Bộ Quốc Phòng lệnh cho máy bay của Công ty Trực thăng Miền Bắc tham gia vận chuyển hàng hóa cứu trợ

Minh Ngọc, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 18:35 11/09/2024
Chia sẻ

Ngày 11/9, Máy bay của Công ty Trực thăng Miền Bắc, Binh đoàn 18 BQP tham gia vận chuyển hàng hóa cứu trợ đồng bào bị bão lũ.

Được lệnh của Bộ Quốc phòng, máy bay EC- 155- B1 số hiệu VN- 8621 của Công ty Trực thăng Miền Bắc, Binh đoàn 18 Bộ Quốc phòng đã khởi hành cất cánh từ sân bay Gia Lâm, vận chuyển hàng hóa cứu trợ nước uống, lương khô, sữa, mỳ tôm...

Bộ Quốc Phòng lệnh cho máy bay của Công ty Trực thăng Miền Bắc tham gia vận chuyển hàng hóa cứu trợ- Ảnh 1.

Hàng cứu trợ được chuyển bằng máy bay

Máy bay do trung tá phi công Lê Hải Đăng- Phó Giám đốc Công ty; Đại úy Hoàng Anh Đức, lái phụ, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, cơ giới trên không Ngô Tiến Dũng xuất phát tại sân bay Gia Lâm lúc 13h4 ngày 11/9.

Vào lúc 14h8 cùng ngày máy bay đã hạ cánh xuống huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Vào lúc 14h14, máy bay VN-8621 tiếp tục cất cánh tại Sân vận động huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng về sân bay Gia Lâm lúc 15h25, máy bay VN-8621 hạ cánh tại sân bay Gia Lâm.

Bộ Quốc Phòng lệnh cho máy bay của Công ty Trực thăng Miền Bắc tham gia vận chuyển hàng hóa cứu trợ- Ảnh 2.

Máy bay của Công ty Trực thăng Miền Bắc, Binh đoàn 18/BQP tham gia vận chuyển hàng hóa cứu trợ đồng bào bị bão lũ.

Chiều 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ về xây dựng pháp luật. Dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; lãnh đạo Bộ, ngành, cơ quan liên quan.

Trước khi vào Phiên họp, cho biết theo thống kê đến 15h ngày 11/9, đã có 296 người chết, mất tích do bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi, chia buồn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới gia đình, cơ quan, đơn vị và địa phương có thiệt hại, mất mát về người, tài sản do bão số 3 gây ra.

Theo dự báo, tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Thanh Hóa trở ra; với tinh thần “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết”, “không để ai bị đói, bị rét, không có chỗ ở”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, với quan điểm “Đảng chỉ đạo, Nhà nước quản lý, người dân làm chủ”, thực hiện mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả, nhất là mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão.

Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức ứng trực 24/24h để ứng phó, giải quyết các vấn đề khẩn cấp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị, địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tập trung lực lượng, hỗ trợ địa phương, cơ quan, người dân bị thiệt hại, trên tinh thần “ai có của giúp của, ai có công giúp công, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều”, “lá lành đùm lá rách”, “tương thân, tương ái”; hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cả cộng đồng chung tay khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và lũ lụt, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra.

Thủ tướng Chính phủ đã phân công các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng xuống các địa phương trực tiếp chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cứu hộ, cứu nạn với người bị nạn, mất tích; cứu chữa những người bị thương; lo hậu sự cho người xấu số; nhanh chóng ổn định tình hình. Đồng thời, tìm mọi biện pháp, bằng mọi phương tiện đường thủy, đường bộ, hàng không, tiếp cận, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho khu vực bị chia cắt, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men...

Cùng với đó là chuẩn bị sinh phẩm, thuốc men khôi phục môi trường, chống ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhất là tại các địa phương bị ngập lụt, chia cắt; những nơi đã ổn định tình hình, khẩn trương đón trẻ đến trường; có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân doanh khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định sản xuất, đời sống.

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập; có đánh giá, dự báo sát tình hình để có phương án xử lý phù hợp; kiểm tra, rà soát, giám sát chặt chẽ các điểm có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; khẩn trương di dời người dân khỏi vùng nguy cơ cao tới nơi an toàn. Cùng với đó, đẩy mạnh cung ung ứng trang thiết bị, vật tư, nhiên nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh công nghiệp; kiểm soát thị trường, cung ứng đủ hàng hóa phục vụ dân sinh, không để thiếu hàng, tránh tình trạng găm hàng, đội giá; chuẩn bị giống và có chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp thiệt hại; giảm thủ tục hành chính, khẩn trương cấp phát dự trữ hỗ trợ người dân, cơ quan, địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ; hướng dẫn thủ tục mua sắm trong điều kiện khẩn cấp để các cơ quan, địa phương có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, vật tư, hàng hóa phục vụ ứng phó, khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ, sạt lở do hoàn lưu bão gây ra; kiểm soát chặt chẽ, tránh tiêu cực.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan truyền thông cùng với cập nhật diễn biến tình hình mưa, lũ, tăng cường thông tin khuyến cáo và hướng dẫn kỹ năng cho người dân phòng, chống, thích ứng, khắc phục hậu quả bão lụt và khôi phục đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, ngập lụt. Trong đó, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dân doanh, các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã khôi phục sản xuất, kinh doanh; cơ chế, chính sách đối với các cơ quan, địa phương bị ảnh hưởng; chính sách khôi phục hạ tầng bị hư hỏng do bão, lũ, sạt lở…; đặc biệt, cơ chế để huy động tối đa nguồn lực của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu của bão.

Minh Ngọc

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày