Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải về việc thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức

Lê Vân, Theo Báo Tin Tức 15:53 04/03/2021

Ngày 4/3, sau nhiều ý kiến về việc tiếng Hàn có trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời có lý giải về việc này.

Theo đó, ngày 9/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) môn tiếng Hàn và tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải về việc thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức - Ảnh 1.

Nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên tiếng Anh là chủ trương thiết thực và cần thiết, bởi giáo viên được đào tạo theo chuẩn IELTS sẽ nâng cao kỹ năng nghe, nói, đặc biệt là cách phát âm chuẩn, từ đó sẽ dạy học sinh chuẩn hơn (Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN)

Theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT. Việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua.

Ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật); Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn).

Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn, các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là Ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh. Từ các nhu cầu thực tế nói trên, đồng thời để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là Ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song Ngoại ngữ 1 khác, Bộ GD&ĐT quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là Ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu.

Đây cũng là nội dung thoả thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Cộng hoà Liên bang Đức về việc dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông Việt Nam.

Việc thí điểm sẽ triển khai ở những nơi có nhu cầu và đảm bảo điều kiện thực hiện cả về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tính liên thông giữa các cấp học, có đăng ký với Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT sẽ giám sát quá trình thực hiện này, để đảm bảo tính hiệu quả và quyền lợi cho người học. Sau thời gian dạy thí điểm là Ngoại ngữ 1, Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT và thực hiện bình đẳng như các môn Ngoại ngữ 1 khác.