Rác thải đại dương từ lâu đã được coi là vấn nạn toàn cầu vì nó ảnh hưởng trầm trọng tới môi trường sống của các loài thủy sinh. Không chỉ thay đổi đặc tính nguồn nước và gây ra cái chết cho nhiều loài, rác thải trôi nổi trong đại dương còn gián tiếp tác động tới hoạt động sống của chúng.
Thử tưởng tượng, nếu một con cua ăn phải lớp bông gắn trên bông ngoáy tai hay một con rùa nhai phải những chiếc cốc làm bằng nhựa PS và ống hút nhựa,... đó quả thực là những cảnh tượng hết sức đau lòng mà ít ai muốn nghĩ tới.
Tuy nhiên tất cả những hình ảnh đó đã được nhiếp ảnh gia 64 tuổi người Bồ Đào Nha, Paulo de Oliveira phơi bày theo góc nhìn chân thực nhất. Bộ ảnh chính là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc nhất đối với loài người về sự trân quý đối với tự nhiên.
Oliveira chia sẻ: "Tôi muốn tổng hợp những bức hình để nói lên thực trạng ô nhiễm rác thải trên đại dương. Tôi mong mọi người hiểu được tầm quan trọng của môi trường và tác động của con người tới chuỗi thức ăn trong đại dương như thế nào".
Khi nhắc đến tính chân thực của bộ ảnh, Oliveira nhấn mạnh: "Chủ đề này đặc biệt cần tới những bức hình có nội dung gây sốc mà chúng ta hiếm khi có thể chụp được trong tự nhiên. Không có gì trong bộ ảnh này là bịa đặt hay phi lý cả. Tất cả đều đang diễn ra hàng ngày ở một số vùng biển. Tôi đã chứng kiến điều đó quá nhiều nhưng mọi người thì chưa.Tôi hy vọng nó sẽ hữu ích và khiến chúng ta có cái nhìn thấu cảm hơn với những gì mà đại dương đang phải gánh chịu do bàn tay con người".
Dưới đây là những bộ ảnh gây sốc về vấn nạn rác thải đại dương ảnh hưởng đến các loài thủy sinh như thế nào:
Một con hải cẩu bé đang cố gắng kéo một sợi dây thừng phía sau. Sợi dây này về lâu dài có thể sẽ gây nhiễm trùng cho vùng cổ và dẫn tới cái chết của con vật
Cá bò giáp (Titan triggerfish) đang ăn một chai nhựa vì tưởng là thức ăn. Túi nhựa và đủ loại rác thải nhựa đang hàng ngày trôi nổi trong đại dương do tác động của gió và dòng hải lưu
Cá hồi nâu (Salmo trutta) bị mắc vào trong bao bì thường được sử dụng để bọc lon nước
Hình ảnh một con cua đang gặm chiếc tăm bông.
Loài cua ẩn sĩ (Pacific hermit crab) sử dụng lắp chai để làm vỏ
Hay một con cua ẩn sĩ khác dùng quả bóng nhựa nhỏ để làm nơi sinh sống
Loại mực Sepiola atlantica ở vùng biển Đại Tây Dương không may bị chiếc bông ngoáy tai xuyên qua người
Thậm chí bông ngoáy tai còn lọt cả vào trong người của loài sứa lược (Comb jelly)
Tham khảo Storytrender