Biến đổi khí hậu không còn là những lời cảnh báo

Toàn cảnh thế giới, Theo VTV News 11:42 03/12/2023

Liên tiếp các kỷ lục khí hậu bị xô đổ. Thế giới đang bước vào kỷ nguyên nung nóng toàn cầu trong tình trạng hỗn loạn về khí hậu.

Trái đất vẫn đang đi trên cao tốc đến địa ngục khí hậu, đó là cảnh báo của Tổng thư ký Liên hợp quốc. Ở chiều ngược lại, các hành động khí hậu lại đang được nhận định vẫn còn chậm chân. Tăng cường hợp tác, khẩn cấp hành động để ứng phó thách thức khí hậu cũng là thông điệp tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu.

Câu chuyện biến đổi khí hậu không còn là những lời cảnh báo mà là những cảm nhận rõ rệt từng ngày, với từng người dân. Năm 2023, hãng tin CNN của Mỹ mô tả, là năm mà các viên domino khí hậu liên tiếp bị xô đổ. Liên tiếp các kỷ lục về nhiệt độ được ghi nhận.

Tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9 nóng nhất lịch sử. 86 ngày nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Năm 2023 cũng được nhận định là năm nóng nhất 125 nghìn năm qua. Như Tổng thư ký Liên hợp quốc mô tả, thế giới đang bước vào kỷ nguyên nung nóng toàn cầu . Thậm chí, hành tinh của chúng ta còn đang trên đà nóng lên từ 2,5 đến 2,9 độ C cho đến hết thế kỷ này. Cùng với đó là nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan ở khắp tới trên thế giới, trên nhiều châu lục. Và như nhiều chuyên gia cảnh báo, Trái đất của chúng ta đang dần chạm đến các điểm giới hạn về khí hậu.

Những kết quả ban đầu tại Hội nghị COP28

Trước tình hình trên, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã khai mạc tuần qua tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, với kỳ vọng tiếp tục đưa ra các giải pháp, kêu gọi hợp tác toàn cầu ứng phó biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu không còn là những lời cảnh báo - Ảnh 1.

Cam kết đóng góp nhiều hơn, thành lập các quỹ ứng phó là những bước đi được nhận định tạo ra những đột phá, tiến bộ nhất tại COP28. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên, COP28 đã triển khai Quỹ bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng đã thành lập một quỹ khí hậu trị giá 30 tỷ USD dành cho các giải pháp khí hậu toàn cầu. Mục tiêu là nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính cho khí hậu và kêu gọi đầu tư 250 tỷ USD cho các giải pháp khí hậu từ nay đến năm 2030.

Ông Sultan al-jaber - Chủ tịch COP28 khẳng định: "Thực tế là chúng ta có thể đạt được cột mốc quan trọng như vậy trong ngày đầu tiên của COP là điều chưa từng có. Đây là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể thực hiện cam kết".

Tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ COP28, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh các hành động khí hậu cần hướng đến mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tiếp tục giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, tăng cường tài chính khí hậu, nhất là tăng gấp đôi tài chính khí hậu cho giai đoạn sau năm 2025.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo: "Chúng ta còn cách xa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris hàng dặm - và chỉ còn vài phút nữa là đến nửa đêm giới hạn 1,5 độ. Nhưng vẫn chưa quá muộn, chúng ta có thể, bạn có thể, ngăn chặn sự đổ vỡ và nung nóng hành tinh. Chúng ta có công nghệ để tránh tình trạng hỗn loạn khí hậu tồi tệ nhất - nếu chúng ta hành động ngay bây giờ".

Về chuyển đổi năng lượng, hơn 110 quốc gia đã tán thành mục tiêu tăng gấp ba sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030. Một nhóm các quỹ từ thiện cho biết, sẽ đầu tư 450 triệu USD trong ba năm tới để giúp các chính phủ triển khai hành động giải quyết khí methane - loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai hiện nay. Tuy nhiên, các bên vẫn còn những tranh cãi về vấn đề năng lượng hạt nhân.

Biến đổi khí hậu không còn là những lời cảnh báo - Ảnh 2.

Một vấn đề đáng quan tâm khác là 134 quốc gia sản xuất 70% lượng thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới đã ký tuyên bố chung nhấn mạnh ưu tiên phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuyên bố khẳng định, các nước sẽ tăng cường chuyển đổi hệ thống thực phẩm, gắn nỗ lực này với kế hoạch quốc gia về giảm khí thải.

Khởi động quỹ tổn thất và thiệt hại

Các chuyên gia cảnh báo, đầu tư vào hành động khí hậu ở các nền kinh tế mới nổi "đã bị đình trệ", có nguy cơ chệch hướng các mục tiêu khí hậu. COP28 đã khởi động quỹ bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt tại COP27 và bước tiến quan trọng tại COP28, quỹ Tổn thất và Thiệt hại được thiết kế nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu. Theo các nhà lãnh đạo, Quỹ sẽ giải quyết được những khoảng trống mà các cơ chế tài chính về khí hậu hiện tại như Quỹ Khí hậu Xanh không thể lấp đầy.

Về lâu dài, Quỹ được đánh giá là cần thiết, ngay cả khi thế giới đáp ứng các mục tiêu giảm thiểu khí hậu bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, nước biển dâng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, Quỹ vẫn đối mặt nhiều thách thức. Vẫn có những tranh cãi trong việc giải thích các nước "đặc biệt dễ bị tổn thương". Một số quốc gia cho rằng, quỹ chỉ nên phục vụ các quốc gia kém phát triển nhất, "các nước đặc biệt dễ bị tổn thương khác dựa trên các tiêu chí cụ thể". Trong khi các nước đang phát triển cho rằng tất cả các nước này không nên bị cản trở trong việc tiếp cận Quỹ.

Biến đổi khí hậu không còn là những lời cảnh báo - Ảnh 3.

Về quy mô, với số tiền đóng góp ban đầu hơn 500 triệu USD, Quỹ được nhận định vẫn thấp hơn nhiều so với ước tính 400 tỷ USD mà các nước đang phát triển cần mỗi năm để giải quyết tổn thất và thiệt hại. Quỹ cũng không đặt thời hạn cuối để đạt ngân sách đề ra. Chưa có tiêu chí để các quốc gia và cộng đồng có thể tiếp cận quỹ. Một số quốc gia lo ngại về hình thức phân bổ quỹ có thể làm tăng nợ của các nước đang phát triển và hạn chế khả năng giảm phát thải và thích ứng.

Khi thế giới chuyển sang giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, quỹ mất mát và thiệt hại là một bước đột phá và thiết yếu để xây dựng xã hội tự cường hơn, nhưng điều quan trọng nhất là đảm bảo hoạt động thành công của Quỹ ngay từ khi chính thức được hình thành.

EU kêu gọi định giá carbon trên toàn thế giới

Để thực hiện các mục tiêu khí hậu, các quốc gia cũng đẩy nhanh các chiến lược chuyển đổi xanh. Liên minh châu Âu đã đưa ra Đạo luật công nghiệp không phát thải. Tại COP28, Liên minh châu Âu cũng kêu gọi mở rộng cơ chế định giá carbon nhằm tạo lập bình đẳng trong ngoại thương và tăng ngân sách chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tái cam kết hỗ trợ các quốc gia muốn xây dựng và hoàn thiện thị trường carbon trong nước.

Lãnh đạo châu Âu cho rằng, chỉ có dùng đòn bẩy kinh tế mới có thể giảm được phát thải. Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã nhắc đi nhắc lại về cơ chế định giá carbon, ngay trong ngày khai mạc COP28. Doanh nghiệp gây ô nhiễm phải bỏ tiền mua quyền phát thải, muốn không phải trả tiền thì chỉ còn cách phải cải thiện công nghệ nhằm giảm thải.

Từ 18 năm nay, cơ chế định giá carbon và mua bán quyền phát thải áp dụng trong lãnh thổ Liên minh châu Âu đã giúp giảm 40% lượng khí thải, số tiền mua bán quyền phát thải lên tới 175 tỷ euro. Lần này tới COP28, bà Leyen kêu gọi áp dụng mô hình này trên toàn thế giới.

Biến đổi khí hậu không còn là những lời cảnh báo - Ảnh 4.

Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Chúng tôi muốn hỗ trợ ngày càng nhiều quốc gia hình thành và hoàn thiện thị trường carbon trong nước. Trên toàn thế giới, hiện đã có 73 công cụ định giá carbon, nhưng mới chỉ bao gồm 23% lượng khí thải toàn cầu. Con số đó cần phải tăng lên, có như vậy thì mới giảm nhanh được lượng khí thải".

Đầu năm nay, Ủy ban châu Âu đã đưa ra Đạo luật Công nghiệp không phát thải, xác định tám lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược, đó là điện mặt trời, điện gió, pin trữ điện, địa nhiệt, hydro, khí sinh học, thu hồi và chôn lấp carbon. Đạo luật tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp châu Âu đi trước về công nghệ xanh, nhằm giảm chi phí mua quyền phát thải, hoặc tăng nguồn thu từ bán quyền phát thải.

Ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định: "Chúng tôi cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển, coi đó là tránh nhiệm của mình, cũng là cách thể hiện sự tin cậy. Trong cam kết đóng góp 100 tỷ hỗ trợ các nước đang phát triển, 23 tỷ euro đang được Liên minh châu Âu huy động riêng trong năm nay. Chúng tôi tiếp tục cam kết hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Và chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Quỹ Tổn thất và Thiệt hại do biến đổi khí hậu. 220 triệu đã được Liên minh châu Âu công bố vào ngày hôm qua".

Liên minh châu Âu đã đặt mục tiêu tăng gấp ba lần sản lượng năng lượng tái tạo, và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng, hạ quyết tâm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Nhiều biện pháp cụ thể đang được gấp rút tiến hành, mà gần đây nhất là thành lập Ngân hàng hydro châu Âu, huy động vốn nhằm phát triển một nguồn năng lượng xanh.

Đảm bảo công bằng trong chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu để đạt các mục tiêu khí hậu, nhưng thực tế các nước nghèo dù phát thải thấp lại đang hứng chịu hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, trong khi lại nhận được ít đầu tư vào hành động khí hậu. Chính vì thế, các nước đang thúc đẩy kêu gọi các nước giàu tăng cường đầu tư vào hành động khí hậu ở các nước mới nổi, các nước đang phát triển, dễ bị tổn thương, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng.

Châu Phi sở hữu nhiều khoáng chất quan trọng để phát triển năng lượng xanh và là nơi có 60% tài nguyên năng lượng Mặt trời tốt nhất hành tinh. Dù có nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào, có thể đóng vai trò tích cực trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu, châu lục này mới chỉ nhận được 2% đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo trong thập kỷ qua. Châu Phi cần khoảng 600 tỷ USD để đầu tư cho năng lượng tái tạo trong 7 năm tới.

Biến đổi khí hậu không còn là những lời cảnh báo - Ảnh 5.

Tổng thống Kenya William Ruto kêu gọi: "Chúng tôi yêu cầu một sân chơi công bằng để các quốc gia châu Phi tiếp cận nguồn đầu tư cần thiết, nhằm khai thác tiềm năng và biến chúng thành cơ hội. Chúng tôi cũng yêu cầu một cơ cấu tài chính phát triển đa phương công bằng để giải phóng nền kinh tế của chúng tôi khỏi những khoản nợ và những rào cản khó khăn đối với các nguồn tài chính cần thiết".

Một tín hiệu tích cực là châu Âu đang tăng cường hợp tác và đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng tại châu Phi, giúp các nước tìm kiếm các giải pháp năng lượng thân thiện với môi trường. Ví dụ như khoản viện trợ bổ sung trị giá 4 tỷ euro mà Đức mới cam kết nhằm hỗ trợ các khoản đầu tư theo Sáng kiến Năng lượng xanh châu Phi-EU.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng: "Năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường, xây dựng nền kinh tế hydro ở khắp các quốc gia và châu lục, đa dạng hóa kinh tế, tất cả những điều này sẽ củng cố sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa châu Âu và các nền kinh tế đang phát triển tại châu Phi - một sự hợp tác có lợi cho cả hai bên. Chúng tôi đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng cùng với các nước đối tác EU và châu Phi".

Các nước đang phát triển và mới nổi, trừ Trung Quốc, sẽ cần khoản đầu tư khoảng 2.000 tỷ USD mỗi năm, từ nay đến năm 2030, để đối phó với các tác động của biến đổi khí hậu và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi dòng tài chính quốc tế hướng tới các nước đang phát triển đang thấp hơn nhu cầu ước tính từ 5 đến 10 lần.

Tăng cường đầu tư và hợp tác quốc tế để giải phóng tiềm năng xanh của các nước này được xem là chìa khóa để đảm bảo chuyển đổi năng lượng công bằng.