Trước đây, từng có chùm ảnh hài hước phụ huynh trên thế giới dạy con học lan truyền mạnh trên mạng xã hội như chạm vào nỗi niềm của rất nhiều người. Trong những bức ảnh hài hước này, có ông bố phải trói tay mình lại phía sau để tránh "động tay động chân" với con khi quá nóng giận; có người thì cầm sẵn chiếc dép để sẵn sàng "trị" con; có bà mẹ thì phải… cho đầu vào trong tủ lạnh cho đỡ… bốc hoả.
Ai có con đang học tiểu học, đặc biệt lớp 1, 2 mới hiểu, hành trình dạy con học nhìn thì tưởng đơn giản nhưng thật ra rất lắm nhiêu khê. Từ độ tuổi mầm non lên tiểu học, những đứa trẻ chỉ biết chơi nay phải vào nền nếp, thay vì chơi lego thì học số, học chữ. Con khó, cha mẹ cũng căng thẳng theo, bởi giữ bình tĩnh được lúc kèm con cũng phải cần "bản lĩnh" lớn lắm.
Chẳng hạn mới đây, một ông bố chia sẻ cảnh vợ dạy con học.
"Các mầm non tương lai lại bắt đầu năm học mới, lại bắt đầu những buổi tối với những bài ca inh ỏi tai từ phụ huynh học sinh. Người bố như tôi chỉ biết lặng lẽ ngồi nhìn con bị 'xử phạt'... Thôi cố lên con nhé!", ông bố hài hước viết.
Bên cạnh sách vở bút viết, bà mẹ này không quên sắm vật dụng "hỗ trợ" là một... cây búa gỗ. Búa nhỏ xíu, trông cũng nhẹ hều nên mang tính chất doạ dẫm là chính nhưng hình ảnh này vẫn gây ra tranh cãi.
Nhiều người xem ảnh cho biết, họ quá đồng cảm với bà mẹ này. Nếu không dùng "biện pháp mạnh" là chút doạ dẫm thì đứa trẻ sẽ loay hoay, kiếm cớ làm đủ thứ cho hết giờ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nhận định, hành động này sẽ ảnh hưởng tâm lý trẻ, nếu mỗi lần học bài đều "căng như dây đàn", không khí chẳng khác gì… ra trận, thì sao mà trẻ có thể có tâm trí mà học, chưa nói đến việc yêu thích học. Dần dần, có thể trẻ sẽ thấy việc học hành là một áp lực tâm lý khủng khiếp và trẻ dần sẽ chán học, không tìm thấy hứng thú khi học.
"Mẹ rèn con, bố ủng hộ là đúng, nhưng không nên dùng bạo lực. Nhìn cái búa gỗ, và bàn tay con trẻ che mắt khóc, là mẹ làm hơi quá. Ngày xưa, bàn tay mẹ, bàn tay cô giáo cầm nắn tay con sửa theo từng nét chữ, dáng ngồi cho chuẩn, chứ không gõ tay con, làm con khóc đâu. Vì thế trẻ vui vẻ học trong niềm vui và hãnh diện vì đạt được thành quả: Viết và vẽ đẹp tự nhiên", một người góp ý.
Một phụ huynh là bà mẹ đã có 3 con rút ra và chia sẻ kinh nghiệm từ chính gia đình mình. Chị cho biết: Bé thứ 1 chị cũng kèm cặp, la hét, đánh mắng. Tối nào cũng "tăng xông", kết quả là phản tác dụng. Con sợ học, học trước quên sau, sợ sệt nhút nhát và lực học trung bình. Bây giờ chị thật sự hối hận.
Đến bạn thứ 2 và 3, chị đều để con tự học, mẹ không phải nhắc. 8h tối ngồi vào bàn học, 9h30 thì nghỉ. Đến nay 2 bạn sau học lực khá hơn, tự giác hơn. "Tôi nghĩ là nên tạo cho con cảm giác không sợ học đã. Bài nào con làm được thì con tự làm còn không thì con hỏi bố mẹ giải thích cho con", chị nói.
Bố mẹ hãy dạy con học bằng một thái độ tích cực, không nên quá ép buộc con phải đạt được một mức nhất định. Thay vào đó, nên thường xuyên khích lệ con bằng những lời khen hợp lý để trẻ thích thú hơn, chứ không phải là dùng những hành động chì chiết, đe dọa. Sự khắt khe quá đáng của bố mẹ sẽ làm khô cứng ước mơ và sáng tạo; làm giảm khả năng tiềm ẩn của các con.