Đi làm văn phòng một thời gian để tích lũy kinh nghiệm và tiền bạc, phục vụ mục tiêu khởi nghiệp kinh doanh, tự làm chủ là cách tư duy của không ít bạn trẻ; đặc biệt là những người không thích làm thuê.
Hành trình này, có người thành công, nhưng cũng không ít dấu chân của những người tạm thời “thất bại”. Suy cho cùng, kinh doanh buôn bán chưa bao giờ là chuyện đơn giản, chỉ cần “tôi có vốn là tôi thành công”.
Mới đây, trong một cộng động chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức quản lý tài chính cá nhân, một cô gái sinh năm 1995 đã kể lại trải nghiệm tự làm chủ có phần đáng buồn của mình. Từng là nhân viên ngân hàng với mức thu nhập khá ổn định, nhưng cô gái này vẫn quyết định nghỉ việc để tập trung sức lực mở shop bán quần áo vào năm 2021.
Sau đó dịch bệnh ập tới, việc vận hành shop thời trang không thuận lợi. Cuối cùng, cô đành phải dừng kinh doanh, quay trở lại làm việc ở một ngân hàng khác và gánh trên vai khoản nợ 100 triệu - Số tiền tuy không phải là quá lớn với người khác, nhưng với cô, nó thực sự là một gánh nặng.
Cùng chung tình cảnh với cô gái trong câu chuyện phía trên là Phan Ly (29 tuổi), hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Sau Tết Nguyên Đán năm 2023, Phan Ly quyết định nghỉ việc vì công việc quá bận, ngày nào cũng 7-8h tối mới về đến nhà, chẳng có thời gian dành cho con.
Đến hè năm 2023, vợ chồng Phan Ly quyết định mở một quán cà phê ở Thái Nguyên, dù cả gia đình sinh sống ở Hà Nội.
“Thái Nguyên là quê của mình, lần nào về ngoại chơi cũng tìm mỏi mắt mà không thấy có quán cà phê nào ok một chút để gặp gỡ bạn bè. Thế nên chúng mình mới quyết định về quê mở quán cà phê" - Phan Ly kể.
Ban đầu vợ chồng cô nghĩ rằng vì ở quê chẳng có quán cà phê nào đẹp nên không lo có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, điều mà Phan Ly và chồng không thể ngờ tới chính là khâu quản lý từ xa quá khó, quá phức tạp.
"Mình mất 3 tháng để thuê mặt bằng, sửa sang và mua bàn ghế, trang trí. Vốn ban đầu là 650 triệu, đều là tiền của vợ chồng mình hết, không vay mượn ngân hàng hay người thân. Khoảng 2 tháng đầu, mọi thứ vận hành ổn định lắm, khách rất nhiều nhưng vì chúng mình ở Hà Nội, quán lại ở Thái Nguyên, nên sau khi bạn quản lý là em họ mình xin nghỉ để vào TP.HCM lập nghiệp, tình hình bắt đầu tệ dần" - Phan Ly chia sẻ.
Không thể về Thái Nguyên ở để tiện điều hành quán cà phê, 3 tháng sau đó, Phan Ly đã thay tới 2 người quản lý. Người có kinh nghiệm thì ỷ lại chủ ở xa nên làm việc không sát sao, tiền nong không rõ ràng; người làm việc có tâm thì lại không có kinh nghiệm, ngay cả một việc nhỏ như khách bị mất ví ở quán, phải giải quyết ra sao cũng không thể chủ động xử lý.
"Suốt 3 tháng ấy, chúng mình gần như không có lãi, có tháng còn lỗ đậm vì quản lý không ổn nên nhân viên pha chế cũng xin nghỉ, chất lượng đồ uống tệ hẳn đi nên mất luôn cả khách" - Phan Ly thở dài.
Cuối cùng sau 5 tháng gồng lỗ và tuần nào cũng phải di chuyển từ Hà Nội về Thái Nguyên ít nhất 1 lần, vợ chồng Phan Ly quyết định sang nhượng lại quán cà phê.
"So với vốn bỏ ra ban đầu, chúng mình lỗ 350 triệu. Nếu tính thêm chi phí đi lại, tổn thất tinh thần thì con số ấy còn hơn đấy" .
Đã kinh doanh buôn bán, đương nhiên không ai muốn thất bại hay lỗ nặng, đến mức phải đóng cửa dẹp tiệm. Nếu bản thân bạn cũng đang ấp ủ dự định tự làm chủ thay vì đi làm thuê, đây là 3 bài học mà bạn nên suy ngẫm, từ 2 câu chuyện kinh doanh lỗ vốn phía trên.
