Nằm úp mặt trên vũng bùn bên bờ sông Naf, thi thể bé trai lạnh ngắt, trơ trọi và cô đơn, bị những con sóng đánh trôi vào bờ. Người ta nhìn em và chỉ khẽ thở dài: "Vậy là một sinh linh nữa lại về với chúa trời rồi".
Có lẽ, thiên đường sẽ dang tay chào đón em hơn cuộc sống nơi trần gian này.
Cậu bé tên Mohammed Shohayet, một bé trai tị nạn người Hồi giáo Rohingya. Gia đình em phải chạy trốn sang Bangladesh để trốn tránh sự truy đuổi của quân đội chính phủ tại bang Rakhine, Myanmar. Tuy nhiên, cuộc sống đã không mỉm cười với em. Mohammed cùng mẹ và anh trai 3 tuổi đã mãi ra đi trên dòng sông này.
Cậu bé Mohammed nằm lạnh ngắt trên vũng bùn ven sông Naf.
"Khi tôi nhìn thấy bức hình, tôi chẳng còn thiết sống nữa", cha của em, anh Zafor Alam nghẹn ngào nói.
"Cuộc sống trên đời này đâu còn ý nghĩa gì với tôi nữa đâu?".
Nhìn bức ảnh của Mohammed, người ta lại nghẹn ngào nhớ tới Alan Kurdi, cậu bé 3 tuổi người Syria chết úp mặt trên bãi biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9/2015. Các em đều là nạn nhân của chiến tranh, xung đột trên thế giới. Nhưng cái chết của Alan Kurdi đã đánh động lòng thương cảm của người dân trên toàn thế giới, còn Mohammed, trên vũng bùn lạnh lẽo đó, liệu có bao người xót thương em?
Bao nhiêu giấy mực đã viết về cuộc đời của những đứa trẻ tị nạn, bao nhiêu nước mắt đã rơi cho số phận lũ trẻ và ngần đấy đó nỗ lực của các tổ chức nhân đạo, của các cơ quan liên quan mà sao số phận các em vẫn đau khổ, vẫn đầy ắp những trái ngang như vậy?
Xác của cậu bé 3 tuổi người Syria Alan Kurdi trên bãi biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9/2015.
Người ta nhìn bức ảnh em nằm trên đó mà bất lực, mà thấy run người. Ở nơi xa xôi trên hành tinh, nhiều người còn không biết đất nước Myanmar ở đâu. Nhưng họ biết ở đó, có một sinh linh nữa lại rời cõi đời này mà chỉ biết thở dài lặng lẽ.
Cuộc sống thống khổ tại Myanmar
Anh Zafor Alam nghẹn ngào kể lại cuộc sống của mình, những người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar: "Một người nào đó gọi điện cho tôi và nói rằng đã tìm được thi thể con trai tôi. Người đó chụp ảnh và gửi vào điện thoại di động cho tôi. Tôi chết đứng người khi nhìn thấy bức ảnh. Tôi chẳng thiết sống trên cuộc đời này vì vợ và hai con tôi đã chết trên đường chạy trốn sang Bangladesh".
Tại Myanmar, chính phủ không thừa nhận những người Hồi giáo Rohingya là công dân nước này. Điều này đã đẩy họ vào tình trạng vô thừa nhận khi chính phủ Bangladesh cũng không công nhận quyền công dân khi họ đã sống tại Myanmar rất nhiều năm. Thậm chí, những người Hồi giáo Rohingya còn bị chính phủ săn lùng sau sự kiện 9/10/2016.
Zafor Alam đã mất vợ và con trai trong khi đang cố gắng vượt biên sang Bangladesh.
Alam tiếp tục kể về câu chuyện cuộc đời mình "Trong làng, máy bay trực thăng quần thảo trên bầu trời và nã pháo vào chúng tôi, binh lính Myanmar cũng nổ súng vào chúng tôi. Chúng tôi không thể ở lại trong nhà của mình. Chúng tôi phải chạy trốn vào rừng. Ông bà tôi đã bị thiêu chết. Toàn bộ làng của tôi đã bị quân đội đốt phá. Chẳng còn lại cái gì".
Không chịu nổi cảnh bị kìm kẹp, Alam đã tìm cách chạy trốn sang Bangladesh. Tuy nhiên, vợ con anh vẫn đang kẹt ở Myanmar. Ngày 4/12, anh đã cố gắng liên lạc về với gia đình và tìm cách đưa mọi người trốn thoát qua sông.
"Khi cảnh sát Myanmar biết được những người dân đang chuẩn bị vượt sông trốn thoát, họ bắt đầu khai hỏa", Alam cho biết. "Nhanh chóng, người lái thuyền đưa hết mọi người lên thuyền để trốn thoát cảnh sát. Tuy nhiên, con thuyền đã quá tải và chìm xuống".
Một ngày sau, vào hôm 5/12, anh đã biết chuyện gì xảy ra. Cậu con trai bé bỏng cùng vợ đã chìm xuống dòng sông, mãi mãi...
Những người dân tại khu tị nạn Leda, Bangladesh.
Chỉ dòng sông biết...
Câu chuyện của Alam và Mohammed chỉ là một trong vô vàn những nỗi đau bỏ lại trên dòng sông này. Tổ chức tị nạn quốc tế cho biết có khoảng 34,000 người đã vượt biên giới trong vài tháng trở lại đây.
"Chỉ dòng sông biết bao nhiêu người Rohingya đã nằm xuống dưới đáy sông", Alam nghẹn ngào nói.
Alam ngồi cùng người em gái và anh trai trong khu trại tị nạn.
Giờ đây, tại trại tị nạn Leda, Teknaf, Bangladesh, Alam lầm lũi, oán than cho cảnh đời mình
"Tôi chẳng con ai cả. Hai con trai và vợ tôi đã chết rồi. Tất cả kết thúc rồi", anh cho biết.
"Cuộc sống ở đây cũng không khá hơn. Không nhà, không thức ăn, chúng tôi phải sống trong các trại tị nạn. Nhưng chí ít, sẽ không còn chiến tranh hay máu phải đổ nữa. Chúng tôi từng sống trong sợ hãi tại Myanmar. Nhưng ở Bangladesh, không còn gì sợ hãi nữa cả.
Nhưng cũng chẳng còn gì..."
Đã bao người cầu nguyện cho Alan Kurdi, nhưng còn Mohammed, ai sẽ khóc thương cho em?