Hỏi nhanh một số sinh viên Y khoa về ước mơ sau khi tốt nghiệp hệ đào tạo cử nhân của họ, đa phần sinh viên - nếu không muốn nói tất cả, đều ước muốn mình đỗ chương trình Bác sĩ nội trú.
"Đương nhiên rồi, mình có ước mơ thi nội trú từ rất lâu rồi. Đối với mình, thi nội trú không phải là con đường duy nhất, nhưng là con đường nhanh nhất để được học tập và rèn nghề. Đỗ bác sĩ nội trú giúp tương lai của mình mở hơn", Quang Hiệu, sinh viên năm 4 Đại học Y Hà Nội hào hức chia sẻ về mong muốn thi vào Bác sĩ nội trú của bản thân.
Mong muốn là vậy nhưng rất ít sinh viên Y khoa có thể chạm được đến giấc mơ "nội trú" của mình. Kỳ thi tuyển sinh đầu vào của các trường Y top đầu đã khốc liệt, đã là "sân chơi" của những "học bá". Nhưng nó vẫn chẳng là gì so với kỳ thi vào bác sĩ nội trú cả, vì bạn phải là "học bá" trong những "học bá", "tinh hoa" trong vô vàn "tinh hoa" mới có thể trúng tuyển. Vậy nên chẳng cần tìm kiếm đâu xa, ngay tại Việt Nam cũng những chương trình đào tạo cực khủng như vậy.
Mới đây, mạng xã hội rần rần loạt video về ngày "matching day 2024" của các "học bá" vừa vượt qua kỳ thi vào bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội. Được biết, những sinh viên đạt thành tích tốt nhất trong kỳ tuyển sinh Bác sĩ nội trú sẽ có cơ hội được lựa chọn chuyên ngành mà mình yêu thích. Nhiều người xem xong phải thốt lên: "Sao xem còn gay cấn hơn cả phim hành động, đúng là nhân tài trong những nhân tài".
Những sinh viên ưu tú nhất của chương trình Bác sĩ nội trú được lựa chọn chuyên ngành (Nguồn TikTok: xpresshmu)
Đương nhiên, trước khi đến được với buổi chọn chuyên ngành này, các chàng trai cô gái áo trắng ấy đều phải trải qua quãng thời gian dài "dùi kinh mài sử", "ăn dầm nằm dề" với sách vở. Việc ôn thi hơn 10 tiếng/ngày đối với những thí sinh dự thi kỳ thi bác sĩ nội trú là một điều hết sức bình thường.
Vậy thì kỳ thi này khốc liệt đến mức nào mà khiến nhiều "học bá" cũng phải chào thua?
Theo thông tin từ trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ nội trú là chương trình đào tạo dành cho sinh viên Y khoa chính quy đã tốt nghiệp đại học và muốn học cao hơn. Chương trình đào tạo bác sĩ nội trú được coi là đào tạo tinh hoa, kéo dài 2 - 4 năm. Mô hình này xuất phát từ Pháp, sau đó sang các nước châu Âu, Mỹ và khắp thế giới.
Thông thường sinh viên Y khoa sau khi kết thúc chương trình đào tạo đại học sau 6 năm, họ có thể chọn học cao hơn bằng cách thi vào chương trình bác sĩ nội trú với điều kiện dưới 27 tuổi, chưa bị kỷ luật và từng là sinh viên Y khoa chính thức.
Điều đặc biệt ở kỳ thi này là mỗi sinh viên Y khoa chỉ có duy nhất 1 lần trong đời được tham gia thi Bác sĩ nội trú. Vậy nên "một ăn cả ngã về không", bạn phải tạo nên một cú "knock out" nếu muốn trở thành Bác sĩ nội trú thực thụ.
Chia sẻ trên tờ Tiền Phong, PGS.TS Lê Minh Giang, Trưởng phòng Quản lí đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Y Hà Nội khẳng định, Bác sĩ nội trú là kì thi vừa khốc liệt vừa độc đáo và mang đầy vẻ đẹp y khoa khi mỗi sinh viên Y khoa chỉ được dự thi Bác sĩ nội trú duy nhất 1 lần trong đời ngay trong năm tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa.
Cách đây tròn 50 năm (1974), lãnh đạo Bộ Y tế và Trường ĐH Y Hà Nội quyết định tổ chức một kì thi lựa chọn sinh viên ưu tú nhất để học Bác sĩ nội trú làm hạt giống trong lĩnh vực y tế. "Những khốc liệt của kì thi Bác sĩ nội trú không phải để làm khó thí sinh mà để chọn được thí sinh xứng đáng nhất với ngành Y", PGS.TS Lê Minh Giang nói.
Không chỉ là một kỳ thi mang đậm nét đẹp Y khoa, mà còn có rất nhiều lý do khác khiến biết bao sinh viên khác ao ước đỗ vào chương trình này. Đầu tiên, bác sĩ nội trú là danh hiệu cao quý, là biểu tượng huy chương cho trí tuệ, nhân tài trong ngành Y. Nó cũng giống như vận động viên tham gia Olympic, ai cũng mong giành Huy chương Vàng vậy. Đương nhiên, để đạt "huy chương vàng", bạn phải là vận động viên giỏi và bền bỉ nhất. Khi đã tham gia vào kỳ thi này, không có chỗ cho sự lười biếng hay thảnh thơi.
Tiếp đến, bác sĩ nội trú là con đường ngắn nhất, nhanh nhất để có được cơ hội tiếp cận kiến thức, thực hành để nâng cao tay nghề trong ngành Y. Chữ "nội trú" ý chỉ các bác sĩ sẽ phải làm ở bệnh viện 24/24, làm rất nhiều việc, qua đó học hỏi được rất nhiều kiến thức, kĩ năng. Tại đây, bạn sẽ có cơ hội để được học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành, từ các bệnh viện tuyến trung ương với đa dạng mặt bệnh, trang thiết bị máy móc hiện đại… Nhiều chuyên gia đầu ngành đều trưởng thành từ nôi đào tạo Bác sĩ nội trú.
Đỗ vào chương trình này thì cơ hội xin việc sau cũng cũng tốt hơn. Bởi lẽ, tốt nghiệp Bác sĩ nội trú là sự khẳng định chuyên môn, sẽ dễ dàng được nhận vào các bệnh viện lớn, uy tín. Đó cũng là lý do mà nhiều sinh viên mong muốn trở thành Bác sĩ nội trú.
Trong ngành Y, từ khóa "Bác sĩ nội trú" đã trở thành truyền thuyết, có những "lời nguyền nội trú", có những sự tích, mẩu chuyện xung quanh kì thi khốc liệt này. Điều đó cũng làm nên tính hấp dẫn của kì thi và danh hiệu Bác sĩ nội trú.
Thông thường sinh viên Y khoa sau khi kết thúc chương trình đào tạo đại học sau 6 năm, họ có thể chọn học cao hơn bằng cách thi vào chương trình bác sĩ nội trú với điều kiện dưới 27 tuổi, chưa bị kỷ luật và từng là sinh viên Y khoa chính thức. Mỗi sinh viên Y khoa chỉ được tham dự kỳ thi bác sĩ nội trú 1 lần duy nhất.
Để có thể trở thành bác sĩ nội trú, bạn phải làm bài thi dạng trắc nghiệm với thời gian làm bài mỗi môn là 90 phút. Với 4 môn thi cụ thể như sau: môn chuyên ngành 1; môn chuyên ngành 2; môn cơ sở, môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Trung).
Để thi vào Bác sĩ nội trú, sinh viên phải ôn tập rất nhiều môn: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, các môn cơ sở (Sinh lý, giải phẫu, Hóa sinh, Sinh học – Di truyền), Ngoại ngữ, trước đây có cả Toán. Nội dung ôn tập rất rộng, vốn kiến thức khổng lổ, trước đây chỉ cho Chuyên đề, có 20 Chuyên đề bao trùm toàn bộ kiến thức từ năm thứ nhất đến năm thứ 6. Học thuộc những quyển sách dày cộp hàng ngàn trang có lẽ không còn là điều quá xa lạ đối với sinh viên ôn thi Bác sĩ nội trú.
Tỷ lệ chọi tùy từng chuyên ngành thì cực cạnh tranh, có nhiều chuyên ngành hot như Sản, Mắt, Ung thư, Tim mạch, Tai Mũi Họng… thì tỷ lệ chọi cao. Có thể 40 thí sinh đăng kí thi mà chỉ chọn 5 thí sinh.
Thí sinh phải qua điểm sàn mới được xét tuyển, và xét tuyển từ trên xuống, lấy hết chỉ tiêu thì dừng. Điều này đồng nghĩa với việc có những thí sinh qua sàn nhưng vẫn không đỗ Bác sĩ nội trú vì đã hết chỉ tiêu. Mà thi đỗ vào chương trình này xong cũng chưa chắc bạn sẽ chọn được chuyên ngành mà bản thân yêu thích, bởi như đã nói, chỉ tiêu từng ngành rất ít. Chỉ những sinh viên là "thủ khoa" của chuyên ngành Bác sĩ nội trú mới được lựa chọn chuyên ngành. Còn những sinh viên khác sẽ được sắp xếp, nếu chuyên ngành hết "slot" thì sinh viên phải chuyển qua chuyên ngành khác. Vậy nên, không chỉ cố gắng thi đỗ, mà sinh viên Y khoa phải cố gắng thi đỗ ở top cao để được chọn chuyên ngành mà bản thân yêu thích.
"Thay vì phải đăng ký chuyên ngành trước rồi mới thi và không đạt sẽ bị loại ngay, thí sinh bây giờ được chọn chuyên ngành sau khi có kết quả, theo nguyên tắc người đạt điểm cao hơn được ưu tiên lựa chọn chuyên ngành. Do đó, những chuyên ngành vốn rất ít sinh viên lựa chọn trước đây cũng đã có bác sĩ nội trú như Lão khoa, Ký sinh trùng...", GS Đoàn Quốc Hưng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, chia sẻ trên tờ VnExpress.
Hiện, cả nước có 13 cơ sở giáo dục đại học đào tạo bác sĩ nội trú. Trung bình một năm có khoảng 900 người tốt nghiệp bác sĩ nội trú, trên 40% số này được đào tạo tại trường Đại học Y Hà Nội. Một số trường đại học đào tạo bác sĩ nội trú như: trường Đại học Y Hà Nội, Y Dược TP.HCM, Y Dược Cần Thơ, Y Huế, Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Tại Đại học Y Hà Nội, kỳ thi này có tính cạnh tranh cũng rất lớn. Năm nay, ngoài sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội còn có sinh viên của 17 trường đại học khác. Bác sĩ nội trú là con đường ngắn nhất để trở thành bác sĩ giỏi.
Tóm lại, kỳ thi vào Bác sĩ nội trú khắc nghiệt ở cường độ ôn tập, với khối lượng kiến thức rất lớn, cạnh tranh, tỷ lệ chọi cao, nên các thí sinh gần như phải dành toàn bộ thời gian cho việc ôn tập, thậm chí ăn, ngủ tại giảng đường, lúc nào cũng trong tình trạng thiếu ngủ, hoang mang, lo lắng. Đây là "sân chơi" của những "học bá" của "học bá".
Thế mới thấy, đâu cần phải tìm kiếm xâu xa, ngay tại Việt Nam cũng có những chương trình đào tạo toàn tinh hoa.
Tổng hợp