Một câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc mới đây đã thu hút sự chú ý của nhiều bậc cha mẹ và tạo nên cuộc bàn tán rôm rả. Theo đó, cô giáo họ Vương vì muốn khích lệ tinh thần đọc sách của học sinh nên đã yêu cầu cha mẹ giao cho con nhiệm vụ đọc sách vào cuối tuần rồi chụp lại ảnh gửi vào nhóm chat chung giữa phụ huynh - giáo viên.
Một phụ huynh đã gửi ảnh bàn học với cuốn sách đang mở trên bàn của con vào nhóm chat. Tuy nhiên ngay khi nhìn thấy tấm ảnh, cô giáo đã rất bức xúc, yêu cầu ông bố này không được tái phạm hành động và nếu còn có lần sau thì cô sẽ mời ra khỏi nhóm chat.
Hóa ra trên bàn học, ngoài sách thì còn có sự xuất hiện của một chiếc chìa khóa... xe BMW. Bàn học vốn không phải là chỗ để chìa khóa xe và hành động của ông bố thực chất là để ngầm khoe với giáo viên và các phụ huynh khác về điều kiện kinh tế khá giả của gia đình mình.
Bức ảnh khiến giáo viên bức xúc
Thực tế, từng có rất nhiều trường hợp phụ huynh cố tình khoe gia đình giàu trong nhóm chat trong cả lớp. Mục đích họ làm như vậy vừa để khoe khoang với các phụ huynh khác, vừa để mong cô giáo chú ý, đối xử tốt với con mình hơn. Từng có trường hợp, một phụ huynh còn giả vờ gửi nhầm ảnh chụp phòng khách xa hoa, với toàn đồ nội thất đắt đỏ của nhà mình vào nhóm chat rồi chờ đến khi mọi người xem hết mới giả bộ xin lỗi gửi nhầm rồi thu hồi tin nhắn.
Những hành động này trong mắt giáo viên thực chất rất phản cảm. Nhóm chat chung là nơi để giáo viên thông báo tình hình học tập, những hoạt động ở lớp, nhà trường của con đến phụ huynh. Đồng thời cũng là nơi để phụ huynh có thể phản hồi, đề xuất ý kiến về việc học tập, việc ở trường lớp của con với giáo viên.
Đây không phải nơi để những bậc phụ huynh kém tinh tế phô trương sự giàu có của bản thân, khoe tiền của,... Những hành vi này của cha mẹ không chỉ tạo ra giá trị sai lệch con cái mà còn khiến họ bị "mất giá" trong mắt giáo viên. Chính vì vậy, phụ huynh cần hết sức chú ý đến lời nói và hành động của mình.