Sinh năm 1970 tại Hà Nội, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - TGĐ Vietjet Air thuộc lứa doanh nhân quay về Việt Nam lập nghiệp sau khi du học Đông Âu. Năm 21 tuổi, bà Thảo kiếm được 1 triệu USD đầu tiên nhờ kinh doanh máy fax và nhựa, cao su. Là người thay đổi cục diện ngành hàng không từ độc quyền sang hướng cạnh tranh, có sự tham gia của tư nhân, bà Thảo từng chia sẻ những bài học rút ra được với tạp chí Forbes:
Bài học lớn đầu tiên mà tôi học được là cần phải dẫn đầu và tạo ra xu thế với cái nhìn toàn cầu, xây dựng một công ty đa quốc gia, môi trường đa văn hóa để hấp thụ được những gì tiên tiến nhất. Bài học thứ hai là, khi bạn mơ những giấc mơ to lớn, làm những điều mới mẻ thì hầu như tất cả mọi người đều cho là không tưởng. Xung quanh bạn còn có tính đố kỵ cố hữu của con người. Vậy thì hãy mỉm cười đi qua những bão giông dư luận trái chiều. Tiếp theo, hãy yêu quý công ty của mình sinh ra và nuôi dưỡng như con đẻ của mình, bởi sẽ không có ai yêu quý nó hơn bạn đâu. Hãy coi nhân viên như những người thân, bởi vì 2/3 thời gian cuộc sống bạn chia sẻ cùng nhân viên, hãy mang đến cho họ sự công bằng, khả năng thăng tiến và hạnh phúc với công việc.
Đối với tôi, khi dấn thân vào một lĩnh vực mới thì nhất thiết doanh nhân phải có đam mê với lĩnh vực này, có động lực để đạt mục tiêu đề ra, coi như sứ mệnh mà doanh nhân đã dấn thân vào gánh vác và từng bước chinh phục những nấc thang dẫn tới thành công. Với riêng tôi, còn phải thêm chút lãng mạn nữa. Ai đó từng nói với tôi rằng, hãy mơ những giấc mơ to lớn và hành động như thể một thiên thần. Các ý tưởng và mô hình kinh doanh khác biệt luôn có nhiều thách thức và đa số sẽ cho đó là những điều không tưởng. Ngành hàng không ở Việt Nam là một ví dụ, đây đã từng là một ngành độc quyền và đóng cửa toàn diện, với duy nhất mô hình nhà nước và lối tư duy truyền thống, Vietjet đã vượt qua thách thức này, xây dựng thị trường hàng không bình đẳng, vận hành các chuyến bay chi phí thấp.
Những điều bà Thảo nói cũng từng được Angela Duckworth, một học giả, nhà tâm lý học và tác giả khoa học nổi tiếng người Mỹ giải thích rằng: "Đỉnh cao thành công trong cuộc sống không chỉ đạt được nhờ vào tài năng, chỉ số IQ cao hay hoàn cảnh gia đình mà còn nhờ vào sự bền bỉ, biết cách đứng lên sau thất bại và không ngừng tiến bước".
Bài thuyết trình "Grit: The power of passion and perseverance" tại diễn đàn TED của Angela Duckworth mà tới nay đã thu hút gần 7 triệu lượt xem, Angela Duckworth chia sẻ rằng vào tuổi 27, cô đã bỏ một công việc cố vấn quản lý với một mức lương hấp dẫn để chuyển sang làm giáo viên dạy Toán. Trong quá trình dạy học cho các em lớp 7, cũng như bao nhiêu giáo viên khác, Angela Duckworth cho các em làm bài tập về nhà, bài kiểm tra…
Và sau một thời gian quan sát, cô nhận ra rằng hóa ra không phải những học sinh thông minh nhất có được thành tích cao nhất. Trong giáo dục, IQ là một trong những chỉ số quan trọng nhất để đo lường được sự thành công của một học sinh, nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Sau khi thực hiện nhiều cuộc kiểm tra đánh giá tại các lớp học này, cô nhận ra rằng những người tài năng nhất chưa chắc đã là kẻ chạm đến cái đích cuối cùng. Những người thành công đều có quyết tâm cao. Thứ nhất là họ kiên cường và chăm chỉ một cách khác thường. Hai là họ có định hướng và quyết tâm rõ ràng, mà Angela Duckworth gọi là "grit" (tính kiên định).
Grit có nghĩa là có khả năng chịu đựng hay "Ý chí kiên định". Grit gắn bó với tương lai, cuộc sống hằng ngày của chúng ta, Grit không chỉ dừng lại trong một vài tuần hay vài tháng mà nó là cả một quá trình dài. Và thuật ngữ này có ý nghĩa là mỗi chúng ta hãy làm việc chăm chỉ ngay từ hôm nay để có thể thành công trong tương lai.
"Nếu các bạn nghĩ rằng bạn cần khoảng 3 năm để thành công, thì hãy chuẩn bị cho khoảng 10 năm. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có khoảng 5 năm để thành công, hãy chuẩn bị cho khoảng 15 năm. Bạn nên có một sự chuẩn bị lâu dài và sự quyết tâm", tỷ phú Jack Ma cũng từng chia sẻ về ý chí kiên định với những sinh viên trẻ.
Ý chí kiên định còn đặc biệt có vai trò quan trọng trong bối cảnh khởi nghiệp kinh doanh. Theo ước tính của Shark Nguyễn Hòa Bình, mỗi năm thế giới có 50 triệu dự án startup công nghệ ra đời, ở Việt Nam là khoảng 1.000 dự án. Tuy nhiên, trong 3 năm đầu khởi nghiệp, có đến 92% trong số này sẽ thất bại và phải giải thể. Nếu người trẻ không có ý chí kiên định thì họ sẽ không thể thành công trên con đường chông gai này.