Những tiếng nói cười trong bữa cơm sum vầy tràn ngập gian nhà nhỏ - nơi bà Trần Ngọc Kim (54 tuổi, TP.HCM) may mắn tìm về sau 48 năm lưu lạc. Sự đoàn tụ ngỡ như một giấc mơ với bà Kim và cả những người trong gia đình, vậy mà giờ lại thành sự thật, như một phép màu nhờ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”.
Vui mừng đến “mất ăn mất ngủ” cả tháng trời, bà Kim rưng rưng khi nhớ về ký ức năm 6 tuổi ấy, cái năm bà đã vô tình lạc mất gia đình nhỏ của mình sau giấc ngủ trên chuyến xe lam.
“Cô đi chơi nhà bà chị, bà cô gần đó. Lên xe lam cô ngủ quên, đi tới trạm thấy người ta xuống hết trơn thì cô cũng xuống theo. Lúc đó cũng quýnh quáng lên rồi, không biết ở đâu, không biết đi đường nào về. Cô cứ đi thẳng hoài.”
Lối đi thẳng ấy đã đưa bà đến tận Củ Chi xa xôi, nơi bà Kim may mắn gặp được một người đàn ông tốt bụng - gia đình thứ hai của mình.
“Đi tới Củ Chi thì gặp ông già (bố nuôi của của bà Kim - PV) đem vào trong đơn vị, nhờ đơn vị thông báo. Ban đầu chỉ nghĩ để một hai ngày rồi nếu ai cần thì cho người ta nhận nuôi. Nhưng sau một hai tuần lễ như vậy rồi thì ông mới nói, thôi giờ không ai nhận thì ông đem về, nuôi tới lớn luôn”.
Bà Kim vui vẻ chia sẻ về người cha đã nhận nuôi mình suốt những tháng năm cơ nhỡ:
“Trong đầu cũng muốn tìm mà không biết hoàn cảnh như nào, hướng nào mà tìm cha mẹ mình. Cha mẹ nuôi mới nói “Thôi giờ con về đây ở đây chứ khóc gì nữa, nếu sau này ba mẹ con có nhận thì ba mẹ trả lại” Thương như con vậy đó, cha mẹ để ngủ chung luôn chứ không ngủ riêng gì hết.”
Bà Kim rưng rưng khi nói về những tháng ngày lưu lạc
Mặc dù được cha mẹ nuôi thương như con ruột nhưng trong lòng bà Kim vẫn luôn đau đáu khôn nguôi về gia đình của mình. Bà Kim chia sẻ, bản thân đã rất nhiều lần đi lại con đường quốc lộ 22 - con đường duy nhất còn đọng trong ký ức cuối cùng trước khi thất lạc của bà nhưng vẫn chẳng thể tìm ra.
Rồi thời gian mấy mươi năm thấm thoắt trôi đi, bà Kim ngoài gia đình cha mẹ nuôi cũng có một gia đình nhỏ của riêng mình. Nhưng 2 năm trở lại đây, lần lượt người cha nuôi cùng chồng qua đời khiến bà gần như gục ngã. Vì thương mẹ nên hai người con gái của bà đã quyết định gửi thư lên chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nhờ tìm kiếm gia đình thất lạc của bà.
Hy vọng, dù nhỏ bé nhưng cũng đã tiếp thêm cho bà Kim niềm tin có thể đoàn tụ cùng gia đình.
Và rồi, tựa như một phép màu, sợi dây tình thân giữa bà Kim cùng gia đình của mình lại một lần nữa được nối lại nhờ chương trình. Tất cả tưởng chừng vỡ oà trong niềm hạnh phúc vô bờ.
“Cô không còn hy vọng, cô sợ lớn tuổi rồi, qua mùa dịch không còn ai nhưng may mắn vẫn còn 3 người.” - bà Kim cười nói.
Khoảnh khắc gặp lại, những giọt nước mắt, những lời nói, những cái ôm bao năm tưởng chừng chẳng thể gửi đến với người cần nghe, giờ lại vang lên trong sự nghẹn ngào.
“Bao năm rồi chị em mình mới gặp lại nhau, tưởng em chết rồi, tìm biết bao nhiêu nơi mới gặp lại nhau. Má tìm khắp nơi hết nhưng không có, lối xóm người ta cũng tìm hết nhưng không có được, nghe nói em lên xe lam đi lạc mà không biết xe lam nào nữa….”
Nhớ lại giây phút vừa gặp lại, còn chưa cầm giấy xác nhận ADN trên tay, ông Võ Văn Lộc (anh trai ruột bà Trần Ngọc Kim) nói bản thân đã chắc chắn đây chính là em gái thất lạc mà cả gia đình đã tìm kiếm bao năm:
“Chưa đưa giấy xác nhận ADN vào, mới đi ra là tôi biết em tôi liền. Nhẹ lòng hơn nhiều chứ. Nhận được em, tôi mừng lắm. Chắc chắn mẹ tôi nếu còn sống cũng rất mừng nên khi vừa tìm được, tôi đã đốt nhang nói với mẹ, rằng kiếm được em tôi rồi.”
Ông Lộc không khỏi nhớ lại những ngày tháng cả gia đình ông ròng rã bao năm để tìm lại bà Kim. Thậm chí mẹ của ông trước khi qua đời vẫn luôn nặng lòng vì không thể gặp được con gái lần cuối.
“Ba cứ ngày nào cũng tắm rửa rồi đi bộ kiếm nhỏ này, lang thang Sài Gòn, Chợ Lớn kiếm con, cứ nghĩ đi lạc chỗ này chỗ nọ. Nghe miền Tây có người đi lạc là đến kiếm.”
“Con đường nào cũng đi kiếm hết. Mẹ còn đăng báo nữa nhưng không tìm thấy. Nghĩ nó cũng thiệt thòi thấy thương em mình” - Bà Võ Thị Quỳnh - chị gái ruột của bà Kim chia sẻ.
Và giờ đây, gia đình bà Kim đã có thể đón một cái Tết đầm ấm bên nhau sau gần nửa thế kỷ xa cách. Tất cả là chuyện “đâu có ngờ”.
“Đâu có ngờ mà gặp, đâu có ngờ đâu con.” bà Kim vừa cười vừa lau nước mắt “Giờ mình được hai gia đình, cô vẫn nói giờ cô thích về đâu thì về, thích đi về Hóc Môn thì về, không thích đi về Tràng Bạc ở, vậy đó.”
Sau những năm tháng dài đằng đẵng của nỗi nhớ và kiếm tìm, bà Kim cuối cùng cũng đã tìm được bến đỗ tình thân - nơi mà bà có thể gọi là nhà, cùng với hạnh phúc được sống bên hai gia đình yêu thương. Câu chuyện của bà cùng gia đình tựa như một minh chứng rằng, dù sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm, tình cảm gia đình vẫn luôn là nút thắt bền chặt diệu kỳ chẳng gì có thể thay đổi.