Bí mật về 'lò' đào tạo 15/19 Quán quân Olympia suốt 20 năm: Tuổi đời hơn 100 năm, lọt top 3% trường hàng đầu thế giới

AB, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 15:06 31/10/2019
Chia sẻ

Sau 19 năm phát sóng, chường trình Đường lên đỉnh Olympia đã tìm ra 19 gương mặt nhà vô địch, nhưng hiếm có ai biết rằng đã có đến 15/19 người theo học tại trường đại học Swinburne-Australia.

Ngay từ quán quân đầu tiên là chị Trần Ngọc Minh đã theo học ngôi trường này, liên tiếp các nhà vô địch sau đó như anh Võ Văn Dũng (Quán quân năm 4), anh Đỗ Lâm Hoàng (Năm 5) cho đến mới đây nhất là nhà vô địch Nguyễn Hoàng Cường (năm 18) đã theo học tại ngôi trường này.

Dẫu vậy, điều thú vị hơn là cả là 18/19 nhà vô địch đều đi du học tại Australia chứ không phải quốc gia nào khác. Thậm chí nhà vô địch năm 2019 là bạn Trần Thế Trung cũng nhận được phần thưởng 35.000 USD để du học Australia nhưng chưa quyết định.

Vậy tại sao các quán quân Olympia lại chọn Australia và Swinburn?

Bí mật về lò đào tạo 15/19 Quán quân Olympia suốt 20 năm: Tuổi đời hơn 100 năm, lọt top 3% trường hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

Trường đại học kỹ thuật Swinburn là một trường công lập tại thành phố Melbourne-Australia được thành lập vào năm 1908 bởi George Swinburn. Đại học Swinburn nằm trong top các trường công lập hàng đầu của Australia và là một lựa chọn không hề tồi cho những du học sinh Việt Nam.

Năm 2018, đại học Swinburn đứng thứ 65/250 trường đại học tốt nhất thế giới có tuổi đời không quá 100 năm theo bảng xếp hạng Young University Rankings. Năm 2019, Swinburn cũng được QS World University Rankings xếp hạng thuộc top 3% những ngôi trường hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, Swinburn chỉ là một trong số rất nhiều trường đại học được thừa hưởng nền giáo dục đặc biệt tại Australia. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia lại chọn xứ sở chuột túi làm điểm dừng chân cho con đường học thuật của mình.

Trên thực tế, hệ thống giáo dục Australia đã đóng góp 15 giải thưởng Nobel cho nhân loại. Hàng ngày có hơn 1 tỷ người trên toàn cầu sử dụng những thành tựu của các nhà khoa học đến từ Australia như thuốc penicillin, vaccine ngừa ung thư cổ tử cung, sóng siêu âm, sóng Wifi, thụ tinh trong ống nghiệm, hộp đen máy bay… Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi Australia có đến 7 trường đại học góp mặt trong 100 ngôi trường đại học hàng đầu thế giới.

Nếu xét về chi tiêu cho mỗi học sinh tại Australia, xứ sở chuột túi thuộc hàng chịu chi nhất trong các thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), bao gồm những nước giàu. Tổng chi tiêu cho giáo dục công và tư của Australia chiếm tới 5,6% GDP, cao hơn mức bình quân trong khối là 5,2% GDP.

Bên cạnh đó, chính phủ hàng năm cũng rót đến hơn 200 triệu USD ngân sách cho các chương trình học bổng, trao đổi sinh viên nhằm thu hút nhân tài về cho Australia. Ngày nay, ngành công nghiệp giáo dục là một trong những mảng kinh tế quan trọng nhất của Australia. Mỗi năm nước này thu về đến 18 tỷ USD tiền học phí và sinh hoạt phí của gần 500.000 du học sinh.

Bí mật về lò đào tạo 15/19 Quán quân Olympia suốt 20 năm: Tuổi đời hơn 100 năm, lọt top 3% trường hàng đầu thế giới - Ảnh 2.

Điều thú vị là dù mảng kinh doanh này khá béo bở nhưng Australia không có bất kỳ trường đại học mới nào được thành lập trong 21 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do chất lượng giáo dục cũng như kiểm tra của chính phủ với toàn ngành. Không phải ngẫu nhiên mà bằng cấp tại Australia lại được công nhận trên toàn thế giới.

Xin được nhắc lại rằng tổng dân số Australia chỉ vào khoảng 25,5 triệu người với gần 7,7 triệu km2, tương đương 3,3 người trên mỗi km2, nhưng chỉ có 43 trường đại học. Trong khi đó Việt Nam có 96,2 triệu người với chỉ 331.699 km2, tương đương gần 290 người/km2, nhưng lại có đến gần 700 trường đại học, cao đẳng, học viện.

Từ năm 2000, Australia đã ban hành Luật về Dịch vụ giáo dục dành cho học sinh quốc tế (ESOS) nhằm bảo vệ quá trình đăng ký nhập học cũng như nghĩa vụ của các trường với sinh viên quốc tế. Bộ luật này cũng đảm bảo du học sinh được nhận lại tiền học phí khi nhà trường không thể tiếp tục cung cấp khóa học nữa, nhằm tránh tình trạng "đem con bỏ chợ" nếu có bê bối xảy ra.

Ngoài ra, Australia còn thành lập Cơ quan quản lý chất lượng giáo dục và đào tạo nghề (ASQA) nhằm thanh tra, quản lý, đảm bảo chất lượng giáo dục trên toàn quốc. Họ có toàn quyền điều tra những khiếu nại từ các du học sinh với nhà trường, qua đó ban hành những quyết định xử phạt.

Chính sự gắt gao trong bảo đảm chất lượng học tập cũng như đầu tư mạnh tay từ chính phủ mà du học sinh quốc tế đánh giá khá cao nền giáo dục ở Australia. Các cuộc khảo sát cho thấy khoảng 87% số du học sinh cảm thấy hài lòng về trải nghiệm học tập ở đây.

Một yếu tố nữa khiến nền giáo dục Australia thu hút được nhiều nhân tài là sự tập trung cho phát triển nghiên cứu. Kể từ thành công khám phá ra thuốc kháng sinh Penicillin vào năm 1945, Australia đã đầu tư mạnh tay cho mảng nghiên cứu và học thuật. Khoảng 35 trung tâm nghiên cứu đặc biệt về giảng dạy đã được thành lập tại các trường đại học nhằm đảm bảo những nghiên cứu khoa học ở trình độ cao được nuôi dưỡng và phát triển.

Mỗi năm, Australia lại đổ hàng tỷ USD cho các công trình nghiên cứu, những tổ chức khoa học và giáo dục hàng đầu. Hiện nước này có khoảng 50.000 chuyên viên trong các tổ chức đào tạo sau đại học hay các cơ sở nghiên cứu phát triển (R&D).

Bên cạnh những ưu điểm về chuyên môn giáo dục, việc Australia có chất lượng sống cao, xã hội an toàn với tỷ lệ phạm tội thấp, luật kiểm soát súng nghiêm ngặt và một chế độ nhập cư phù hợp đã thu hút rất nhiều du học sinh, lao động, chuyên viên, trí thức đến sinh sống, học tập, làm việc ở đây. Việc thiếu lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao khiến Australia luôn chào đón và có những chính sách hỗ trợ hết mức cho các nhân tài từ nước khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày