PV: Từ hiệu ứng BLACKPINK biểu diễn tại Hà Nội vừa qua, chị có đánh giá thế nào về lợi thế của văn hóa - nghệ thuật đối với phát triển du lịch?
Bà Vũ Quỳnh Anh: Có thể nói, concert BLACKPINK diễn ra tại Hà Nội là một cú hích lớn với loại hình du lịch âm nhạc của Thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung… BLACKPINK đến Hà Nội biểu diễn trong hai ngày 29 - 30/7 đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả, giới truyền thông trong nước và quốc tế. Nhờ hiệu ứng BLACKPINK, du lịch Hà Nội không chỉ kích cầu được lượng khách nội địa đông đảo là người hâm mộ của BLACKPINK, mà còn thu hút được du khách quốc tế, nhất là từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… đến Thủ đô, thưởng thức đêm nhạc của thần tượng kết hợp tham quan, khám phá thành phố.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Du lịch Hà Nội, tháng 7 vừa qua, lượng khách du lịch đến với Thủ đô tăng xấp xỉ 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng lớn du khách đến Hà Nội nhờ sức hút từ đêm diễn của nhóm BLACKPINK. Riêng trong hai 2 ngày diễn ra sự kiện BlackPink, Thủ đô Hà Nội đón 170.000 lượt khách, trong đó có 3.000 khách quốc tế, tổng thu từ du lịch là 630 tỉ đồng.
Điều này hứa hẹn là tiềm năng cho sự phát triển song song của lĩnh vực âm nhạc và kinh tế du lịch. Sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và văn hóa tạo nên sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện, hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc văn hoá Việt Nam.
PV: Thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam phải được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc. Quan điểm của chị về ý kiến này như thế nào?
Bà Vũ Quỳnh Anh: Văn hóa phải coi là trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Sự liên kết giữa du lịch và văn hóa ngày càng sâu sắc, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, góp phần rất lớn cho phát triển du lịch Việt Nam.
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực. Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngành du lịch trong thời gian qua đã có những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như: Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnaval biển Hạ Long, Festival pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền... Những chương trình nghệ thuật thực cảnh đặc sắc thu hút khách du lịch như "Ký ức Hội An’’, “Tinh hoa Bắc Bộ”, múa rối nước…
Bà Vũ Quỳnh Anh - Giám đốc điều hành Công ty du lịch Hoàng Minh
PV: Mặc dù có khá nhiều sản phẩm du lịch văn hóa hình thành, tạo thương hiệu cho nhiều địa phương nhưng để có được một sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế có sức ảnh hưởng và thu hút lớn như sự kiện BLACKPINK vừa qua là chưa nhiều. Theo chị đâu là nguyên nhân khiến Việt Nam vẫn ít được những đơn vị tổ chức sự kiện quốc tế “để mắt tới”?
Bà Vũ Quỳnh Anh: Sự kiện BLACKPINK vừa qua tại Hà Nội không chỉ hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế mà còn có sức hút lớn với giới truyền thông. Việt Nam từng tổ chức khá nhiều sự kiện du lịch văn hóa có tầm quốc tế, điển hình nhất là Festival pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng thu hút nhiều du khách. Tuy nhiên, để trở thành “điểm đến tổ chức sự kiện” được các ngôi sao thế giới hay đơn vị tổ chức sự kiện quốc tế lựa chọn thì chúng ta chưa có nhiều. Nhìn sang các nước bạn, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... là điểm đến đã tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa, giải trí hấp dẫn. Tới đây, Singapore là điểm lưu diễn của ca sĩ Taylor Swift, mang đến nguồn lợi rất lớn cho đất nước này, hiện đã thu hút hàng triệu người trên thế giới và khu vực châu Á mua vé.
Việt Nam tuy chưa tổ chức được nhiều sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn như vậy nhưng chúng ta đang được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng để tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc tế. Dù vậy, thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta vẫn ít cơ sở hạ tầng, nhà hát đủ tiêu chuẩn quốc tế; nhân sự có trình độ chuyên môn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế còn ít, chưa chuyên nghiệp.
PV: Theo chị, giải pháp nào để thúc đẩy du lịch kết hợp với văn hóa?
Bà Vũ Quỳnh Anh: Để phát triển loại hình du lịch kết hợp văn hóa, thì mỗi địa phương phải định hình và xây dựng được thương hiệu, bản sắc văn hóa riêng; tăng cường thúc đẩy hoạt động quảng bá, gắn văn hóa với phát triển du lịch thông qua các hoạt động xúc tiến truyền thông. Các địa phương cần thiết kế và xây dựng được các sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo, độc đáo và đa dạng; chú trọng đầu tư phát triển và cải tạo kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và phát huy vai trò của cộng đồng và văn hóa cộng đồng trong phát triển du lịch.
Với góc nhìn của người làm du lịch, tôi cho rằng, việc phát huy giá trị của nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống trong phát triển du lịch chính là đòn bẩy hội nhập quốc tế.
Chỉ nói riêng Hà Nội, một trong những trung tâm du lịch của cả nước, hiện nay nhiều đơn vị nghệ thuật của Thủ đô đã xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống hướng tới phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động biểu diễn đôi khi chưa linh hoạt, chưa phù hợp với lịch trình của khách du lịch, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động biểu diễn chưa được đầu tư đúng mức… Chúng ta nên phục dựng những giai thoại, hình tượng văn học, khai thác các tích truyện làng văn, làng võ, làng nghề ở Hà Nội… thông qua các loại hình văn học, nghệ thuật để phục vụ các tour du lịch. Bên cạnh đó, các chương trình nhạc hội lớn với sự đầu tư kỹ lưỡng, bài bản cũng sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách, nếu được tổ chức thường xuyên, tạo thành chuỗi công nghiệp du lịch - giải trí - thưởng thức ý nghĩa cho mỗi điểm đến.
PV: Xin cảm ơn bà.