Bóng vỡ, áo rách và cuộc chiến thương hiệu của Nike, Puma, Adidas

Mạnh Hào, Theo Trí Thức Trẻ 20:15 21/06/2016
Chia sẻ

Sân xấu đã đành nhưng hàng loạt sự cố như bóng vỡ, áo rách trong cùng một trận đấu giữa Pháp và Thụy Sĩ hẳn phải có điều gì ẩn khuất sau đó.

Thậm chí có thể khẳng định ngay rằng, đây là những trò PR của các hãng thể thao như Puma và Adidas trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với đối thủ của Mỹ là Nike. Không phủ nhận hình ảnh bóng Beau Jeu vỡ, áo Puma rách có thể đe dọa đến thương hiệu của họ nhưng nếu bóng không vỡ, áo không rách thì còn gì để nói nữa.

Nói một cách đơn giản nhất, khi tất cả đều bị cuốn vào không khí của Euro 2016, các trận đấu, những vấn đề như bạo lực ngoài sân cỏ, nỗi lo an ninh, thử hỏi còn ai nhớ đến Beau Jeu hay biết rằng, Puma hiện diện trên trang phục thi đấu của bao nhiêu đội tại Pháp năm nay?

Bóng vỡ, áo rách và cuộc chiến thương hiệu của Nike, Puma, Adidas - Ảnh 1.

Vì thế, trong một trận hòa 0-0 gần như không có gì để nói, sự kiện sân xấu, bóng vỡ và áo rách bỗng trở thành những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đối đầu giữa Pháp với Thụy Sĩ.

Không dừng ở đó, chủ đề của câu chuyện này còn kéo dài sau đó và lan rộng trong giới truyền thông như một cơn sốt quảng cáo. Chẳng hạn như khi được hỏi về sự kiện trên, HLV của Thụy Sĩ, Vladimir Petkovic đã chất vấn lại: "Áo ư? Các anh bán áo cho Nike à? Nếu một chiếc áo bị kéo, nó có thể rách ở chỗ những đường nối." Còn thủ môn đội tuyển Thụy Sĩ, Yann Sommer trả lời đơn giản: "Điều đó có nghĩa trên sân có rất nhiều va chạm. Đối với chúng tôi và với Thụy Sĩ, điều quan trọng là có mặt ở vòng 1/8."

Bóng vỡ, áo rách và cuộc chiến thương hiệu của Nike, Puma, Adidas - Ảnh 2.

Nghĩa là phía Thụy Sĩ không bận tâm quá nhiều vào chất lượng của áo Puma ngay cả khi Admir Mehmedi phải thay áo, Granit Xhaka là hai lần, Breel Embolo cũng bị rách ở sau lưng và Xherdan Shaqiri sau đó có đùa rằng "Tôi hi vọng Puma không sản xuất bao cao su." Ở đây, câu hỏi đặt ra là nếu áo Puma kém đến vậy, tại sao không có hiện tượng tương tự xảy ra ở 2 trận đấu đầu tiên mà lại là ở trận gặp Pháp? Và đừng quên là ngoài Thụy Sĩ còn 4 đội tuyển khác cũng mặc áo Puma là Áo, Italia, Czech và Slovakia.

Tương tự như vậy là câu chuyện bóng Beau Jeu của Adidas bị vỡ.

Sau cùng thì Euro 2016 không chỉ có các trận đấu mà còn là cuộc chiến của những thương hiệu thể thao từ Nike, Puma, Adidas cho đến Errea, Joma, Umbro và Macron. Nghĩa là thành tích thi đấu của các đội tuyển cũng sẽ có một tác động rất lớn đến chuyện thương hiệu khi người ta lập hẳn một bảng so sánh giữa từng thương hiệu ở các đội tuyển với nhau để xem thương hiệu nào đang hiệu quả hơn.

Cụ thể hơn, trong khi Puma tài trợ cho 5 đội, Adidas có 9 đội là Đức, Nga, Wales, Ukraine, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bỉ, Bắc Ireland, Hungary; còn Nike là 6 đội gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp.

Ở các đội tuyển còn lại, Iceland mặc đồ của Errea (Italia), Romania là Joma, Albania là Macron và Ireland là Umbro.

Và cứ nhìn vào kết quả ở vòng bảng cho đến giờ, tất cả sẽ biết thương hiệu nào đang dẫn đầu (theo thứ tự là Nike, Puma, Adidas, Macron, Errea, Joma và, Umbro).

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày