Bi kịch của người phụ nữ "chân voi", da lột như da rắn: Một vết loét phá hủy cả đời người

Lê Liên, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 12:09 05/03/2022

Làm bạn với bàn chân voi đã qua 2 thập kỷ, người phụ nữ ở tuổi tứ tuần lắc đầu ngán ngẩm: "Khóc cũng thế mà cười cũng vậy cô ạ".

Một vết xước thay đổi vận mệnh cuộc đời

Bỗng một ngày nọ, ở tuổi 15, cô thiếu nữ Phạm Thị Tỉnh (43 tuổi, ở xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) trong một lần đi xe đạp bị ngã, mắt cá nhân chị Tỉnh xuất hiện vết rách nhỏ. Cứ nghĩ vết xước ấy vài hôm là khỏi, nên hàng ngày chị vẫn đi lội bùn, làm ruộng và làm những công việc hàng ngày.

Chị kể, chỉ khoảng nửa tháng sau, vết xước lành da, trên vết thương đó xuất hiện vết thâm đen. Sau đó chị bắt đầu bị sốt, chân sưng đỏ bất thường, chân to dần rồi lở loét, da lột từng mảng. "Gia đình vội đưa tôi đi bệnh viện huyện khám, nhưng các bác sĩ không xác định được nguyên nhân. Nhà nghèo cơm ăn 2 bữa còn khó thì tiền để khám chữa bệnh lấy đâu ra, tôi cứ tặc lưỡi kệ, đến đâu thì đến. Tôi sống chung với đôi chân ấy đến năm 2016 mới ra Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương để khám. Bác sĩ kết luận tôi mắc phải căn bệnh giun chỉ phù voi. Lúc này bệnh để lâu nên khá nặng rồi, việc chữa rất khó và tốn kém. Bác sĩ chỉ định nên mua thuốc điều trị cầm chừng", chị nói.

Sờ sờ vào đôi chân to đoành, sần sùi như da rắn, chị cười xòa bảo: "Nó to như cái cột đình ý mà". Hai chân của chị Tỉnh chu vi đến 70 cm, bắp chân to gấp 3 phần đùi, phần cổ chân tạo thành 3 ngấn, xù xì khô cứng, lấm chấm những mảng thâm đen. Các ngón chân dính chặt. Cứ trái gió trở trời, hoặc tháng nào không đủ tiền mua thuốc, chân chị lại đau nhức không đi nổi. Nhiều khi phải lê lết trong nhà chứ không thể di chuyển được.

Từ ngày mắc căn bệnh lạ, từ một cô thiếu nữ hoạt bát, nhanh nhẹn, chị Tỉnh dần thu mình, tự ti hơn. Chị chỉ quanh quẩn trong góc nhà, ngày ngày ra đồng làm ruộng, nuôi gà vịt cho qua ngày. Nhiều người trong làng thường trêu ghẹo chị là “đồ chân voi”, thậm chí có người ác miệng nói chị bị bệnh hủi, rồi xa lánh không đến gần. "Ban đầu tôi tủi thân, khóc như mưa, vừa đi vừa khóc, nhưng sau tôi mặc kệ, họ trêu mãi họ cũng chán", chị chép miệng.

Ngày ngày sống cùng đôi chân to phù, khi trái gió trở trời hay lội ruộng thì nó lại mẩn đỏ, sưng to hơn, nhiều khi đôi chân khiến chị phát sốt. Việc đi viện với chị như cơm bữa, nhanh thì lên lấy thuốc rồi về, lâu thì mười ngày, nửa tháng. Từ viện huyện đến viện tỉnh, các bác sĩ đều "nhẵn mặt" chị.

Bi kịch của người phụ nữ chân voi, da lột như da rắn: Một vết loét phá hủy cả đời người - Ảnh 1.

Làm “bạn” với đôi chân khổng lồ hơn 20 năm, đến nay chị Tỉnh đã quá quen thuộc với nó (Ảnh: NVCC)

Căn bệnh phá hủy một đời người

Từ ngày làm “bạn” với đôi chân khổng lồ, sức khỏe chị Tỉnh yếu hẳn đi, dần dần chị không thể làm ruộng được nữa. Chị chuyển qua nhặt tâm sen, xoáy long nhãn kiếm sống qua ngày. Tưởng rằng cứ ở vậy cho đến già nhưng năm 28 tuổi, chị được người làng dắt mối cho anh Nguyễn Văn Tiến (người làng bên). Hai anh chị cùng cảnh nghèo, bố mẹ chồng chị mất cả. Lấy nhau về, anh chị ở trong căn nhà cấp 4 chừng hơn 20m2 dột nát của bố mẹ chồng để lại. Chồng chị cũng yếu nên chỉ làm việc nhẹ gần nhà.

Hai vợ chồng cứ thế nương tựa nhau mà sống, rồi lần lượt chị Tỉnh sinh được 2 bé gái xinh xắn. Năm 2009 bé đầu chào đời, 3 năm sau chị mang thai bé thứ 2. Cuộc sống chẳng dễ dàng khi chỉ cách hơn 10 ngày sinh bé thứ 2 thì chồng chị đột ngột qua đời.