1 - Chưa có tầm nhìn xa, đừng tính chuyện kinh doanh, mở quán làm gì
Ngoài chuyện chuẩn bị tiền vốn và nhân lực cũng như kiến thức, không thể phủ nhận “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” là yếu tố khá quan trọng, góp phần quyết định sự thành bại của việc công việc kinh doanh, buôn bán.
Như đã chia sẻ, shop thời trang của cô gái sinh năm 1995 phải đóng cửa, việc kinh doanh chẳng đi đến đâu vì dịch bệnh Covid-19. Phòng khi bạn đã quên: Dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, còn chuyện kinh doanh của cô bạn được bắt đầu trong năm 2021.
Hình thức kinh doanh được lựa chọn không phải là online, mà là thuê hẳn mặt bằng để mở shop thời trang. Đến đây, việc “cô chủ” này thiếu tầm nhìn xa đã quá rõ ràng.
Còn “bà chủ” quán cà phê Phan Ly cũng đã nhận ra cái sai của bản thân sau khi lỗ 350 triệu: “Mình nhận ra không phải cứ có tiền, có ý tưởng là có thể kinh doanh thành công. Tìm được cộng sự tốt, có kiến thức, có tâm mới cũng là yếu tố không thể xem thường, thậm chí còn quan trọng hơn cả chuyện chuẩn bị vốn liếng, vì vốn không có thì đi vay cũng được, chứ tìm người làm cùng là vấn đề nan giải hơn rất nhiều”.
2 - Đừng vội nghỉ việc để dồn sức kinh doanh
Nếu không có chỗ dựa tài chính vững chắc, đừng bao giờ nghỉ việc văn phòng để “tất tay” kinh doanh. Vốn liếng đã vét sạch để hiện thực hóa mong muốn được làm chủ, mà chẳng may việc buôn bán không thuận lợi, phải gồng lỗ như cô gái trong chia sẻ trên, thử nghĩ xem bạn sẽ “xoay vốn” từ đâu? Lúc ấy, có một nguồn thu nhập ổn định và đều đặn “chảy” vào tài khoản hàng tháng, có phải tốt hơn không?
Đành rằng việc vừa làm văn phòng, vừa bắt đầu kinh doanh không phải chuyện dễ dàng. Đôi khi, bạn sẽ phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp 3 và phải hy sinh cả thời gian ăn uống, ngủ nghỉ của bản thân. Nhưng đổi lại, phương án ấy ít rủi ro hơn cho chính bạn. Nỗ lực chịu khó, chịu khổ một thời gian, cho đến khi hòa vốn, lãi đều và ổn định hàng tháng rồi nghỉ việc hành chính cũng chưa muộn.
3 - Làm gì thì làm, cũng phải duy trì quỹ dự phòng
Kinh doanh dù nhỏ hay lớn cũng đều cần vốn, chuyện này không có gì khó hiểu hay đáng bàn. Nhưng vét sạch tiền tiết kiệm lẫn tiền dự phòng để làm vốn kinh doanh lại là chuyện khác.
Trong bài đăng của mình, cô chủ shop thời trang có viết: “Chi phí sinh hoạt vẫn phải chi trả, trong khi thu nhập thì không có (vì phải đóng cửa hàng mà muốn đi làm lại cũng không ngân hàng nào tuyển dụng lúc đó), em còn bị đâm xe khiến chân không đi lại được cả tháng trời. Nhà cũng phải chuyển đến 4 lần trong 2 tháng vì toàn lí do trời ơi đất hỡi… Nghĩ đến thời gian khủng hoảng đó em vẫn thấy kinh hoàng” .
Công việc hành chính đã nghỉ, tiền tiết kiệm đã dồn hết vào làm vốn kinh doanh, đến lúc buôn bán không thuận lợi phải đóng cửa, trong người chẳng còn 1 đồng, lại gặp cả tá chuyện “hỡi ơi” cần tiền,.., cứ thử đặt mình vào hoàn cảnh “kinh hoàng” ấy, bạn sẽ hiểu ra quỹ dự phòng quan trọng đến thế nào.
Chuẩn bị quỹ dự phòng cho bản thân trước khi bắt đầu kinh doanh, khởi nghiệp là tự chừa cho mình một đường lui. Đừng chỉ chăm chăm tin rằng “liều ăn nhiều” mà quên tính tới khả năng nếu “ngã về không”, mình sẽ ra sao?