Sau gần 20 năm làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam (ĐTHVN), BTV Trần Quang Minh đã là một cái tên cực kì quen thuộc của khán giả. Từ Chúng Tôi Là Chiến Sĩ, Đối Mặt (VTV3), đến Bữa Trưa Vui Vẻ (VTV6), Người Nông Dân Hiện Đại, Chuyến Xe Buýt Kỳ Thú (VTV8) và rất nhiều gameshow, talkshow và các chương trình sự kiện lớn của đất nước được truyền hình trực tiếp trên VTV1, anh vẫn luôn nhận được rất nhiều sự yêu mến của mọi người nhờ sự dí dỏm, hài hước nhưng không kém phần thẳng thắn, thông minh.
Cùng xem BTV quen thuộc này sẽ chia sẻ gì về bản thân và nghề của mình!
Nhiều người nghĩ dẫn chương trình là một nghề hào nhoáng, đáng mơ ước với nhà lầu, xe hơi, dùng hàng hiệu,... Theo anh, điều này đúng bao nhiêu %?
Đâu có. Tôi đi xe máy đến đây. *cười*
Đùa chứ có thể gia đình người ta có điều kiện mà, nên theo tôi không có % nào đúng cả. Thực tế, MC của ĐTHVN là người làm công ăn lương bình thường và việc dẫn chương trình chỉ là 1 trong số những nhiệm vụ mà các BTV được phân công. Mỗi chương trình họ dẫn nằm trong quy định về định mức thu nhập của nhân viên trong đài và có khống chế trần thu nhập. Khống chế ở đây không có nghĩa là không cho người ta thu nhập cao vì người quản lý nào cũng mong nhân viên có thu nhập tốt mà còn cần phân bổ cho nhiều người khác nữa, phải cân đối sao cho đồng đều, hợp lý. Tuy nhiên bạn nào làm tốt hơn sẽ được phân công nhiệm vụ khó hơn, phức tạp hơn vì mỗi chương trình đều là bộ mặt của nhà đài. Tóm lại là ai có năng lực, người đó có quyền có thu nhập cao nhưng không bao giờ tôi nghĩ thu nhập của các MC có thể tạo nên một cuộc sống xa hoa, hào nhoáng.
Anh Trần Quang Minh đến gặp tôi với chiếc Vespa đời cũ
Còn ở ngoài, những MC thuộc hàng ngôi sao như Trấn Thành hoặc ai đó ngang vai, họ vốn là nghệ sĩ nổi tiếng, có thương hiệu nên chuyện ra giá hoặc yêu cầu lên đến cả trăm triệu là bình thường. Bởi lẽ nhà tài trợ, nhãn hàng mong muốn sự có mặt của những người đó để tạo vị thế cho chương trình, thu hút khán giả, phục vụ quảng cáo và đẩy tỷ lệ thành công lên cao. Việc đó hoàn toàn phù hợp với công sức bỏ ra và tiếng tăm mà MC mang lại.
Và công việc này cũng có không ít khó khăn?
Nghề MC có yêu cầu cao về sự phối hợp, bởi không ai có thể đơn thương độc mã sản xuất một chương trình được, đằng sau họ là cả 1 ekip. Nếu không làm việc ăn ý, chúng tôi sẽ không bao giờ có một chương trình chất lượng.
Với bản thân MC, họ phải làm tròn vai của mình ngay từ lúc nhận chương trình như nghiên cứu về nội dung, mở rộng đề tài,... Ví dụ một MC không thể chỉ chăm chăm dẫn những thứ có sẵn trong tay được bởi các sự cố sẽ xảy ra trên sân khấu bất cứ lúc nào. Những tình huống như vậy mình phải "câu giờ" hoặc làm gì đó khiến cho nội dung phong phú hơn. Điều này không phải cơ hội để MC tranh thủ PR bản thân đâu nhé.
BTV Trần Quang Minh năm 2010 - thời điểm anh dẫn dắt Chúng Tôi Là Chiến Sĩ
Nếu nói người dẫn chương trình lên sân khấu phải tạo ra cho mình một ánh hào quang, khiến bản thân hấp dẫn là sai. Sai hoàn toàn. MC là người làm cho chương trình đó thành công bằng cách chắp nối tất cả, móc nối người nọ với người kia, tôn vinh nhân vật của mình. Như thế mới gọi là người dẫn, là điều khiến khán giả yêu thích ở mình. Còn không, anh sẽ trở thành diễn viên độc thoại, làm mất đi giá trị của chương trình. Mà những người mời mình đến đâu có mong mời anh Minh hay ông nào đó đến đứng như 1 ngôi sao hay diễn viên độc thoại đâu. Tất nhiên để làm được như vậy, người dẫn chương trình phải có kinh nghiệm sống, có óc quan sát chứ không phải là một chiếc máy nói.
Thật ra tôi nghĩ yêu cầu này là cả khó khăn lẫn thuận lợi. Thuận lợi là nó đem lại thói quen quan sát mọi sự vật và sự việc xung quanh, cập nhật đủ mọi thông tin thời sự, chính trị, văn hoá, xã hội, tất tần tật. Từ đó tôi có thể kể những câu chuyện gắn liền với chương trình, với yêu cầu mà BTC đưa ra. Ví dụ tôi đang dẫn 1 chương trình thiếu nhi đi, ai cũng từng là thiếu nhi phải không? Nhưng không phải ai cũng có thể quan sát tuổi thơ của mình một cách cẩn thận. Tôi nói "quan sát tuổi thơ" có nghĩa rằng người ta phải hoài niệm và suy nghĩ rất nhiều về tuổi thơ, có những câu chuyện đi vào kí ức và chúng được sắp xếp cẩn thận ở trong não bộ. Đến khi dẫn và gặp một em bé nào đó, tôi đem câu chuyện tuổi thơ của mình ra để nói nhưng nó phải phù hợp với mạch chương trình: "Chú cũng từng gặp tình huống thế này và chú làm thế kia" để cháu hiểu, phụ huynh của cháu hiểu và những người lớn có mặt tại chương trình cũng muốn mang câu chuyện đó về chia sẻ với con cái họ. Như vậy mới là một người dẫn tốt, thậm chí tốt hơn cả nhiệm vụ mà chương trình giao.
Anh Quang Minh trên sân khấu Bữa Trưa Vui Vẻ
Theo anh, tố chất quan trọng nhất của 1 BTV/MC là gì? Ngoại hình hay thực lực sẽ được đánh giá cao hơn?
Cái gì cũng quan trọng. Câu hỏi này làm tôi nhớ đến câu nói của 1 đạo diễn nổi tiếng, sự nghiệp gắn liền với nhiều chân dài và cũng là người bạn chơi rất thân với tôi, đó là anh Dũng Khùng (Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - PV). Lần đó tôi hỏi: "Dũng ơi, tại sao diễn viên trong phim của em cứ phải là siêu mẫu nọ, người đẹp kia?" thì bạn ấy bảo: "Em không thể dạy một người xấu làm đẹp được nhưng em có thể dạy một người đẹp diễn được". Tất nhiên đó chỉ là nói vui bởi trong điện ảnh, người ta có thể diễn đi diễn lại nhiều lần, có thể học thuộc lòng và nói như 1 cái máy nhưng vẫn hay. Dũng Khùng chính là người có tài đó, bằng nhiều thủ pháp khác nhau của nghề làm phim.
Nhưng với người dẫn chương trình, xấu đôi khi lại là 1 lợi thế. Ví dụ một chương trình nói về nhan sắc, đưa một người thật xấu ra làm MC. Có thể ngay từ đầu khán giả sẽ chê nhưng nếu người đó dùng năng lực để thuyết phục được khán giả rằng đừng xấu như mình, hãy đẹp lên bằng cách mà nội dung chương trình hướng tới thì ok đấy chứ. Thế nên tôi nghĩ rằng nếu khéo léo, các MC hoàn toàn có thể biến điểm yếu nhan sắc trở thành lợi thế của chính mình. Thế nên cái quan trọng vẫn là thực lực, là nội dung mà MC đem đến cho khán giả.
Bên cạnh đó có 1 thứ không thể thiếu của các MC là năng khiếu và tính cách dí dỏm, hài hước. Tôi ở ngoài đời như thế nào thì lúc lên tivi y chang như thế. Tôi có thể "băm" người ta như băm chả nhưng người ta không tự ái vì tôi biết thế nào là đúng. Sẽ có người thích và có người không thích nhưng may cho tôi, người thích nhiều hơn người không thích.
Dẫn dắt chương trình ra sao, ở ngoài đời, BTV Quang Minh hài hước dí dỏm y hệt
Có phải các MC ngày càng nổi tiếng nhờ cuộc sống riêng nhiều hơn là làm nghề không?
Tôi nghĩ đó cũng là một cái tốt, nếu không muốn nói là quá tốt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Facebook luôn đặt ra câu hỏi: "Bạn đang nghĩ gì?" đúng không? Chính tôi cũng là một người thích chia sẻ cuộc sống riêng lên Facebook, không phải vì muốn PR cho bản thân. Có điều không dừng lại ở việc nghĩ gì, nhiều người còn thích thể hiện sự hào nhoáng dù chưa chắc bản thân họ có như vậy, cái này không riêng người dẫn chương trình mà ai cũng thế.
Đơn giản nhất là chuyện đăng ảnh lên mạng. Tại sao mọi người cứ phải dùng app để chụp ảnh? Tôi chưa bao giờ dùng app để chụp ảnh hay chỉnh sửa rồi đưa lên mạng, nếu có thì chỉ là bạn bè trêu đùa nhau. Không phải tôi tự tin vào nhan sắc của mình đâu nhé! *cười* Tôi nghĩ rằng thứ mình cần là chất lượng. Chất lượng ở đây là gì? Bạn cứ chụp 1 chiếc ảnh bằng app và 1 chiếc bằng cam thường điện thoại xem chất lượng có khác nhau không. Hơn nữa tôi còn là 1 người chơi ảnh, tôi không bao giờ chấp nhận một bức ảnh chỉnh sửa be bét và chỉ còn có vài trăm kb khi đăng "Phây", rất xấu.
Còn những chuyện khác trong cuộc sống mọi người đều có quyền mơ, mơ xinh hơn, giàu hơn, có nhiều thứ hơn,... nói chung chẳng có lý gì để ngăn cản họ cả. Nhưng đừng để giấc mơ của mình làm hại những người khác, còn hại chính bản thân bạn thì người ta không quan tâm.
Đấy là chưa kể nhiều người muốn nổi tiếng, muốn có lợi cho việc kinh doanh của họ nên đã tự viết bài gửi cho các phương tiện truyền thông, báo chí rồi bảo "đăng bài cho tôi đi" và chỉ cần trả ít phí. Đó chính là mặt trái của truyền thông. Bây giờ rất nhiều bài PR cứ tâng bốc lên mà không biết nhân vật có đúng như vậy không, đúng được bao nhiêu %. Có nhiều câu chuyện thật rõ ràng mà chúng ta còn phải cân nhắc đăng hoặc không, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ vì trong tác nghiệp báo chí, còn một giá trị rất lớn mang tính quyết định hành vi. Đó là "đạo đức báo chí".
Phải chăng BTV/MC nào cũng có nghề tay trái?
Đa số. Nói nghề thì không đúng nhưng công việc để họ tăng thêm thu nhập thì bình thường, nhất là ở giữa thời buổi kinh tế thị trường này. Thế nhưng có 2 cái cần phải đảm bảo, thứ nhất là hợp pháp và thứ 2 là không chiếm quá nhiều quỹ thời gian. Vì công việc chính của BTV/MC là ở đài truyền hình, vẫn phải đi làm hàng ngày và công việc chính có thể hỗ trợ nhiều cho công việc phụ. Nếu việc phụ đó mang lại cho mọi người thu nhập nhiều thì càng tốt vì sẽ giúp xã hội phát triển. Mà bạn là người có thu nhập tốt rồi, bạn có lên mạng đăng gì thì cũng chẳng ai nói bạn sống ảo cả.
Vậy theo anh, có hay không sự kèn cựa ở các MC nam?
Không chỉ MC nam hay MC nữ mà cái này tồn tại trong tất cả các nghề nói chung, rất nhiều là đằng khác. Nhưng quan trọng là tính GATO, kèn cựa của người đó có làm ảnh hưởng đến công việc không. Tôi không quan tâm đến chuyện này lắm vì còn nhiều việc khác phải lo hơn. Tôi từng làm công tác quản lý, bao gồm cả các bạn MC. Họ có thể có, có thể không GATO với nhau nhưng cái tôi cần là hiệu quả công việc, không cho phép sự kèn cựa nào để ảnh hưởng đến công việc chung. Và tôi cảm thấy may mắn khi đội ngũ các bạn MC làm việc cùng tôi đều rất hiểu điều này. Ngoài ra đó còn là sự phân công của người quản lý có hợp lý hay không.
Có thể vì thế mà tôi được nhiều đồng nghiệp, đàn em tâm sự. Có chương trình mời bạn này dẫn nhưng đến sát ngày lại cancel và kêu bạn kia dẫn, có bạn này đang dẫn một series chương trình nọ nhưng sang năm đổi bạn khác,... Những thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, thu nhập, hình ảnh,... thì họ bức xúc thôi. Nhưng tôi nghĩ mỗi người hãy làm tốt nhất công việc của mình để sang năm người ta lại mời chứ bạn làm không tốt, người ta không mời là đúng rồi. Đơn giản thế thôi, chẳng có gì phải kèn cựa, không làm việc này thì làm việc khác, bạn phải tự lo cho công việc của bạn.
So với 10 năm trước, thế hệ MC lúc đó và hiện tại khác nhau như thế nào?
Khác rất nhiều. Chẳng cần 10 năm mà vài năm thôi đã khác nhau rồi. Tôi từng được mời làm HLV của Cầu Vồng (VTV6) - sân chơi tìm kiếm người dẫn chương trình thế hệ mới cho nhà đài. Và nói thật là nhìn lại cả quãng đường 20 năm công việc của mình, tôi thấy bây giờ các bạn ấy quá giỏi. Từ cách dẫn, nền kiến thức, bản lĩnh sân khấu đến trang phục, bọn tôi chưa bao giờ có được những điều đó khi bằng tuổi họ, thậm chí hiện tại bọn tôi còn phải học hỏi họ.
Ngược lại, các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách tốt nhất để xử lý tình huống,... chuyện này thì không phải bàn. À, họ còn bị đánh giá là thiếu chiều sâu nữa. Tôi thấy cái đó không đúng vì các bạn ấy thiếu kinh nghiệm nên thiếu chiều sâu là đương nhiên. Chẳng hạn nhiều người chỉ trích Hoa hậu Việt Nam, cứ chê rằng cô này không đẹp, cô kia trả lời kém thông minh mà cũng được làm Hoa hậu,... Nhưng mà ngày đăng quang, các bạn ấy mới chỉ 18, 20 tuổi, chưa đủ vốn sống và kinh nghiệm thì làm sao bắt con nhà người ta nói nọ nói kia như 1 bà cụ non được? Như thế nó sáo rỗng, không phải bản chất con người họ.
Gắn bó với VTV và ngành này được gần 20 năm, theo anh, tại sao 1 người lại có thể làm một công việc lâu như vậy?
Không bao giờ nhàm chán nếu bạn là người theo đuổi công việc. Tôi hỏi thật, trên đời này còn gì sướng hơn được làm công việc mà mình thích? Có nhiều bạn yêu nghề ngân hàng, học ngân hàng nhưng ra trường đi bán mỹ phẩm. Có nhiều bạn học báo chí, truyền thông chính ngạch lên tận Thạc sĩ, Tiến sĩ nhưng tốt nghiệp xong đi buôn xe hơi. Vậy nên người học báo ra, được làm nghề, theo nghề như tôi thật sự rất may mắn. Bạn học cái gì xong bạn được làm đúng cái đó, nó giống như 1 thứ mượt mà, hoàn hảo được lập trình sẵn nên cứ thế làm thôi.
Nói mỗi ngày tôi đều làm 1 công việc giống nhau gần 20 năm qua là sai. Việc phải làm có thể giống nhau nhưng con người - nguồn cảm xúc trong công việc lại khác nhau. Nếu công việc mỗi ngày đều là vặn con ốc giống như vua hề Charlie Chaplin thì mới là nhàm chán vì con ốc nó không có sự tương tác ngược lại với người, không mang lại cảm xúc gì cả. Còn công việc của tôi hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều người, mỗi người đem lại cho anh những cảm xúc khác nhau. Ví dụ hôm nay tôi gặp bạn, ngày mai cũng là câu chuyện này nhưng tôi gặp người khác thì nó đã khác nhau lắm rồi.
Là một người cực chăm hoạt động và chia sẻ trên mạng, nếu 1 ngày không có MXH nữa, anh sẽ làm gì?
Giờ nó đang có, tôi tận dụng triệt để còn không có, tôi làm cách khác. Ngày xưa không có MXH, khán giả viết thư thì tôi trả lời khán giả bằng thư, họ để số điện thoại trong thư thì tôi gọi điện lại luôn. Khán giả quan tâm đến mình mà mình không trả lời thì có khác gì 1 vật vô tri vô giác, không có tương tác, không có cảm xúc không? Đó là chưa kể bạn còn phải tương tác đa chiều, nhiều chiều nữa kìa.
Hồi bé, chính tôi cũng viết cho các báo như Thiếu niên tiền phong, Nhi đồng,... nhưng chưa bao giờ nhận được trả lời. Tuy nhiên không phải từ khi đó tôi đã nghĩ mình sẽ đi trả lời mọi người đâu, còn bé mà, làm sao mình biết được. Việc trả lời tạo ra cho tôi rất nhiều thứ, tôi biết tâm tư người ta, yêu ghét hay quan tâm ra sao và đặc biệt có lợi cho các dự án và chương trình tôi làm. Nhiều khi chỉ một câu hỏi vu vơ, khán giả sẽ đem lại những gợi ý, góp ý giá trị giúp mình làm tốt hơn. Nói chung có thời gian là tôi trả lời hết, tất cả các kênh vì việc tương tác với khán giả cực kì quan trọng, nhất là trong thời buổi này.
Vậy làm sao để anh cân bằng được thời gian lướt Facebook trả lời mọi người, công việc, gia đình, cuộc sống cá nhân,...?
Tôi luôn mong mình bận rộn. Tôi cũng thừa nhận bản thân là một người rất nhiều năng lượng. Năng lượng ở đây là sự hứng thú với công việc, làm bất kì việc gì tôi cũng thấy thích thú với nó. Việc sử dụng MXH cũng chính là 1 cách tạo hứng thú của tôi, thích được tương tác, thích được giao lưu, trò chuyện,... Có những lúc tôi cũng muốn phát điên chứ, khi mà con đông rồi công việc bận rộn này. Nhưng được cái gia đình tôi ủng hộ tôi rất nhiều, để tôi có nhiều thời gian và tâm huyết hơn cho công việc.
Gia đình hạnh phúc của vợ chồng BTV Trần Quang Minh
Cũng nhiều người phàn nàn rằng tôi sử dụng MXH nhiều nhưng đó là 1 phần công việc của tôi. Nó không chỉ là việc chính ở nhà đài mà còn liên quan đến việc tay trái của tôi và gia đình. Chẳng hạn như vợ tôi mở nhà hàng, tôi cũng muốn hỗ trợ vợ chứ, nhất là khi mình đã có những giá trị nhất định trên MXH. Nhưng tôi vẫn hạn chế không để bị lố quá, để mọi người không nghĩ: "Ông này là nhà báo ở ĐTHVN mà chuyên đi viết bài quảng cáo cho nhà hàng của vợ". Tóm lại là làm gì thì làm, phải cân đối để người ta không nhầm lẫn giữa nghề của mình và việc kinh doanh của gia đình.
ĐTHVN bây giờ cũng rất gần gũi với khán giả bằng cách tương tác, đu trend,... Theo anh do đâu mà có cú chuyển mình này?
Truyền hình bây giờ không chỉ là mở tivi lên rồi ngồi nghe hay xem, đó phải là sự tương tác 2 chiều với khán giả bằng những kênh phản hồi khác nhau. Nó xuất phát từ thực tế như bạn xem thời sự không ưng, bạn lên fanpage để comment thì phải có người phụ trách phản hồi. Tôi nghĩ sự tương tác đó khá tốt. Tôi còn tưởng tượng ra mai mốt công nghệ và truyền hình phát triển, bạn ngồi xem tivi và bảo không thích cô này cô kia là trong trường quay người ta biết luôn để khắc phục. Tất nhiên đó chỉ là tôi tưởng tượng còn nhìn chung sự phản hồi của khán giả bây giờ sẽ đến thẳng với những người làm chương trình hoặc có yếu tố quyết định trong chương trình.
Thực ra câu chuyện về sự tương tác đã có từ lâu rồi nhưng càng ngày càng được tốt hơn để nhà đài làm các nội dung phục vụ khán giả tốt hơn. Tương tác cũng chính là thước đo quan trọng nhất cho sự thành công của một chương trình. Chẳng hạn với Bữa Trưa Vui Vẻ (VTV6), KOL của chương trình sẽ hỏi khán giả: "Bạn muốn chúng tôi làm gì?", với series phim của VFC họ làm diễn biến theo mong muốn drama gì đó của khán giả,...
Làm việc với nhiều người trẻ, theo anh, điểm yếu của người trẻ hiện tại là gì?
Tôi không thấy có điểm yếu nào bởi ai mà không từng trẻ, thậm chí các bạn ấy bây giờ còn tốt hơn tôi hồi đó nhiều. Thứ các bạn ấy cần là thời gian, là kinh nghiệm sống, vốn sống và đó là điều đương nhiên rồi. Nhưng thời gian đó, các bạn phải va vấp, phải học hỏi thì mới hoàn thiện bản thân được. Tôi đây này, tôi đã từng rất yếu chứ không phải yếu nữa. Thế nên đến khi các bạn ấy bằng tuổi tôi thì các bạn còn già dặn, chín chắn hơn chứ tôi ăn thua gì.
Tính đến hiện tại, BTV Trần Quang Minh đã có gần 20 năm công tác ở ĐTHVN
Trong 1 status anh từng nói rằng "Chúng ta sinh ra là để thích nghi với mọi hoàn cảnh" trong khi nhiều rất bạn trẻ hở ra là muốn nghỉ việc, nhảy việc rồi muốn "về quê nuôi cá và trồng thêm rau". Anh nghĩ sao?
Ngày xưa cuộc sống ít lựa chọn, bây giờ có nhiều lựa chọn hơn. Có thể là vì bạn ấy muốn làm công việc khác, lương cao hơn áp lực ít hơn hoặc đơn giản là suy nghĩ "tôi muốn thay đổi". Và tôi nghĩ đó là điểm mạnh của các bạn trẻ hiện nay.
Nhưng phải nói rõ ràng, điều này có nghĩa là gì? Nếu bạn là 1 người năng động thật sự, có chuyên môn thực sự, xuất sắc thực sự và muốn thay đổi thực sự thì quản lý của bạn phải tạo thêm nhiều điều kiện để bạn được thay đổi. Bài toán đó không đặt vào bạn mà đặt vào người quản lý bạn, nếu không giải được, bạn nhảy việc thì họ mất đi một nhân viên tốt. Tôi nghĩ rằng đây là một thứ hấp dẫn ở thị trường lao động nói chung, ai cũng có quyền tự quyết định công việc, đường đi của mình.
Bây giờ các bạn trẻ có tính tự quyết định, tự lập rất cao, điều này đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong thị trường lao động. Cái quan trọng là người sử dụng lao động có đầu óc nhạy bén để tận dụng hay không. Cá nhân tôi cũng nhiều lần mong muốn đổi môi trường làm việc chứ. Nhưng cuối cùng lại có những cái giữ chân mình lại như tôi nói lúc nãy. Thật ra nếu không làm ở đài truyền hình nữa, tôi vẫn sẽ làm gì đó liên quan đến truyền thông vì nó là con người tôi, là gần 20 năm tích luỹ kinh nghiệm, là tất cả những gì tôi có.
Ảnh: FB nhân vật