Mỗi lần nhắc đến những người mang học vị thạc sĩ, tiến sĩ của các trường đại học lớn, chúng ta thường mặc định gắn mác họ vào những chức vụ quan trọng tại những công ty lớn, với mức lương nghìn đô cùng những bộ áo vest, giày dép chỉnh tề. Nhưng trên thực tế, không ít người trong số họ, lại chọn cho mình những con đường khó khăn và chông gai hơn, rời bỏ công việc, danh tiếng để bắt đầu từ con số không.
1. 2 vị cử nhân đại học Bắc Kinh bỏ việc đi bán thịt lợn
Vốn là những nhân tài xuất thân từ trường đại học danh tiếng Bắc Kinh, cặp đôi Trần Sinh, Lục Bộ Hiên đã từng khiến không biết bao bạn bè đồng lứa sững sờ khi quyết định rời bỏ những công việc "xứng đáng" để trở thành người bán thịt lợn.
Từng tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc khoa Kinh tế trường Đại học Bắc Kinh, sau đó làm việc tại văn phòng Tổng cục thành phố Quảng Châu, Uỷ ban Kinh tế thành phố Trạm Giang nhưng đến năm 1990, chàng thanh niên Trung Quốc Trần Sinh bất chợt xin nghỉ việc và bắt đầu kinh doanh thịt lợn. Và chỉ sau 2 năm, Trần Sinh đã là chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng bán thịt lợn với hơn 100 chi nhánh trên khắp thành phố Quảng Châu, được mệnh danh là "ông hoàng thịt lợn".
Còn Lục Bộ Hiên, vốn là đàn em của Trần Sinh, cũng lựa chọn khởi nghiệp bằng nghề bán thịt lợn ngoài chợ sau một thời gian làm việc trong cơ quan chính phủ. Câu chuyện về vị cử nhân bán thịt lợn của ông đã ngay lập tức lan truyền khắp mọi nơi, dần dần, Lục Bộ Hiên được biết đến với biệt danh "ông chủ hàng thịt kính cận".
Hiện tại, cặp đôi "cử nhân bán thịt lợn" đã cảm thấy hài lòng với khối tài sản lên đến 10 tỷ tệ mỗi người, dẫu cho họ vẫn bị coi là "vết nhơ" tại ngôi trường mình từng theo học.
2. Thạc sĩ ngân hàng bỏ việc về quê cùng vợ trồng rau
Sankalp Sharma trở về quê mở đất trồng rau do sinh ra trong một gia đình làm nông.
Được trả mức lương hậu hĩnh cho công việc tại một ngân hàng ở Ấn Độ, Sankalp Sharma vẫn quyết định từ bỏ công việc mà anh đã gắn bó trong hàng chục năm trời.
Năm 2015, Sankalp Sharma quyết định cùng vợ trở về quê nhà ở vùng Vidisha thuộc bang Madhya Pradesh, Ấn Độ bắt đầu lại với lĩnh vực nông nghiệp - một ngành chứa đầy những bấp bênh, rủi ro. Lý do anh lựa chọn khởi nghiệp bằng nông nghiệp chính bởi vốn xuất thân từ gia đình nông dân, anh luôn có niềm yêu thích đặc biệt với công việc này. Bằng mô hình canh tác không sử dụng chất hóa học, anh sử dụng chính những nguyên liệu tự nhiên ở địa phương để làm giàu đất trồng trọt. Theo tính toán của Sankalp Sharma, khoảng 2, 3 năm nữa anh sẽ bắt đầu thu được doanh thu tốt từ trang trại của mình.
3. Thạc sĩ bỏ lương 60 triệu/tháng về quê bán bánh tráng nguội
Chàng CEO lương 700 triệu/ năm vui vẻ khi được trở thành ông chủ bánh tráng trộn.
Năm 2015, Trang Đông, 27 tuổi, đã quyết định từ bỏ vị trí giám đốc CEO ở công ty lớn có tiếng tăm với mức thu nhập đáng ước mơ (khoảng 700 triệu/năm) để về quê nhà Tây An, Trung Quốc bán bánh tráng nguội trên chiếc xe ba bánh ở cổng trường đại học cũ. Anh cho biết, mình không muốn chỉ là người đi làm thuê, nên đã bỏ việc và tự lập ra một quán ăn nho nhỏ cho riêng mình. Dù không còn giữ những chức vụ quan trọng, Trang Đông lại cảm thấy vô cùng vui vẻ, hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Câu chuyện của Trang Đông đã gây ấn tượng mạnh đối với giới trẻ Trung Quốc lúc bấy giờ. Ông chủ nhỏ cũng cho biết mình đang ấp ủ một dự án kinh doanh bí mật, tin rằng khi triển khai thì sẽ thành công.
4. Nữ thạc sĩ Thái Lan trở về quê nối nghiệp gia đình bán cơm gà
Nữ thạc sĩ "nóng bỏng" mang lại lợi nhuận to lớn cho quán ăn gia đình.
Mới đây, câu chuyện về cô gái trẻ người Thái Lan, Sukrit, quyết định bỏ việc về quê bán cơm gà đã thu hút được rất nhiều sự chú ý từ dư luận Thái Lan và Việt Nam.
Sukrit, 28 tuổi, đã tốt nghiệp đại học ở Bangkok với tấm bằng thạc sĩ, sau đó đi làm tại một công ty tư nhân ở Thái Lan. Nhưng khi cha mẹ muốn cô nối nghiệp gia đình, cô gái trẻ liền rời thành phố, trở về quê nhà bán cơm gà. Với mỗi bữa ăn giá cả bình dân chỉ khoảng 20 - 30 nghìn đồng, nhưng quán vẫn đông khách giúp cô gái trẻ thu về từ vài nghìn đến chục nghìn Baht Thái. Đặc biệt, nhờ chiến lược kinh doanh thông minh và lối phục vụ chu đáo tận tình của mình, Sukrit đang từng bước đưa quán cơm nhỏ của gia đình ngày càng được biết đến rộng rãi hơn.
Tóm lại, những cử nhân, thạc sĩ đại học này có thể đã từng được kỳ vọng sẽ trở thành nhân viên, quản lý của những công ty lớn hay đứng vững tại những chốn phồn hoa đô thị. Nhưng chính những lựa chọn, cách làm, cách nghĩ tưởng như ngớ ngẩn, hài hước của họ lại cho thấy bản lĩnh phi thường mà người bình thường khó thể làm được.
(Tổng hợp)