Đối với học sinh tiểu học, để rèn khả năng sử dụng ngôn ngữ, chính tả... giáo viên rất hay yêu cầu các em viết những bài văn ngắn 5 - 7 dòng. Và một trong số những đề tài quen thuộc thường là nói về người thân, người bạn, con vật yêu thích, món đồ chơi mơ ước... Mặc dù mục đích chính là rèn luyện kỹ năng nhưng không thể phủ nhận thông qua những bài văn này người lớn có thể hiểu được kha khá suy nghĩ, tâm tư của trẻ.
Mới đây, một ông bố ở Hà Nội chia sẻ bài tập làm văn "gửi thư thăm hỏi dì sau khi lấy chồng" của con trai lúc học lớp 2 gây chú ý.
Bức thư viết: "Chúc dì Liên và chú Vinh ở bên nhau hạnh phúc. Dì Liên có nhớ gia đình không? Nếu có, có thể hỏi thăm tình hình của gia đình thế nào nhé. Cháu Sơn đã gửi lá thư này đấy. Chúc dì có một cuộc sống vui vẻ nhé.
Hôm nào có thời gian có thể Sơn sẽ đi hỏi xem mọi người có vui khi được thành vợ chồng hay không nhé.
Chúc dì Liên và chú Vinh làm việc tốt".
Nhiều người khen ngợi, mặc dù mới lớp 2 nhưng em bé này viết không sai chính tả, lời văn mạch lạc đủ ý, biết thể hiện cảm xúc và sự quan tâm của mình, rất đáng yêu. (Ảnh: Giang Tran Duc)
Nhiều người khen ngợi, mặc dù mới lớp 2 nhưng em bé này viết không sai chính tả, lời văn mạch lạc đủ ý, biết thể hiện cảm xúc và sự quan tâm của mình, rất đáng yêu. Tuy nhiên, buồn cười nhất là đoạn thứ 2, khi cháu cho biết mình sẽ "đi hỏi xem mọi người có vui khi được thành vợ chồng hay không nhé". Nhiều người nói đùa, mình "giật thột" khi đọc tới câu này bởi nếu được hỏi, họ không biết phải trả lời ra sao. "Chỉ sợ nghe xong con lại không dám lập gia đình thôi con ạ", một người hài hước.
Ông bố của em học sinh cho biết, với môn tập làm văn, nếu để trẻ tự do phát triển tự nhiên, tự do trình bày ý kiến, thể hiện cảm xúc, chúng ta sẽ ngạc nhiên về những suy nghĩ ngộ nghĩnh đầy sáng tạo của chúng. Vì vậy, anh ít khi can thiệp bắt con phải làm bài theo kiểu "văn mẫu" rập khuôn.
Không biết người dì cảm thấy ra sao khi đọc được bài văn "có một không hai" của cháu mình không nhưng dân tình thì đều bật cười trước suy nghĩ đơn giản, thật thà và đặc biệt là mang yếu tố "thấy gì viết nấy" của em học sinh này.
Quả thật, với trẻ lớp 2 thì vẫn đang trong giai đoạn tập làm văn, vốn từ của các bé chưa phong phú, nhận thức về cuộc sống chưa nhiều... nên lời lẽ còn rất ngô nghê. Dù tự nghĩ ra nội dung nhưng bài văn của cậu bé này rất xứng đáng nhận điểm cao bởi câu từ gãy gọn, đủ ý mà qua đó nhưng qua đó ai cũng cảm nhận được sự quan tâm và tình cảm của em dành cho người thân của mình.