Bóng đá Trung Quốc bi đát chưa từng thấy và có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn

Thanh Hải, Theo Tiền Phong 13:16 16/04/2022

Không ai nghĩ rằng bóng đá Trung Quốc lại có thể rơi vào tình cảnh bi thảm như hiện nay. Đừng nói là AFC Champions League, ngay cả việc tham dự China Super League cũng trở thành gánh nặng với các CLB đang hoạt động thoi thóp.

Trong loạt trận mở màn AFC Champions League phía Đông diễn ra vào ngày hôm qua, 15/04/2022, các đội bóng Trung Quốc đã nhận những kết quả tệ hại. Tại bảng I, Guangzhou FC thua Johor Darul Ta'zim của Malaysia với tỷ số 0-5. Còn ở bảng F, Shandong Taishan thảm bại 0-7 trước Daegu của Hàn Quốc, tạo nên trận thua đậm nhất của CLB nói riêng và của China Super League (CSL) nói chung tại giải đấu hàng đầu châu Á.

Điều đáng nói, đây là kết quả được báo trước bởi cả Guangzhou và Shandong đều sử dụng đội hình hai với nhiều cầu thủ trẻ. Chất lượng của họ rất tệ, hoàn toàn không phù hợp với đấu trường đẳng cấp như AFC Champions League. Ví dụ như thủ môn Cao Zheng của Shandong, đội đoạt cú đúp VĐQG và Cúp Quốc gia Trung Quốc năm ngoái, liên tục mắc những lỗi ngờ nghệch, đặc biệt là pha “kiến tạo” cho đội bạn ghi bàn thứ hai.

Nhiều năm trước, AFC Champions League là mục tiêu hàng đầu của các CLB CSL. Nhưng bây giờ nó trở thành gánh nặng. Ngoài Guangzhou và Shandong, Shanghai Port cũng dự định dùng đội trẻ. Tuy nhiên hồi đầu tuần, đội Á quân CSL đã rút lui khỏi giải khiến bảng J chỉ còn 3 đội. Tháng trước Changchun Yatai cũng từ bỏ quyền tham dự giải đấu.

Bóng đá Trung Quốc bi đát chưa từng thấy và có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn - Ảnh 1.

Shandong Taishan thảm bại 0-7 trước Daegu của Hàn Quốc ở trận mở màn AFC Champions League. (Ảnh: Sohu)

Các quy tắc phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt được áp dụng ở nhiều thành phố ảnh hưởng đến lịch trình thi đấu là một lý do. Song nguyên nhân lớn nhất khiến CLB Trung Quốc không mặn mà với AFC Champions League liên quan đến tài chính. Hàng loạt tập đoàn chống lưng rơi vào khủng hoảng, sau đó thoái lui khiến các đội bóng mất khả năng thanh toán. Tình trạng nợ lương trở nên phổ biến, ngôi sao nước ngoài từng hưởng mức lương trên trời bị cắt hợp đồng và rất nhiều CLB rơi vào tình trạng phá sản.

Cũng trong ngày hôm qua, Qingdao FC xác nhận sẽ rút khỏi CSL vì tình hình tài chính bi đát. CLB này giành quyền lên chơi ở hạng cao nhất Trung Quốc năm 2020, nhưng 2 năm qua liên tục rơi vào tình trạng thiếu tiền và không kiếm được nhà tài trợ. Tháng 12 năm ngoái, nhiều cầu thủ trụ cột đã đe dọa đình công vì không nhận được lương.

Không loại trừ khả năng Gangzhou Mighty Lions sẽ là đội tiếp theo rời giải. Hồi đầu tuần, hậu vệ Wang Zihao đã đăng một bài viết dài trên Weibo để yêu cầu CLB thanh toán tiền lương trong hơn 1 năm qua. “Tại sao tôi không được nhận số tiền mình vất vả để kiếm? Tôi cũng có gia đình phải lo, nợ ngân hàng phải trả, và hiện tôi phải vay mượn để sống qua ngày”, Zihao viết.

Sau nhiều tháng trì hoãn, CSL dự kiến khởi tranh vào tháng tới. Thế nhưng không ai biết từ này đến lúc đó sẽ còn thêm bao nhiêu đội xin rút. Trước năm nay người ta đã chứng kiến làn sóng rút lui tập thể của 20 CLB khỏi hệ thống các giải chuyên nghiệp Trung Quốc.

Bóng đá Trung Quốc bi đát chưa từng thấy và có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn - Ảnh 2.

Gã khổng lồ Guangzhou nay không còn cầu thủ ngoại nào trong đội hình. (Ảnh: Sohu)

Hiện những đội trụ lại cũng không vui vẻ gì. Trong số 18 đội tại CSL có 3 đội, gồm Guangzhou, Hebei và Wuhan Yangtze River chưa có cầu thủ nước ngoài. Guangzhou, đội trước đây là Guangzhou Evergrande, đã chấm dứt hợp đồng với Elkeson, Ricardo Goulart, Fernando Henrique, Alan Carvalho và Aloisio. Cầu thủ nhập tịch Jiang Guangtai cũng sẽ sớm ra đi bởi mức lương cũ không còn được duy trì.

Theo quy định mới về mức lương trần của LĐBĐ Trung Quốc, mức lương tối đa chỉ còn 600.000 NDT (khoảng 2,1 tỷ VNĐ) còn lương khởi điểm là 60.000 NDT (215 triệu VNĐ) mỗi năm. Mức lương này không hấp dẫn với chính cầu thủ Trung Quốc, chưa nói là các ngôi sao ngoại quen sống với thu nhập cao ngất. Trên giấy tờ Shanghai Shenhua có 3 cầu thủ nước ngoài là Bolanos, Christian Bassogog và Lonsana Doumbouya nhưng cho đến nay họ vẫn chưa quay lại hội quân.

Ký ức về một giải đấu hoành tráng, quy tụ những ngôi sao hàng đầu thế giới, bây giờ đã rất mờ nhạt. LĐBĐ Trung Quốc đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Hoặc họ phải thực hiện nghiêm túc các quy định và loại bỏ những đội không đạt chuẩn về tài chính, dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của CSL, hoặc nhắm mắt làm ngơ, chỉ cần các đội còn có thể hoạt động, giải đấu vẫn sẽ diễn ra.