* Hạ Phương (20 tuổi, ở Tân Cương, Trung Quốc) kể lại câu chuyện của chính mình vào 10 năm trước. Lúc này, cô bé ở cùng với bố và mẹ kế, bị đối xử ghẻ lạnh. Hiện tại, Hạ Phương đã ở cùng mẹ đẻ ở một thành phố khác. Bài đăng được cô chia sẻ trên Weibo cá nhân đang thu về lượng tương tác cao. Điều gây chú ý là nhiều người cũng chia sẻ đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi còn bé. Điều này vô tình để lại vết thương tâm lý rất lớn.
Nhà tôi ở một huyện nhỏ của Thâm Quyến, Trung Quốc. Năm lên 8 tuổi, bố mẹ tôi ly hôn sau một trận cãi vã căng thẳng vì… ngoại tình. Bố có người phụ nữ khác và cô ta thậm chí đã có bầu. Thế rồi, vào một ngày đầu đông buốt giá, mẹ mang theo em trai rời nhà đi.
Tôi ở lại với bố. Lúc đi, mẹ vẫn xoa đầu tôi, khóc giàn giụa và dặn dò nếu thấy thiệt thòi, khó khăn thì mách với mẹ ngay. Mẹ đã dặn hàng xóm cho tôi gọi nhờ cho mẹ khi cần. Lúc đó, tôi 8 tuổi, chưa có điện thoại riêng và bố thì chẳng còn muốn giữ liên lạc với mẹ sau khi “đường ai nấy đi”.
Hạ Phương cho biết mẹ kế rất không ưa cô, thường xuyên làm khó dễ. Ảnh minh họa.
Không đợi đến ngày hôm sau, buổi chiều hôm đó, mẹ kế đã dọn đến nhà tôi ở. Bà ta trẻ trung, xinh đẹp và rất ăn diện. Bà ấy không đi làm, bố tôi cũng không ép bởi gia đình tôi cũng có điều kiện kinh tế.
Tôi không thích người mẹ kế này, vì bà ta mà tôi không được ở với mẹ. Khi ở cùng, tôi càng căm hận bà ta hơn, bà ấy thường xuyên la mắng, bắt tôi làm việc nhà khi không có bà nội hay bố ở nhà. Bà ấy còn cố tình bịa chuyện để nói xấu tôi trước mặt bố. Nhưng, tôi nhịn tất. Tôi không muốn mẹ mình phải lo lắng. Tôi cũng là đứa lành tính, ngoan ngoãn từ nhỏ nữa.
Cho đến một hôm, con giun xéo mãi cũng quằn là có thật. Tôi nhớ như in ngày hôm đó, dù cho 10 hay 20 năm nữa trôi qua. Tôi đau đớn và tuyệt vọng đến cùng cực như thế nào. Như thường lệ, 5h chiều tôi đi học về đến nhà, vừa mở cửa bước vào phòng khách, mẹ kế đã cho tôi một bạt tai như trời giáng.
Bà ấy hỏi tôi đã lấy chiếc nhẫn vàng 3 chỉ cất đi đâu. Bà ấy liên tục bảo tôi, chỉ có tôi ở nhà này thấy vàng, lấy vàng của bà ấy. Đó là chiếc nhẫn bà ấy rất yêu thích, tuy đã cũ và bà ấy đang định đem đi làm mới lại. Bà ấy nói rằng tôi xấu tính, lấy cắp con không chịu nhận. Mặc cho tôi van xin, chối bao nhiêu thì bà ấy càng chì chiết bấy nhiêu. Thấy bà nội và bố tôi về, bà ấy còn bịa ra chuyện tôi lấy 3 chỉ vàng đem đi bán, đưa tiền cho mẹ. Mẹ kế bảo đã tìm khắp nơi nhưng không thấy và quả quyết là tôi lấy. Trong nhà lúc đó cũng chẳng có camera để làm chứng cho tôi.
Cuối cùng, bà ấy bắt tôi cởi áo ngoài ra để kiểm tra, tất chân xem có cất ở trong không. Bởi, bà ấy đã tìm khắp nhà, khắp phòng và cả cặp sách của tôi nhưng không có. “Nếu mày bảo mày không đi bán, không đem cho mẹ mày thì chỉ có một nơi thôi. Mày đang cất trong người đúng không. Mày chờ đến cuối tuần mẹ mày đến thăm rồi đưa cho mẹ mày đúng không”, lời mẹ kế đay nghiến tôi.
Cô bé 10 tuổi khi đó đã có những ngày buồn tủi đến cùng cực khi không ai tin mình. Ảnh minh họa.
Nhưng điều khiến tôi đau đớn hơn là cả bố và bà nội đều không tin tôi vô tôi. Cả hai đều nói nếu tôi không lấy thì cởi đồ ra để mẹ kế kiểm tra, chứng minh trong sạch luôn. Hồi đó, chiếc nhẫn của mẹ kế là 3 chỉ vàng có giá 3 nghìn NDT (khoảng 10 triệu đồng). Vì từng đó tiền, tuy nói to thì không hẳn nhưng nhỏ thì cũng chẳng đành mà họ, bao nhiêu con người dồn lại ức hiếp một cô bé chỉ mới 10 tuổi.
Tôi khóc mà toàn thân run lên vẫn không quên giãy giụa để chạy trốn khỏi bàn tay hung ác của bà ấy và cả một cái nhà không có ai tin mình. Tôi chạy một mạch ra đầu làng. Tại đây, tôi gọi điện thoại nói mẹ đến đón mình. Mẹ tôi nghe tin thì lên ngay lập tức.
Bà ấy đưa tôi lại nhà bố, thẳng thừng tuyên bố: “Nếu anh không nuôi được, con tôi đẻ, tôi nuôi”. Nói xong, mẹ quay sang chỉ thẳng mặt mẹ kế: “Cô có bằng chứng con tôi lấy trộm nhẫn không. Tôi nuôi nó là người lương thiện, không tệ như cô. Nếu có, mời cảnh sát đến đi. Chúng tôi về”.
Ngày hôm đó, mẹ như siêu nhân của cuộc đời tôi.
Tuy đã “dằn mặt” như thế, song mẹ kế vẫn chẳng buông tha. Bà ấy đi loan tin khắp xóm, bảo tôi lấy trộm nhẫn xong xuôi cùng mẹ ruột bỏ đi. Nói nhiều đến nỗi thông tin đồn cả sang làng của tôi. Mẹ tôi không nói nhưng bà ấy rất buồn, bà ấy vẫn tin tôi nhưng không biết làm cách nào minh oan nổi cho tôi.
5 ngày sau, “phép màu” đã xảy đến. Tôi được giải oan nhờ ông chủ tiệm vàng. Ông này ở huyện khác, xong cũng vô tình nghe được câu chuyện “đứa con của chồng ăn trộm vàng của mẹ kế rồi cùng mẹ đẻ bỏ đi”.
Ông ấy biết danh tính gia đình đó là mẹ kế của tôi thì liền gọi điện ngay cho bà ấy hỏi chuyện. Hóa ra, mẹ kế đã mang cả chiếc nhẫn đó bỏ lẫn trong túi vàng, gồm lắc tay, dây chuyền mang ra tiệm nhờ ông chủ này sửa lại. Vì không nhớ nên tưởng mất và đổ lỗi cho tôi. Để chắc chắn hơn, nghe nói ông chủ tiệm ấy còn đích thân mang vàng đến, minh oan cho tôi.
Lúc này, mẹ kế mới hối hận. Cả bố và bà đều biết chuyện nên đã gọi điện cho mẹ tôi, nói muốn hẹn gặp tôi để xin lỗi. Không hiểu sao mà khi biết tin mình được minh oan, tôi khóc còn nhiều hơn lúc bị đổ lỗi.
Mẹ tôi, nắm tay tôi đến nhà bố. Bà ấy nói rằng bà ấy và tôi không muốn nhận lời xin lỗi này, song muốn mẹ kế phải đăng bài đính chính trên mạng xã hội, phát loa thông báo trong xóm rằng tôi trong sạch, minh oan cho tôi. Đồng thời, mẹ kế cũng phải xin lỗi tôi. Bố và bà nội lúc này cũng khóc và xin lỗi. Họ còn hứa sẽ đối xử tốt với tôi. Song, mẹ tôi kiên quyết bảo tôi sẽ dọn đi, quyết định sẽ nuôi tôi dù bà ấy cũng chẳng giàu có gì.
Thế rồi, tôi xếp đồ, chuyển hẳn về ở với mẹ. Tôi vui lắm, vừa được minh oan lại được ở cùng mẹ.
Cô bé nhớ mãi lần bị vu oan, trở thành vết thương tâm lý suốt đời. Ảnh minh họa.
Xong thú thật, chuyện tôi bị vu oan lấy cắp nhẫn vẫn trở thành vết sẹo tâm lý lớn trong lòng tôi. Đến nay đã 10 năm, tôi 20 tuổi, học năm thứ 2 đại học rồi nhưng mỗi lần bản tin truyền thông nhắc đến các vụ ăn trộm, ăn cắp, đặc biệt là vàng thì tim tôi vẫn hẫng đi một nhịp. Tôi sợ mình bị vu oan nên luôn cẩn thận.
Tôi cũng không còn thân thiết với bố, bà nội và mẹ kế thì càng không. Dịp Tết, tôi ghé chơi chúc Tết 1 lần, đưa quà rồi đi luôn. Tôi cảm thấy khó thở khi về căn nhà đó, nghĩ đến cảnh tôi bị vu oan ra sao. Bây giờ, nhiều người trong xóm lớn tuổi gặp tôi vẫn vô tư nhắc về chuyện năm xưa nhưng điều đó làm tôi khó chịu vô cùng.
Thông qua câu chuyện lần này, tôi cũng muốn nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh và cũng lên tiếng để bênh vực những ai đã, đang trong hoàn cảnh như mình. Thật sự, tôi đã tổn thương vô cùng và có lẽ vết thương đó sẽ chẳng thể nào lành lại được. May mắn là tôi có mẹ yêu thương. May mắn ông chủ tiệm vàng lúc đó cũng đã minh oan cho tôi. Chứ không, tôi không biết sự việc này sẽ đi xa đến mức nào nữa. Cha mẹ ly hôn, xin đừng khiến con cái bị tổn thương!
Nguồn: Weibo.