Mới đây, câu chuyện “Một người đàn ông xúc phạm một đồng nghiệp nữ và bị sa thải. Anh ta yêu cầu công ty bồi thường hơn 470.000 nhân dân tệ” lọt top tìm kiếm trên mạng xã hội Weibo. Chỉ sau 1 ngày đăng tải, chủ đề này đã thu hút gần 50 triệu lượt đọc và hơn 10 nghìn lượt bình luận.
Theo Sina, người đàn ông họ Jin đã gia nhập một công ty công nghệ thông tin ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc với vai trò chuyên gia cấp cao. Tuy nhiên, trong thời gian làm việc tại đây, Jin đã nhiều lần có hành động quấy rối và đe dọa một nữ đồng nghiệp khác trong văn phòng - cô Sun. Cô gái này sau đó đã khiếu nại lên công ty qua email và phải gặp bác sĩ tâm lý vì bị ám ảnh và lo âu. Theo lời kể của nữ nhân viên này, lần gần đây nhất, anh Jin đã bình phẩm về ngoại hình của cô "Sun, em quá quyến rũ" và có những hành vi kém duyên. Sau khi bị Sun phản bác lại, anh ta đã lớn tiếng quát mắng cô giữa văn phòng và chỉ trích cô “tính cách cô vấn đề”.
Sau khi nhận được thông tin từ nhân viên, công ty đã tiến hành điều tra và xác minh sự việc thông qua các camera giám sát trong văn phòng và phỏng vấn kín các nhân viên làm cùng bộ phận với anh Jin và cô Sun. Cuối cùng, công ty đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với anh Jin, vì vi phạm nghiêm trọng “Quy tắc ứng xử dành cho nhân viên” của công ty.
Song, nam nhân viên này tỏ ra vô cùng bất bình với quyết định của công ty. Anh ta nộp đơn ra Hội đồng trọng tài lao động, yêu cầu công ty phải bồi thường 472.856 nhân dân tệ (hơn 1,6 tỷ đồng), do chấm dứt hợp đồng lao động, với lý do chưa đủ sức thuyết phục. Tuy nhiên, sau khi xem xét, Ủy ban trọng tài lao động đã từ chối thụ lý vụ án. Jin không dừng lại mà tiếp tục đệ đơn kiện ra tòa.
Phía công ty và nhiều nhân viên chia sẻ câu chuyện này lên mạng xã hội, nhiều người lên tiếng chê bai chàng trai khởi kiện và đồng lòng ủng hộ phương án xử lý của công ty. “Ủng hộ công ty, ủng hộ Hội đồng trọng tài lao động”, “Đừng nghĩ đây là chuyện nhỏ, nhiều trường hợp đã phải chọn cái kết buồn khi bị bắt nạt nơi công sở đó. Điều này cũng chứng tỏ công ty này có môi trường tốt, biết quan tâm kịp thời tới các nhân viên”, “Anh ta nên nhận lỗi và xin lỗi đi, đằng này còn cố bao biện”, "Có mà cô nhân viên đó nên bắt anh ta xin lỗi và bồi thường thì đúng hơn”,... là những bình luận của cư dân mạng.
Cuối cùng, tòa án sơ thẩm cho rằng hành vi của Jin đã vi phạm quy định của công ty và gây hậu quả nghiêm trọng, khiến cô Sun phải tìm đến sự tư vấn và can thiệp của các chuyên gia tâm lý ngay sau đó. Việc công ty chấm dứt quan hệ lao động là đúng quy định của pháp luật yêu cầu công ty bồi thường do chấm dứt hợp đồng lao động của Jin không được đồng thuận. Jin tiếp tục nộp đơn xin sơ thẩm lần thứ hai, lần này tòa án cũng cho rằng hành vi của Jin không chỉ vi phạm trật tự công cộng, thuần phong mỹ tục mà còn vi phạm nghiêm trọng “Quy tắc ứng xử của người lao động”, đồng thời giữ nguyên phán quyết của tóa án sơ thẩm.
Tờ Sina bình luận, trường hợp này là ví dụ cho tầm quan trọng của việc tôn trọng giới tính và đạo đức nghề nghiệp tại nơi làm việc, đồng thời nhắc nhở tất cả nhân viên có trách nhiệm tuân thủ các nội quy, quy định của công ty và duy trì môi trường làm việc lành mạnh. Công ty có quyền xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Quyết định của tòa án không chỉ bảo vệ quyền lợi của công ty mà còn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, phản ánh sự công bằng và thẩm quyền của pháp luật.
Nguồn: Weibo, Sina.