị. Ấn Độ cũng đang nhận được sự trợ giúp của thế giới với các khoản cứu trợ, các thiết bị phục vụ sản xuất và vận chuyển oxy. Chính phủ nước này cũng đang tập trung vào sản xuất vaccine Covid-19, và tìm kiếm các nguồn vaccine ở nước ngoài để nhanh chóng chủng ngừa và tạo miễn dịch cộng đồng
Ấn Độ cho đến nay đã phê chuẩn tới 4 loại vaccine ngừa Covid 19 và có chính sách tiêm miễn phí hoàn toàn cho những đối tượng ưu tiên. Thậm chí nước này còn đặt mục tiêu tiêm cho khoảng 1/4 dân số cho tới tháng 6 năm nay.