Biến thể Delta lây lan mạnh, số ca mắc mới tại nhiều nước châu Á tăng kỷ lục

Ban Thời sự, Theo VTV 08:51 01/08/2021

Đến sáng 1/8, thế giới có trên 198,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,23 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 35,7 triệu ca mắc và hơn 629.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 42.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Biến thể Delta đang xuất hiện trên khắp nước Mỹ, có khả năng khiến bệnh nhân chuyển bệnh nặng và lây lan dễ dàng như virus gây bệnh thủy đậu. Biến thể Delta sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là thông báo mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ. Theo CDC, những người đã tiêm đủ vaccine COVID-19 vẫn có thể lây truyền biến thể Delta. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh cơ quan này điều chỉnh các chỉ dẫn đối với những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Cụ thể, người đã tiêm vaccine được khuyến cáo tiếp tục sử dụng khẩu trang trong môi trường khép kín, tại những nơi mà số ca nhiễm mới vẫn đang tăng cao.

Sau nhiều tháng dùng các biện pháp khuyến khích nhẹ nhàng và khen thưởng, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định đã đến lúc cứng rắn hơn với những người ngần ngại tiêm vaccine. Quy định mới yêu cầu hàng triệu nhân viên Chính phủ liên bang bắt buộc phải tiêm vaccine COVID-19. Ngoài ra, giới chức Mỹ yêu cầu những người từ chối tiêm chủng phải xét nghiệm thường xuyên, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và hạn chế đi lại. Ông Biden kêu gọi thiết lập những điểm tiêm chủng lưu động để tiêm vaccine cho trẻ em trước khi năm học mới bắt đầu, thông báo các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được bồi hoàn tiền nếu cho nhân viên nghỉ phép có lương để họ và gia đình đi tiêm chủng.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 31/7, nước này ghi nhận gần 41.800 ca mắc mới COVID-19 và 542 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 31,6 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 424.300 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Tại Brazil, hơn 555.500 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 19,88 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Từ đầu tháng 8, Pháp sẽ áp dụng thẻ sức khỏe, một loại giấy chứng nhận đã hoàn thành tiêm chủng hoặc âm tính với COVID-19. Điều luật này chắc chắn sẽ tạm thời thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày. Kể từ khi điều luật về thẻ sức khỏe bắt đầu được đưa vào áp dụng, trên đường phố Paris, rất nhiều trạm xét nghiệm nhanh đã được lập ra. Bắt đầu từ tuần tới, để tham gia vào hầu hết mọi hoạt động xã hội, người dân phải xuất trình thẻ sức khỏe. Theo một cuộc trưng cầu dân ý, vẫn còn 30% người Pháp cảm thấy không thoải mái với việc bị bắt buộc phải dùng thẻ sức khỏe. Tuy nhiên, quốc hội Pháp vẫn thông qua điều luật này nhưng giảm nhẹ một số quy định.

Pháp hiện đang là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 5 thế giới với trên 6,1 triệu ca nhiễm và hơn 111.800 trường hợp tử vong.

Chính phủ Đức đã thông qua quy định phòng dịch mới áp dụng với những người nhập cảnh. Bắt đầu từ ngày 1/8, tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Đức đủ 12 tuổi phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính, đã tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh. Quy định mới được áp dụng không chỉ với hành khách nhập cảnh Đức qua đường hàng không như hiện nay mà cả khách đường bộ hoặc đường thủy.

Biến thể Delta lây lan mạnh, số ca mắc mới tại nhiều nước châu Á tăng kỷ lục - Ảnh 1.

Trong vài tuần gần đây, Đức ghi nhận số ca mắc mới tăng cao (Ảnh: AP)

Ngoài quy định trên, Chính phủ Đức hiện xếp các nước/khu vực vào 2 danh sách gồm khu vực có nguy cơ cao và khu vực có biến thể virus hoành hành. Người nhập cảnh từ khu vực biến thể virus hoành hành sẽ phải cách ly 2 tuần và vẫn phải xét nghiệm dù đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Số ca lây nhiễm mới ở Đức ngày càng tăng trong những tuần gần đây, chủ yếu do sự lây lan mạnh của biến thể Delta. Trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận trên 1.800 ca nhiễm mới.

Trong khi đó, tại Anh, số ca mắc mới đã tăng trở lại sau hơn 1 tuần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế tại vùng England. Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Anh, số ca mắc mới COVID-19 tại vùng England đã tăng hơn 15%, khoảng hơn 114.000 trường hợp. Các chuyên gia cảnh báo, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sẽ dẫn đến số ca mắc mới COVID-19 gia tăng, thậm chí có thể lên mức cao kỷ lục 100.000 người/ngày do biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh.

Từ ngày 10/8 tới, Chính phủ Anh cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ không phải tự cách ly 10 ngày nếu có tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, yêu cầu tự cách ly đang được áp dụng với hàng triệu người hiện nay đang gây tình trạng thiếu nhân lực trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Tại Thái Lan, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng mạnh. Lần đầu tiên số ca mắc mới COVID trong ngày tại nước này vượt mốc 18.000 ca. Thái Lan lần thứ 2 trong tuần này có số ca mắc mới vượt đỉnh với 18.912 ca nhiễm mới và 178 bệnh nhân thiệt mạng trong ngày 31/7. Như vậy, đến nay Thái Lan đã có 597.287 ca nhiễm và 4.857 người tử vong do COVID-19, trong đó có tới 98% số ca tử vong và 95% số ca nhiễm mới được ghi nhận trong làn sóng thứ 3 bùng phát từ tháng 4 đến nay.

Bộ Y tế Thái Lan cho rằng, nếu không có những hạn chế nghiêm ngặt hiện nay, số các mắc COVID-19 hàng ngày tại nước này sẽ vượt quá 40.000 trường hợp vào ngày giữa tháng 9 và số ca tử vong sẽ vượt qua 500 bệnh nhân/ngày vào cuối tháng 9. Theo Bộ Y tế Thái Lan, để có thể giữ cho số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 dưới con số 200, nước này cần đẩy nhanh công tác tiêm chủng và áp dụng các biện pháp phong tỏa trong 2 tháng.

Sự hợp tác của cộng đồng mang yếu tố quyết định trong cuộc chiến chống COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động không cần thiết và ở nhà nhiều nhất có thể, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Người dân cần đưa người già từ 60 tuổi trở lên và những người mắc bệnh mãn tính đến các trung tâm tiêm chủng, qua đó góp phần giảm số ca mắc mới và tử vong tại Thái Lan.

Ngày 31/7, báo Khmer Times dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia cho rằng, quốc gia Đông Nam Á này đang ở thời điểm then chốt để chống dịch bệnh. Trong báo cáo có tựa đề Chúng ta đang chống lại các biến thể mới: Hành động ngay bây giờ để ngày mai không phải hối tiếc, đại diện của WHO tại Campuchia, bà Lý Ái Lan, đánh giá cao quyết định của Chính phủ Campuchia về việc phong tỏa 8 tỉnh giáp biên giới Thái Lan và áp đặt lệnh giới nghiêm tại các địa phương trên cả nước, coi đây là bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19, đặc biệt là biến thể Delta.

Với số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày tiếp tục ở mức cao, Campuchia hiện ở giai đoạn 2 lây nhiễm cộng đồng và biến thể Delta đang lây lan với tốc độ nhanh chóng. Bà Lý Ái Lan cho rằng, không một biện pháp đơn lẻ nào có thể kiềm chế dịch bệnh lây lan, mà cần áp dụng kết hợp các biện pháp về y tế công và xã hội.

Theo thông cáo ngày 31/7 của Bộ Y tế Campuchia, nước này có thêm 22 người tử vong và 658 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 248 ca nhập cảnh và 410 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Tính đến ngày 31/7, Campuchia xác nhận tổng cộng 77.243 ca mắc COVID-19, trong đó 69.996 người đã khỏi bệnh và 1.397 bệnh nhân không qua khỏi.

Biến thể Delta lây lan mạnh, số ca mắc mới tại nhiều nước châu Á tăng kỷ lục - Ảnh 2.

