Theo kế hoạch, mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học sẽ được Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm từ tháng 2-8/2024 tại các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa.
Khi triển khai, mô hình sẽ có các nội dung như: Hướng dẫn tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục theo quy định và thực tiễn tại các địa phương.
Tổ chức tập huấn chuyên môn cho các trường triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý; vận hành mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý tại các trường học; tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục thí điểm mô hình; khảo sát, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc triển khai thí điểm; đánh giá và xây dựng báo cáo kết quả việc triển khai thí điểm mô hình tại các cơ sở giáo dục.
Học sinh trường THCS tại Hà Nội tham gia tham vấn tâm lý.
Mục đích của việc thí điểm là nhằm hướng dẫn các trường học tổ chức hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý một cách bài bản, thuận lợi; đồng thời, tăng cường tuyên truyền về mô hình từ đó, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ , bảo vệ học sinh trong nhà trường ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Các địa phương lựa chọn trường học để thí điểm, nhà trường chọn giáo viên để đảm nhận nhiệm vụ công tác xã hội, tư vấn tâm lý cho học sinh.
Tháng 6/2024, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao năng lực của cán bộ, giáo viên thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trường học, từ đó, nâng cao năng lực, hiệu quả hỗ trợ, bảo vệ học sinh; tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm thực hiện công tác xã hội, tư vấn tâm lý giữa các cơ sở giáo dục thí điểm.
Trong quá trình triển khai, Bộ GD&ĐT sẽ khảo sát, kiểm tra, giám sát, hỗ trợ việc triển khai thí điểm; đánh giá và xây dựng báo cáo kết quả việc triển khai thí điểm mô hình tại các cơ sở giáo dục để làm căn cứ nhân rộng mô hình trong năm học tiếp theo.
Theo các chuyên gia, trong trường học, cần thiết phải có phòng tư vấn tâm lý học đường nhằm hỗ trợ học sinh nhiều vấn đề liên quan tâm lý nảy sinh. Lâu nay, các nhà trường gặp khó khăn vì thiếu kinh phí, trình độ năng lực và phương pháp hỗ trợ học sinh của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế do chưa được đào tạo bài bản.
Tài liệu truyền thông về sức khoẻ tâm thần của học sinh phổ thông do Bộ GD&ĐT mới ban hành khẳng định, những năm gần đây, ở Việt Nam, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần trong độ tuổi học sinh gia tăng nhanh chóng nhưng vấn đề này chưa được chú trọng.
Sức khỏe tâm thần của học sinh đang là vấn đề được quan tâm trong những năm gần đây. Các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm... không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của học sinh mà còn có tác động tiêu cực đến kết quả học tập và cuộc sống của bản thân các em và gia đình.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới. Trong hơn một thập kỷ qua, các vấn đề sức khoẻ tâm thần đã tăng thêm 13%.
Tại Việt Nam, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ tâm thần cũng gia tăng nhanh chóng, trong đó có nhóm tuổi học sinh. Mặc dù vậy, các vấn đề này của nhóm tuổi chưa được chú trọng.