Đảo Bali của Indonesia từ lâu đã nổi tiếng là một địa điểm du lịch cực kỳ đáng mơ ước. Nơi đây sở hữu nền văn hóa, ẩm thực phong phú, và nổi bật nhất là những bãi biển trong vắt, đẹp đến hút hồn, tựa như thiên đường nơi trần thế vậy.
Thế nhưng mọi chuyện hóa ra chỉ là bề nổi. Các bãi Bali vẫn đẹp, nhưng không thể tránh khỏi tác động của con người. Giờ đây, Bali đang phải đối mặt với một thực trạng cực kỳ đáng lo ngại, đó là lượng rác nhựa trôi nổi dưới đại dương.
Mới đây, một thợ lặn người Anh sống tại Indonesia đã cho đăng tải một video với nội dung "bơi giữa bể rác", nhằm cảnh báo thực trạng này với cộng đồng. Và quả thực, video của anh đã khiến cư dân mạng trên thế giới cảm thấy shock tột độ.
Được biết, đoạn video do Rich Horner thực hiện, được quay vào ngày 3/3 khi Horner đi lặn tại mũi Manta thuộc Nusa Penida.
"Đại dương đem lại cho chúng ta rất nhiều quà tặng xinh xắn. Sứa biển, phù du, lá cây, cành cây... Ồ, và một ít rác nhựa nữa." - trích lời chia sẻ của Horner trên Youtube và Facebook.
"Túi nhựa, chai nhựa, cốc nhựa, giấy nhựa, xô nhựa, ống hút nhựa, rồi lại xô nhựa, lại túi nhựa. Nhựa, nhựa, nhựa, quá nhiều nhựa."
Rác nhựa trôi nổi dưới biển Bali
Số rác ấy, theo như cập nhật của Horner vào hôm sau, đã được dòng chảy cuốn đi. Nhưng "đáng buồn là chúng sẽ tiếp tục hành trình của mình, tiến vào Ấn Độ Dương."
Trên thực tế, theo đúng với "xu thế" hiện tại, rác nhựa vẫn xuất hiện trên nhiều đại dương, nhưng số lượng như trong video của Horner thì không thường xuyên xảy ra. Horner cho biết anh "chưa từng thấy một số lượng rác lớn như vậy bao giờ."
Trên thực tế, số rác này không hẳn là vì con người tại Bali. Các nhà môi trường học cho rằng chúng đến từ dòng hải lưu Indonesia (Indonesian Throughflow - ITF) - nối giữa Bali và Lombok. Rác bị cuốn xuống biển vì bão và mưa lớn.
Rác nhựa, xô nhựa, túi nhựa, nhựa ở tất cả mọi nơi
Nhưng dù vậy, video của Horner thực sự khiến con người phải nhìn nhận lại. Chúng ta xả rác trên cạn, nhưng rồi chúng lại rơi xuống các đại dương, gián tiếp khiến cuộc sống của các loài thủy sinh trở nên khổ sở.
Hàng năm, có tới 8 triệu tấn rác nhựa rơi xuống đại dương, đến mức dự báo vào năm 2050, số rác trên đại dương còn nhiều hơn cá.