Bi kịch của người phụ nữ chân voi, da lột như da rắn: Một vết loét phá hủy cả đời người - Ảnh 2.

Cuộc sống của ba mẹ con cứ thế bám trụ vào nhau sống qua ngày

"Trước hôm mất, hai vợ chồng tôi còn chuẩn bị đồ cho con, hôm sau tôi nhận được tin chồng đột ngột qua đời. Gần 2 tuần sau tôi chuyển dạ, trong túi vẻn vẹn 800.000 đồng. Tôi tự bắt xe đi sinh rồi lại lủi thủi về nhà, vừa chăm con vừa cúng cơm chồng. Có nhiều hôm, tay ôm bát cơm cúng chồng, một tay quệt 2 hàng nước mắt cứ chảy dài. Cuộc sống khi ấy rất tối tăm và như địa ngục", chị Tỉnh tâm sự.

Những tưởng, chừng ấy chuyện đã quá đủ với người đàn bà bệnh tật, góa chồng, chỉ 3 tuần sau khi sinh bé gái thứ 2, bệnh chị Tỉnh lại phát tác, chân đau không thể đi nổi, nó sưng tấy khiến chị phát sốt lì bì như những ngày đầu phát bệnh.

"Đau quá tôi chẳng đi nổi, lê lết trong nhà rồi lại một mình bắt xe ôm lên viện nhờ bác sĩ tiêm và chích mủ ở chân ra mới đỡ. Nằm hơn 10 ngày, 2 đứa con thì lại nhờ hàng xóm trông giúp. Thời gian ấy quá kinh khủng, nhiều lúc tôi muốn kết liễu đời mình cho rồi. Sinh đứa thứ 2 xong, hàng xóm khuyên tôi nên cho đi vì sợ tôi không nuôi nổi. Tôi đồng ý rồi, thế nhưng hôm người ta đến thì tôi không chịu được cảnh cho con, tôi quyết định giữ con lại, mẹ con rau cháo nuôi nhau, có gì ăn nấy", chị Tỉnh kể.

Để nuôi 2 đứa, chị Tỉnh cố gắng nhờ mẹ đẻ làm giúp việc đồng áng, nhưng cũng chỉ một năm sau bà qua đời, chị đành bỏ hoang. Chị Tỉnh nhận thêm việc gấp đôi, gấp 3 lúc trước. Ngày ngủ chỉ 3 - 4 tiếng.

"Tôi chẳng đi được xa, nhiều lắm chỉ 1 - 2km là chân lại nhức, nên chỉ nhận sen, nhãn về bóc. Ngày ít thì 20.000 đồng, ngày nhiều thì được hơn một chút mua rau, mua gạo qua bữa. Nhà tôi thuộc hộ nghèo, thêm tàn tật nên nhận thêm 700.000 đồng hỗ trợ của Nhà nước. Bữa cơm có miếng đậu, lá rau hàng xóm bán rẻ cho là vui", chị Tỉnh kể.

Bi kịch của người phụ nữ chân voi, da lột như da rắn: Một vết loét phá hủy cả đời người - Ảnh 3.

Ngôi nhà lụp xụp, dột nát phải phủ bạt cuối năm 2019, được các mạnh thường quân giúp đỡ sửa sang thành ngôi nhà mái đỏ kiên cố hơn

Lớn lên trong thiếu thốn, giờ đây 2 đứa con gái của chị cũng đã lớn, biết mẹ bệnh nên thường xuyên giúp đỡ mẹ việc nhà và cùng mẹ bóc long nhãn, bóc sen. Việc học hành của cả 2 chị em, chị cũng không phải nhắc, năm nào, cả 2 cũng được giấy khen. Hai năm nay dịch bệnh, phải học online, 2 chị em được họ hàng cho chiếc điện thoại thông minh, 2 chị em luân phiên sử dụng. Mấy tháng sau, bé lớn được trường tài trợ máy tính nên 2 chị em được học các môn đều đặn.

Nhìn các con lớn lên từng ngày, chị Tỉnh ước bản thân còn sức khỏe để nhìn thấy con trưởng thành, còn sức khỏe để làm chỗ dựa cho 2 con.

Hiện tại, tiền thuốc thang, tiền học cho 2 con và chi phí sinh hoạt hàng tháng của gia đình chị Tỉnh phụ thuốc vào tiền trợ cấp và vài chục nghìn tiền công bóc hạt sen mỗi ngày.

Mọi sự đóng góp cho gia đình chị Tỉnh, mong quý độc giả gửi về STK: 108873637984; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank); Chủ STK: Phạm Thị Tỉnh.

Số điện thoại chị Tỉnh: 0326983478.

https://soha.vn/nguoi-phu-nu-co-ban-chan-voi-da-lot-nhu-da-ran-co-nhung-ngay-phai-bo-let-trong-nha-20220303131001518.htm
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày