Vợ chuyển dạ, chồng bị tai nạn giao thông
Tròn 2 tháng trôi qua kể từ ngày đứa con út cất tiếng khóc chào đời cũng là chừng ấy thời gian chị Hoàng Thị Lộc (34 tuổi, ngụ xóm 10, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) phải sống trong đau khổ, lo lắng khi chồng gặp tai nạn giao thông, chấn thương sọ não, phải sống đời thực vật. Chưa kịp vui mừng đón chào thêm thành viên mới thì tai họa đã ập đến khiến gia đình người phụ nữ bất hạnh này lâm vào cảnh khốn cùng.
Anh Thiện gặp tai nạn giao thông khi vợ đang chuyển dạ sinh con.
Tay ôm đứa con nhỏ, đôi mắt nhòa lệ của chị Lộc hướng về 3 đứa con lớn đang ngồi vây quanh vui đùa, nhem nhuốc. Thỉnh thoảng tim chị thắt lại khi nghe đàn con hỏi "Bố đâu, sao bố đi mãi không chịu về vậy mẹ? Con nhớ bố lắm. Mẹ dẫn con đi tìm bố đi"...
Chị Lộc bên 4 đứa con thơ của mình.
Vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 6/8/2018, đang đi làm thì anh Vũ Đức Thiện (35 tuổi, chồng chị Lộc) nghe tin vợ chuyển dạ, đã được người thân đưa đi bệnh viện chờ sinh nở. Anh liền xin nghỉ việc về túc trực bên vợ.
Đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường thì không may bị một chiếc xe chạy ngược chiều tông phải. Cú tông mạnh khiến anh Thiện ngã xuống đường. Đầu anh đập mạnh vào đường bê tông, chiếc mũ bảo hiểm vỡ tan tành. Anh Thiện nằm bất động trong vũng máu.
Ngày anh Thiện gặp nạn, đứa con lớn 9 tuổi, đứa nhỏ vừa chào đời
"Lúc tôi đang chuyển dạ thì như sét đánh ngang tai khi nhận được điện thoại báo tin chồng bị tai nạn giao thông, đang được chuyển gấp ra Hà Nội vì chấn thương sọ não, nguy kịch tính mạng. Dù đã vỡ ối tôi vẫn đòi đi gặp chồng nhưng mọi người cản lại, động viên. Một mình tôi vượt cạn trong đau đớn, chỉ mong ông trời thương xót cho chồng cơ hội được sống để cho đàn con tôi không phải sống cảnh mồ côi cha", chị Lộc chia sẻ trong nước mắt.
Đã hai tháng trôi qua kể từ ngày con trai anh Thiện chào đời đến nay vẫn chưa được gặp mặt cha.
Anh Thiện bị chấn thương thương sọ não, phải sống thực vật
Cũng từ đó, anh Thiện phải sống thực vật, vô thức. Sự sống của anh phụ thuộc vào ống thông dẫn thức ăn qua thực quản và thuốc.
Tương lai mịt mù của 4 đứa con thơ
Kinh tế gia đình chị Lộc phụ thuộc vào 2 sào ruộng. Để có tiền trang trải cuộc sống, dù sức khỏe yếu nhưng anh Thiện vẫn phải gắn bó với nghề bốc vác vật liệu xây dựng thuê. Ngày nào may mắn bốc được hàng nhiều thì anh cũng nhận được 200 nghìn tiền công, ngày ít hàng thì chỉ dăm chục nghìn, có hôm chẳng được đồng nào.
Từ ngày chồng gặp nạn một mình chị Lộc gánh nặng 4 đứa con thơ cùng khoản nợ hàng trăm triệu đồng đã vay mượn để chữa trị cho chồng
Đàn con còn nhỏ dại (đứa lớn nhất 9 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi) nên chị Lộc chẳng làm được gì ngoài chăm sóc con, ruộng đồng, chăn nuôi thêm con gà con vịt quanh nhà.
Hơn một năm trước, chắt góp được chút tiền, vợ chồng chị vay mượn thêm, xây căn nhà cấp 4 trị giá 150 triệu đồng thay thế căn nhà cũ nát của cha mẹ để lại.
Anh Thiện gặp nạn để lại cho chị Lộc gánh nặng 4 đứa con thơ cùng hàng trăm triệu đồng đã vay mượn trước đó để trang trải viện phí, chạy chữa cho chồng. Sau một thời gian nằm điều trị ở Hà Nội, không còn khả năng vay mượn tiếp, gia đình đành gạt nước mắt, xin cho anh về bệnh viện tuyến huyện để cầm chừng sự sống.
"Nếu chồng có mệnh hệ gì thì mẹ con tôi biết sống thế nào đây? Đàn con tôi còn quá nhỏ dại", chị Lộc đau đớn.
"Bên người gây tai nạn họ đền bù cho gia đình tôi 30 triệu đồng. Nhà họ cũng nghèo khó như gia đình tôi, tài sản chỉ có vài bao tải lúa, tôi lấy sao đành", chị Lộc thở dài.
Hàng ngày chị vừa chăm sóc đàn con vừa tranh thủ đạp xe vào viện thăm chồng. Nhìn đàn con thơ nheo nhóc suốt hai tháng nay ăn cơm chan nước mắm, nhìn chồng ngày càng héo úa trong bệnh viện rồi nghĩ đến số tiền nợ hàng trăm triệu đồng, chị như muốn gục ngã vì không biết bấu víu vào đâu.
"Tôi chẳng còn biết dựa vào đâu để tiếp tục viện phí cho chồng chữa trị. Chỉ mong chồng sớm tai qua nạn khỏi để cùng tôi chèo chống cuộc sống, nuôi con. Nếu anh ấy có mệnh hệ gì thì mẹ con tôi biết sống như thế nào đây? Đàn con tôi còn quá nhỏ dại", chị Lộc đau đớn.