Đừng quá khắc nghiệt với bản thân
Chúng ta có thói quen hay gây áp lực lên bản thân chính mình. Muốn mình là người học tốt nhất, muốn bài kiểm tra phải đạt điểm tuyệt đối, luôn nằm trong tốp học sinh giỏi của lớp… Thật ra, tất cả những mong muốn tốt đẹp đó không sai, nhưng đôi khi bạn hãy biết hài lòng với những gì mình đang có và chấp nhận những thất bại trong học tập.
Hãy cân bằng lại cảm xúc, hạn chế những suy nghĩ thiếu tích cực
Một vài điểm số thấp hay 1 lần bị xuống hạng trong học tập không quyết định tương lai của bạn. Vậy nên, đừng quá dằn vặt bản thân và có suy nghĩ chán nản, mệt mỏi không thiết tha học hành. Hãy cân bằng lại cảm xúc, hạn chế những suy nghĩ thiếu tích cực.
Hãy giải quyết từng vấn đề một
Bạn hiểu rõ tầm quan trọng của việc học, nhưng kết quả cuối cùng thì sao? Vẫn cảm thấy bị bế tắc bởi đặt cho mình mục tiêu học tập quá lớn hoặc quá khó. Học tập một thời gian, nhưng vẫn thấy mình cách quá xa mục tiêu khiến bạn cảm thấy hoang mang và cho rằng mình không thể làm gì được để đạt kết quả đó. Đây cũng là lý do dẫn đến tâm lý mệt mỏi, uể oải, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể nào học tập hiệu quả được.
Thay vì ôm đồm quá nhiều kiến thức một lúc, bạn có thể chia mục tiêu lớn ra thành những bước nhỏ dễ thực hiện. Nên lập một danh sách những điều cần làm và phân chia thời gian sao cho bạn có thể xử lý từng việc. Cứ sau khi hoàn thành một mục tiêu nhỏ bạn sẽ có thêm động lực để tiếp tục hoàn thành những mục tiêu kế tiếp.
Thử tìm phương pháp học mới
Làm việc gì người ta cũng cần phải có phương pháp, vì có phương pháp mới dẫn tới thành công. Nếu cách học cũ của bạn không mang lại hiệu quả, hãy tạm dừng lại xem vấn đề nằm ở đâu và thử tìm cho mình phương pháp học tập mới. Bạn đang cố học tốt bằng cách học thuộc lòng hãy thử phương pháp học theo sơ đồ tư duy. Không học vẹt, phải học hiểu, và ghi nhận phần nào ra phần đó.
Hãy tự tạo nên những hứng thú cho chính mình. Bởi khi tinh thần thoải mái, việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn!
Phương pháp học tập một cách tự lực đóng vai trò quan trọng trong việc tích cực hoá, phát huy tính sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, phương pháp học tập mang tính chủ quan, không có công thức chung nào cả. Mỗi học sinh hãy tự tìm cho mình một phương pháp hiệu quả, hợp lý và phù hợp với bản thân.
Mệt quá hãy nghỉ ngơi, làm một điều gì đó tùy hứng
Học tập quá tải khiến cơ thể và trí óc của bạn đều bị suy nhược, và từ đó sẽ kéo theo cảm giác chán nản trì trệ. Lúc này, bạn sẽ càng khó để tập trung ôn luyện hiệu quả bởi khi ngã vào hố sâu của chán nản, chúng ta thường có xu hướng chẳng muốn làm gì cả.
Do đó, làm gì cũng cần có điểm dừng, sau một khoảng thời gian học tập mệt mỏi quá hãy nghỉ ngơi, làm một điều gì đó tùy hứng. Đây chính là một trong những cách đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực. Đi xem phim cùng bạn bè, đến một cửa hiệu ưa thích, mua sắm quần áo, nghe nhạc.. Hãy tự tạo nên những hứng thú cho chính mình. Bởi khi tinh thần thoải mái, việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn!