Sáng 16/7, Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT của hơn 1 triệu thí sinh. Kết quả thi khiến nhiều người vỡ òa. Các thí sinh cần lưu ý những việc cần làm, những mốc thời gian quan trọng để không bị lỡ cơ hội đăng ký tuyển sinh vào trường Đại học mơ ước.
Nộp đơn phúc khảo từ 16 - 25/7
Đây là thời gian phúc khảo dành cho các thí sinh còn băn khoăn về kết quả thi tốt nghiệp THPT. Kết quả phúc khảo được trả muộn nhất vào ngày 9/8.
(1) Thời gian, địa điểm thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2025
- Thời gian: Từ ngày 16/7 đến hết ngày 25/7/2025.
- Địa điểm nộp đơn phúc khảo: Nơi đăng ký dự thi.
(2) Thí sinh nộp đơn đơn phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2025 theo mẫu
(3) Lưu ý phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2025
- Mốc thời gian tiến hành phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2025:
+ Chuyển dữ liệu phúc khảo cho Hội đồng thi: Hoàn thành chậm nhất ngày 26/7/2025;
+ Tổ chức phúc khảo bài thi: Hoàn thành chậm nhất ngày 03/8/2025;
+ Xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo: Chậm nhất ngày 08/8/2025;
+ Gửi danh sách thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT về Bộ GDĐT (qua Văn phòng Bộ): Chậm nhất ngày 15/8/2025.
- Bên cạnh đó, căn cứ khoản 1, 2 Điều 37 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT nêu rõ:
+ Mọi thí sinh đều có quyền được phúc khảo bài thi; thí sinh nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi.
+ Nơi thí sinh đăng ký dự thi nhận đơn phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh có đơn phúc khảo bài thi đến Hội đồng thi.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố và thông báo kết quả phúc khảo cho thí sinh
So sánh điểm xét điểm tốt nghiệp
Theo quy chế mới ban hành kèm theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT thì công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT sẽ chia đều tỷ trọng 50-50 cho điểm thi tốt nghiệp và kết quả học tập của cả ba năm cấp 3.
Cụ thể, điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 3 thành phần:
(1) Điểm các môn thi thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT được quy về thang điểm 10 để tính điểm xét tốt nghiệp;
(2) Điểm trung bình các năm học THPT. Trong điểm trung bình các năm học, kết quả học tập lớp 10 được tính hệ số 1, kết quả học tập lớp 11 tính hệ số 2, kết quả học tập lớp 12 tính hệ số 3.
Theo đó, điểm trung bình các năm học ở cấp THPT (ĐTB các năm học) được tính theo công thức dưới đây:
Trong đó, điểm trung bình lớp 10, điểm trung bình lớp 11, điểm trung bình lớp 12 là điểm trung bình cộng của tất cả các môn học được đánh giá bằng điểm số của từng năm học đó.
Điểm trung bình từng năm học và điểm trung bình các năm học được làm tròn đến 2 (hai) chữ số thập phân.
(3) Điểm ưu tiên và điểm khuyến khích (nếu có).
- Công thức xét công nhận tốt nghiệp
- Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy tính tự động thực hiện.
- Đối với thí sinh học theo Chương trình GDPT/GDTX mà trên học bạ có tính điểm trung bình từng năm học thì được sử dụng điểm này để thay thế cho việc tính điểm trung bình các môn học tại điểm (2).
- Điểm trung bình các năm học chỉ tính trên những năm học mà thí sinh học theo Chương trình GDPT/GDTX của Việt Nam.
Nếu điểm xét tốt nghiệp theo công thức trên từ 5 trở lên, học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT.
Đăng ký nguyện vọng trường đại học từ 16/7 đến 28/7
Những thí sinh muốn vào đại học sẽ đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ, từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7. Các em được điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng không giới hạn số lần trong khoảng thời gian nói trên.
Sau khi hết hạn, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ ngày 29/7 đến 17h ngày 5/8. Sau đó, Bộ và các trường đại học xử lý nguyện vọng xét tuyển (lọc ảo), từ ngày 16/8 đến 17h ngày 20/8.
Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trên hệ thống, chậm nhất đến 17h30 ngày 30/8. Bộ yêu cầu các trường không được tổ chức nhập học trước ngày 22/8. Các đợt xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 1/9 đến hết năm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra vào ngày 26-27/6 với hơn 1,16 triệu thí sinh tham dự, tăng gần 100.000 so với năm ngoái. Đây là 1 kỳ thi đặc biệt khi có 2 bộ đề thi dành cho 2 nhóm đối tượng theo 2 chương trình khác nhau: gần 1,14 triệu thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) và hơn 26.700 theo chương trình cũ (2006).
Đây cũng là kỳ thi có số lượng môn thi kỷ lục với 14 môn thi, trong đó chương trình 2006 có 9 môn thi, chương trình 2018 có 13 môn thi.
Thí sinh theo chương trình mới làm bài hai môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, cùng hai môn tự chọn trong các môn: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (Nông nghiệp, Công nghiệp), Ngoại ngữ (7 thứ tiếng).
Thí sinh theo chương trình cũ làm bài Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ cùng bài tự chọn Khoa học tự nhiên (Hóa học, Vật lý, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Tổng hợp