Sau khi nhận được thông tin về việc hơn 160 trẻ em tị nạn không có người giám hộ sẽ được chuyển tới vùng ngoại ô Neuperlach Süd, thành phố Munich, những người dân tại khu vực này đã lên tiếng yêu cầu chính quyền phải xây dựng một bức tường ngăn cách giữa hai "thế giới".
Theo kế hoạch, nhóm trẻ em mới đến sẽ được sắp xếp vào một khu tổ hợp căn hộ lớn cách khu vực dân cư chưa đầy 100m.
"Việc di chuyển quá nhiều trẻ em tị nạn tới đây sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản. Vì vậy, giá trị của những căn hộ mà chúng tôi sinh sống cũng lao dốc không phanh ngay lập tức", nhiều người dân cho biết.
Người dân thành phố Munich đang khẩn trương hoàn thành bức tường ngăn cách trước khi số trẻ em tị nạn được chuyển đến.
Bên cạnh đó, họ còn tỏ ra lo ngại về tính xác thực và nguồn gốc thực sự của những đứa trẻ tị nạn nói trên.
"Tính từ đầu năm 2016 tới nay, nhiều trường hợp người tị nạn trưởng thành đã cố tình tiêu hủy toàn bộ giấy tờ tùy thân để tự nhận mình là trẻ vị thành niên không người giám hộ. Họ bất chấp mọi thứ để việc xét duyệt tị nạn trở nên dễ dàng hơn".
Chính vì vậy, người dân quyết định đệ đơn kiến nghị tới chính quyền thành phố và đưa vụ việc này ra tòa án cấp cao.
Cuối cùng, Tòa án Hành chính thành phố Munich đã chấp nhận những khiếu nại của người dân, đồng thời yêu cầu phía chính quyền phải nhanh chóng xây dựng một bức tường ngăn cách trước khi nhóm trẻ em tị nạn chuyển tới sinh sống.
Người dân địa phương muốn dùng bức tường kiên cố để tự bảo vệ mình trước sự "xâm lược" của trẻ em tị nạn.
Một người dân địa phương cho biết: "Ông Donald Trump muốn xây một bức tường để bảo vệ nước Mỹ khỏi sự nhập cư bất hợp pháp từ Mexico, còn chúng tôi cũng xây một rào chắn kiên cố để bảo vệ sự an toàn của chính mình trước những người tị nạn".
Sau khi được hoàn thành, bức tường Munich sẽ còn cao hơn cả bức tường Berlin trong thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, có vẻ như người dân tại Neuperlach Süd cũng không quá để ý tới vấn đề này.
Theo những kỹ sư thiết kế, đây là độ cao cần thiết để đảm bảo cho việc ngăn cách âm thanh cũng như con người giữa hai khu vực giáp ranh tại vùng ngoại ô thành phố Munich.
Bức tường Munich sẽ còn cao hơn cả bức tường Berlin nhằm ngăn cách hai khu vực của thủ đô nước Đức trong thời Chiến tranh lạnh.
Xoay quanh chính sách mở cửa cho người tị nạn của Thủ tướng Angela Merkel, bức tường Munich cũng chỉ là một trong số nhiều sự kiện xảy ra tại Đức nhằm cho thấy sự không hài lòng cùng những mâu thuẫn đang bùng phát mạnh mẽ trong xã hội nước này.
Tính từ đầu năm 2016, đã ghi nhận gần 200 vụ tấn công nhằm vào người tị nạn tại Đức.
Vào thứ sáu vừa qua, một nhóm 30 kẻ thuộc phong trào cực hữu đã tổ chức phục kích và đánh đập dã man ba thanh niên tị nạn người Afghanistan tại thị trấn Heidenau, bang Sachsen.
Toàn bộ số trẻ em tị nạn sẽ được sắp xếp vào một khu tổ hợp căn hộ lớn cách khu vực dân cư chưa đầy 100m.