Biến thể Delta đang lây lan với tốc độ nhanh chóng tại Campuchia (Ảnh: AP)

Bộ Y tế Lào thông báo, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 380 ca mắc mới COVID-19, trong đó đa phần là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước tới nay trong một ngày được ghi nhận tại Lào.

Trước tình hình người nhập cảnh ngày càng gia tăng, Chính phủ Lào yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng chống dịch như mở rộng trung tâm cách ly, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất y tế, nâng cấp và cải tạo cơ sở y tế, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch của người dân và siết chặt quản lý các trung tâm cách ly… Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 6.299 ca mắc COVID-19 và 7 người tử vong.

Giới chức Malaysia cho biết, ngày 31/7, nước này ghi nhận thêm 17.786 ca mắc COVID 19 mới. Đây là mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Tuy số ca mới vẫn tăng cao trong những ngày gần đây nhưng Malaysia sẽ kết thúc tình trạng khẩn cấp quốc gia tại đa số các địa phương vào ngày 1/8, ngoại trừ bang Sarawak ở miền Đông. Bang này sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp cho đến tháng 2/2022. Động thái trên nhằm hoãn cuộc bầu cử ở bang này để ngăn chặn số ca mắc COVID-19 gia tăng.

Cũng trong ngày 31/7, Viện Nghiên cứu công nghiệp Malaysia thông báo sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu y khoa, Đại học Putra Malaysia để phát triển vaccine ngừa COVID-19.

Từ 12h ngày 1/8, Singapore sẽ thắt chặt nhập cảnh với các du khách có lịch sử di chuyển từ Australia và tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Các du khách có lịch sử du lịch đến Australia trong 21 ngày qua khi nhập cảnh Singapore sẽ phải cách ly tại nhà trong 14 ngày. Trước đó, những người này sẽ phải xét nghiệm PCR khi nhập cảnh. Còn những công dân, người thường trú tại Singapore có lịch sử du lịch đến tỉnh Giang Tô, Trung Quốc trong 21 ngày qua trước khi nhập cảnh sẽ phải có xét nghiệm PCR âm tính, tự cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm COVID-19 trước khi kết thúc tự cách ly.

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp về y tế do dịch COVID-19. Lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng tại 4 tỉnh, trong đó có 3 tỉnh giáp thủ đô Tokyo là Chiba, Kanagawa và Saitama, và tỉnh Osaka ở phía Tây. Tình trạng khẩn cấp sẽ bắt đầu có hiệu lực ở 4 tỉnh trên từ ngày 2/8 đến 31/8.

Quyết định được đưa ra chỉ một ngày sau khi thủ đô Tokyo ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục. Cụ thể, ngày 31/7, Thủ đô Tokyo của Nhật có 4.058 ca nhiễm mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Trong những ngày qua, số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo liên tục lập các đỉnh mới. Nguyên nhân là do biến thể Delta khiến các ca nhiễm tăng nhanh, gây sức ép lên các bệnh viện tại Tokyo. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã kêu gọi người dân xem Olympic Tokyo tại nhà.

Trung Quốc ngày 31/7 đã ghi nhận thêm 55 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó 30 người lây nhiễm trong cộng đồng và 25 trường hợp nhập cảnh. Các ca lây nhiễm trong cộng đồng tập trung chủ yếu ở Giang Tô, Hồ Nam và Trùng Khánh, trong khi Liêu Ninh, Phúc Kiến và Tứ Xuyên mỗi nơi ghi nhận 1 ca.

Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thách thức do đợt bùng phát dịch mới xuất phát từ thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô ở miền Đông. Gần như toàn bộ các ca bệnh ở đây đều được xác nhận nhiễm biến thể Delta với khả năng lây nhiễm siêu nhanh và siêu mạnh. Hiện có hơn 200 ca liên quan đến cụm lây nhiễm biến thể Delta ở tỉnh Giang Tô sau khi một nhóm nhân viên vệ sinh tại sân bay thành phố Nam Kinh có kết quả xét nghiệm dương tính hôm 20/7. Đây là đợt bùng phát COVID-19 mạnh nhất tại Trung Quốc đại lục trong vài tháng trở lại đây.