Kỳ thi tuyển sinh đại học đầu tiên của Trung Quốc được nối lại vào năm 1977 sau một thời gian dài. Vào thời điểm bấy giờ, việc học tập và vào được đại học là một thành tích xa xỉ chỉ dành cho những người may mắn nhất. Đặc biệt, số nữ sinh có thể tham gia thi đại học thấp hơn nhiều so với nam sinh. Thế nhưng người ta đã phải bất ngờ vì người đỗ thủ khoa với số điểm cao nhất năm 1977 tại Trung Quốc lại là một cô gái nông dân.
Năm 1975, sau khi tốt nghiệp cấp hai, Lưu Tuyết Hồng trở về quê hương làm nghề nông. Trong những năm tháng làm ruộng, bà luôn làm việc chăm chỉ, mặt hướng xuống đất, lưng hướng lên trời. Vì được học hành chính quy trước đó nên khi làm đồng, Lưu Tuyết Hồng cũng có kiến thức để gia tăng năng suất gieo trồng hơn người khác. Tuy nhiên, bà cũng biết rằng lao động thể chất lâu như vậy khiến bà không thể học được những kiến thức mới, cuộc sống sẽ khó có thể phát triển.
Thẻ dự thi của Lưu Tuyết Hồng năm 1977
Khi kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1977 chính thức được công bố, Lưu Tuyết Hồng biết rằng đây là một cơ hội quan trọng trong cuộc đời, vì vậy bà liền đăng ký thi, vừa làm vừa học. Dù nhiều năm mới trở lại trường nhưng Lưu Tuyết Hồng tiếp thu rất nhanh kiến thức cấp 3 trong thời gian ngắn.
Con đường để được thi đại học của cô nông dân năm ấy không hề dễ dàng, nhất là trong thời đại khi tư tưởng "con gái không cần học hành nhiều" và đời sống toàn dân còn khốn khó như vậy. Ban đầu, gia đình bà có dự định để anh trai Lưu Tuyết Hồng đi thi đại học và em gái có nghĩa vụ ở nhà làm việc kiếm tiền trợ giúp cho anh.
Bước ngoặt chí xảy ra sau một lần Lưu Tuyết Hồng bị tai nạn khi đang làm việc. Khi đang điều trị tại bệnh viện, bà vô tình gặp lại người cô giáo cũ đã nhiều năm không gặp. Sau khi hiểu rõ về hoàn cảnh sống của học trò, cô giáo hỏi liệu Lưu Tuyết Hồng có ý định tham gia thi tuyển sinh đại học năm 1977 không. Cô giáo động viên rằng trước đây, Lưu Tuyết Hồng là một bạn nữ sinh rất tài năng và siêng năng, nếu cố gắng nhất định sẽ có tương lai.
Thi đại học nói riêng và theo đuổi con đường học vấn nói chung là cách duy nhất để con người có thể vươn lên trong cuộc sống, không phải chỉ là về mặt tiền tài danh vọng, mà học vấn có thể đưa chúng ta đến nhiều phong cảnh hơn, nhiều lựa chọn hơn. Chính vì những lời khuyến khích chân thành này mà Lưu Tuyết Hồng đã quyết tâm phải ôn thi bằng mọi giá, phải thay đổi cuộc đời của chính mình. Nếu không, bà sẽ mãi mãi là người nông dân không bao giờ ra khỏi lũy tre làng.
Năm 1977, đề bài thi môn Ngữ văn của thí sinh là "Năm chiến đấu của tôi". Lưu Tuyết Hồng đã kể lại về những ngày làm ruộng của bản thân. Bà đã viết gần 2.000 từ, và mỗi từ đều là cảm xúc thật, trải nghiệm khốn khổ thật sự của chính mình. Kết quả là bài thi văn này đạt 99/100 điểm, gần như tuyệt đối.
Lưu Tuyết Hồng là hình mẫu vươn lên từ nghịch cảnh đáng khâm phục
Cuối cùng, không lâu sau, Đại học Bắc Kinh - ngôi trường số 1 toàn Trung Quốc gửi thông báo tuyển sinh cho Lưu Tuyết Hồng. Tin tức này đã làm xôn xao cả vùng quê của nữ sinh nông dân. Bà đạt điểm thủ khoa toàn quốc và trở nên nổi tiếng. Báo chí gọi Lưu Tuyết Hồng là "nữ học giả số 1" và bà trở thành nữ sinh hiếm hoi đạt thành tích cao như vậy. Lưu Tuyết Hồng là một tấm gương sáng để những người phụ nữ cùng thời đại có thêm động lực học tập, thay đổi cuộc sống và đấu tranh vì bình đẳng giới.
Trong suốt thời đại học, cô nông dân năm nào tiếp tục biểu hiện xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp Bắc Đại, Lưu Tuyết Hồng được nhận vào làm việc tại Nhật báo Thanh niên Trung Quốc. Sau nhiều năm nỗ lực không ngừng nghỉ, bà đã trở thành tổng biên tập của Nhật báo Thanh niên Trung Quốc - một tờ báo quan trọng và nổi tiếng bậc nhất tại đất nước này. Và sau đó bà cũng thành lập trang web China Youth Daily - một trong những phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc. Ngoài ra, bà còn thành lập hàng loạt ấn phẩm nổi tiếng khác, đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của nền báo chí Trung Quốc, trở thành một "nữ cường nhân" thực thụ như trong kỳ vọng của mọi người năm xưa.
Bà hiện là một nhà báo nổi tiếng tại Trung Quốc
Nguồn: Sohu