Bữa ăn sáng đẫm nước mắt và bài học trong hành trình cùng con khôn lớn

Ứng Hà Chi, Theo Phụ nữ Việt Nam 09:37 15/11/2022
Chia sẻ

Nuôi dạy con sai cách có thể khiến cuộc đời con đi theo hướng rẽ kém thuận lợi, nhiều bão giông.

Đố bạn, đâu là công việc gian nan, khó khăn nhất thế giới? Đó không phải việc làm lao động chân tay vất vả, cũng không phải việc lao động trí óc để kịp "deadline" các dự án. Việc khó khăn nhất không mang một cái tên cao sang, mỹ miều mà chỉ dung dị, gói gọn trong 3 từ "làm cha mẹ".

Làm cha mẹ - đồng nghĩa với việc bạn phải toàn tâm toàn sức, trở thành "người lao động toàn thời gian". Ngay cả khi bản thân mệt mỏi, đau ốm hay chán nản, bạn cũng không được "nghỉ phép", "nghỉ việc". Làm cha, làm mẹ - ai cũng mong con mình mạnh khỏe, ngoan ngoãn, có khả năng giải quyết mọi vấn đề. Nhưng khi con đưa ra quyết định, nhiều cha mẹ quên ngay bài học đã dạy con. Những lúc ấy, họ vội can ngăn con: "Con không được làm như vậy!", "Hành động của con là sai", "Cha/mẹ đã lựa chọn rồi, đây mới là điều tốt nhất cho con",…

Những quyết định của cha mẹ đều đến từ kinh nghiệm đã trải qua và họ khẳng định đúng đắn tuyệt đối. Sở dĩ họ muốn con nghe lời bởi đơn giản là xuất phát từ tình yêu thương, sự lo lắng cho con. Cha mẹ nào mà không mong con đi đúng hướng, đường đời bớt chông gai? Nhưng để giúp con trưởng thành, tự tin vững bước, xin cha mẹ hãy để con làm chủ cuộc đời mình. Hãy để con tự lập, tự chủ, tự quyết định trong khả năng và dưới sự kiểm soát có mức hạn của cha mẹ!

Bữa ăn sáng đẫm nước mắt và bài học trong hành trình cùng con khôn lớn - Ảnh 1.

Làm cha mẹ là công việc khó bậc nhất thế giới. (Ảnh minh họa)

Chẳng cha mẹ nào có thể cầm tay đi theo con suốt cuộc đời hay lúc nào cũng xuất hiện kịp thời khi con có vấn đề phát sinh. Thay vì vậy, hãy trao cho con kỹ năng giải quyết vấn đề, sự tự lập đáng quý cùng bản lĩnh kiên cường giữa cuộc đời đầy bão giông.

Câu chuyện nhỏ sau đây chắc chắn sẽ tác động mạnh để tâm lý của những bậc làm cha, làm mẹ, khiến bạn có cái nhìn khác về cách chăm sóc và giáo dục con.

BỮA ĂN SÁNG ĐẪM NƯỚC MẮT VÀ 5 NGUYÊN TẮC VÀNG

Cậu bé nọ mới 5 tuổi, sinh sống tại Hoa Kỳ, sớm được cha mẹ hướng dẫn một số việc đơn giản như vệ sinh cá nhân, ăn uống,… Một buổi sáng cuối tuần, cậu bé thức dậy trước mẹ, còn cha cậu đã ra ngoài từ sớm. Người mẹ trong cơn buồn ngủ vội dặn con có 2 sự lựa chọn bữa ăn sáng là bánh bông lan và bánh ngọt đã được để sẵn trên bàn.

Tuy nhiên, cả 2 món ăn mẹ gợi ý đều không phải thứ mà cậu bé muốn thưởng thức. Mở ngăn tủ lạnh, mắt cậu sáng rực khi thấy thanh kẹo ngọt cùng hộp sữa chua dẻo quánh. Cậu háo hức cầm đồ ăn chạy ra nói với mẹ rằng mình muốn ăn thứ này. Trong cơn buồn ngủ, người mẹ đã nặng lời mắng và kiên quyết không chấp thuận.

Cậu bé đứng bên giường mè nheo, khóc lóc ỉ ôi khiến mẹ cậu càng thêm bực bội. Thậm chí, người mẹ còn thốt lên: "Mẹ thất vọng vì con!" khiến cậu khóc nức nở. Cuối cùng, biết không thể xoay chuyển được mẹ, cậu vội đem thanh kẹo cùng hộp sữa chua cất vào tủ và ngồi "thưởng thức" bữa ăn được mẹ chuẩn bị với đôi mắt đỏ hoe.

Một buổi sáng cuối tuần đáng lẽ diễn ra trong không khí vui vẻ, rộn rã tiếng cười bỗng chốc trở nên u ám. Cậu bé sụt sùi khóc, còn người mẹ thì tức tối và cho rằng con đã phá hỏng ngày nghỉ tuyệt vời của mình.

Một lúc sau, người cha trở về. Chỉ chờ có vậy, người mẹ tổ chức ngay một "cuộc họp gấp" với "đồng minh" để thuật lại câu chuyện mới diễn ra. Nghe xong, người đàn ông đã phân tích cho vợ mình hiểu 5 điều "khắc cốt ghi tâm".

- Thứ nhất, cha mẹ đừng làm tổn thương con bởi những câu nói sát thương.

Nguyên nhân khiến con khóc nức nở không phải vì không được ăn sữa chua và kẹo mà vì bị mẹ nói "Mẹ thất vọng vì con" . Trong cơn nóng giận, cha mẹ coi đó là câu nói bình thường. Nhưng với trẻ, đó là câu nói gây tổn thương lớn và trẻ sẽ nhớ rất lâu. Điều này vô tình hình thành tâm lý tự ti, mặc cảm cho trẻ. Sau này, khi gặp vấn đề phát sinh, trẻ sẽ không dám dũng cảm đối diện và giải quyết.

- Thứ hai, cha mẹ hãy trao cho con sự tự lập và đừng làm ngược với những gì đã nói.

Chúng ta luôn dạy con phải tự lập, phải biết chăm sóc bản thân và biết sắp xếp thời gian khoa học. Nhưng chúng ta có cho con quyền lựa chọn không? Trong khi con muốn được chọn món ăn con thích, được làm điều con mong muốn thì cha mẹ lại can ngăn, thậm chí là cấm đoán. Cha mẹ cần làm gương cho con cái. Mọi hành động hơn vạn lời nói giáo điều. Cha mẹ cần có lời nói và hành động thống nhất để con cái noi gương.

- Thứ ba, cha mẹ cần giải thích mọi ngọn ngành vấn đề.

Người chồng trong câu chuyện hiểu rằng vợ mình không muốn con ăn kẹo và sữa chua vào buổi sáng bởi thứ đó rất lạnh khiến con ăn vào có thể bị đau bụng. Và người mẹ muốn con có bữa sáng ngon lành đã chuẩn bị từ trước. Nhưng khi đang buồn ngủ, người mẹ đã không giải thích rõ ràng với con. Điều này khiến cậu bé không hiểu được sự quan tâm, lo lắng của mẹ dành cho mình.

Trước mọi vấn đề, cha mẹ nên giải thích rõ ngọn ngành cho con hiểu. Thay vì phản đối, cấm đoán; cha mẹ nên nhẹ nhàng phân tích để con hiểu được mặt lợi - hại, thiệt - hơn. Khi con bình tĩnh lắng nghe, chắc chắn con sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.

- Thứ tư, nếu cha mẹ cấm đoán sẽ khiến con đi sai hướng.

Người đàn ông trong câu chuyện đã nói thế này với vợ của mình: "Em yêu! Chẳng phải con vẫn nghe lời em đấy sao. Con đã cất kẹo, sữa chua đi và ngoan ngoãn ngồi ăn phần bánh em chuẩn bị. Nhưng em có nghĩ rằng nếu con không nghe lời, con vứt bánh vào thùng rác và nói dối em rằng đã ăn. Sau đó, con sẽ mang cốc sữa chua vào phòng riêng ngồi nhâm nhi thì sao nhỉ?".

Mọi trường hợp, mọi tình huống hoàn toàn có thể xảy ra. Khi không thực hiện được ý muốn của mình, nhiều trẻ sẽ nảy sinh tâm lý chán nản, thất vọng. Thậm chí, một số trẻ còn ngấm ngầm thực hiện hành vi ngược lại sau lưng cha mẹ hoặc tỏ thái độ chống đối. Nguyên do đơn giản cho hành vi này là vì trẻ muốn thể hiện cái tôi.

- Thứ năm, cha mẹ hãy xin lỗi khi cư xử không đúng.

Kết thúc cuộc trò chuyện, người đàn ông ôn tồn nói: "Nào, bây giờ chúng ta cùng vào nói chuyện với con. Em cần xin lỗi con và bày tỏ nỗi lòng của mình. Điều này thật khó nhưng chúng ta vẫn phải làm".

Cha mẹ luôn dạy con phải xin lỗi khi mắc sai lầm. Nhưng chính cha mẹ lại sẵn sàng làm lơ khi mắc lỗi bởi tâm lý ngại ngùng, khó mở lời và muôn vàn lý do khác. Cha mẹ cần làm gương tốt cho con, hãy chân thành xin lỗi khi cư xử không đúng. "Con yêu, cha/mẹ xin lỗi vì đã quá nóng giận!", "Xin lỗi con vì cha/mẹ có những lời nói khiến con buồn",… Lời xin lỗi không quá khó, chỉ cần mỗi bậc phụ huynh sẵn sàng nói ra.

Bữa ăn sáng đẫm nước mắt và bài học trong hành trình cùng con khôn lớn - Ảnh 2.

Trong hành trình cùng con khôn lớn, đôi khi mỗi bậc phụ huynh cần đặt bản thân vào vị trí của con để thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia.

Qua câu chuyện về bữa ăn sáng, chúng ta nhận ra sự tự lập của một đứa trẻ rất quan trọng. Đứa trẻ lớn lên cần được giáo dục kỹ năng sống để tự tin, tự giác, có khả năng đưa ra quyết định những vấn đề trong khả năng. Chẳng hạn khi nhỏ, trẻ có thể chọn quần áo, đồ ăn, nơi vui chơi,... Còn khi lớn lên, trẻ được phép chọn môn học, ngôi trường,... mà trẻ cảm thấy phù hợp. Ngoài ra, câu chuyện còn giúp mỗi người nhìn lại bản thân tự có cho mình bài học riêng để trở thành cha mẹ theo phiên bản tốt nhất.

Trong hành trình cùng con khôn lớn, đôi khi mỗi bậc phụ huynh cần đặt bản thân vào vị trí của con để thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia. Làm cha mẹ đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và cả nhẫn nại. Một đứa trẻ phát triển toàn diện, tâm hồn an nhiên thường cần sự nuôi dạy từ 2 người là cha và mẹ. Bởi trong hành trình ấy, 1 người không thể đúng trong mọi hoàn cảnh. Nếu có đủ cha mẹ, họ sẽ cùng thảo luận, góp ý để hoàn thiện phương pháp giáo dục con.

Ngoài ra, một gia đình có đủ cha mẹ nhưng không trọn vẹn nếu 1 trong 2 người phó mặc việc nuôi dạy con cho người còn lại. Bởi khi ấy, tổ ấm chỉ tồn tại theo kiểu có cha/mẹ và 1 "người thân" thi thoảng mới lên tiếng, xuất hiện.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày