Sau 6 năm hoạt động, BTS đã thay đổi khá nhiều từ hình tượng cho đến dòng nhạc. Sự lột xác của họ không khỏi gánh cái nhìn tiêu cực, cho rằng nhóm đã "mất chất", không còn giữ được gốc rễ ngày xưa. Thế nhưng nhìn sâu hơn vào hành trình của BTS, có thể thấy rằng dù 7 chàng trai có thể thay đổi để phù hợp xu hướng chung nhưng họ chưa từng đánh mất mình.
Vào thời gian đầu debut, BTS chọn cho mình hình tượng những thiếu niên "ngổ ngáo", dòng nhạc tập trung lên án một xã hội đầy rẫy những điều sai trái, bất công, hay thậm chí nói về những vấn nạn học đường nhức nhối. Điều này khiến BTS khác biệt với nhiều nhóm nhạc cùng thời, tuy nhiên là không đủ để giúp cho BTS nổi bật trong một thị trường Kpop đã bão hoà.
BTS thời mới ra mắt
Lúc bấy giờ, không mấy ai quan tâm đến chất lượng âm nhạc của BTS. Công chúng cho rằng các chàng trai đang quá ngạo mạn và ngông cuồng khi… dám chỉ ra những mặt tối của xã hội. Họ chăm chăm công kích những thứ ngoài lề khác như ngoại hình, trang phục hay thậm chí cái tên "Chống Đạn Thiếu Niên Đoàn" của 7 chàng trai.
Khép lại giấc mơ bay xa cùng với hình tượng Hip Hop ban đầu, BTS đã chọn cách tiếp cận công chúng gần gũi hơn khi nói về tuổi thanh xuân – quãng thời gian đẹp nhất đời người qua chuỗi album "The Most Beautiful Moment in Life" (Hoa Dạng Niên Hoa). Hình ảnh của BTS thay đổi, không còn là những cậu trai ngổ ngáo. Âm nhạc nhóm cũng được đánh giá là hiền hòa hơn, pha trộn nhiều thể loại chứ không thuần túy Hip Hop như xưa.
Hình ảnh và âm nhạc của BTS có phần "hiền" hơn thuở trước
Dù vậy, nhóm vẫn kiên định với mục tiêu ban đầu khi tập trung phản ảnh góc khuất, nỗi đau tuổi trẻ. Cũng nhờ album này mà 7 chàng trai đã "phất" lên và được biết đến rộng rãi hơn.
Tuy không phải ai cũng thích hình ảnh mới của BTS nhưng đây chưa phải "cú lột xác" làm họ bị chê là rũ bỏ gốc rễ ban đầu để theo dòng nhạc thị trường. Từ ca khúc "Blood, Sweat & Tears", 7 chàng trai nắm bắt nhanh chóng xu hướng moombahton, mang âm hưởng trap – xu hướng thịnh hành trên thế giới vào thời điểm đó. Cũng từ đây, công chúng khó có thể bắt gặp một chút thuần Hip Hop nào trong sản phẩm của BTS nữa.
"Blood, Sweat & Tears" đánh dấu sự thay đổi lớn trong âm nhạc và phong cách của BTS
Tất cả những sản phẩm sau này của BTS đều có cài cắm yếu tố nhạc điện tử đang thịnh hành toàn cầu hiện nay, thậm chí sử dụng đến những phần mềm autotune như DNA, Fake Love hay IDOL. Về phần lời bài hát, có vẻ như nhóm cũng không còn đặt nặng những thông điệp trong ca khúc chủ đề như đã từng làm.
Những điều này đủ để dấy lên trong lòng công chúng một câu hỏi: Phải chăng, để sản phẩm dễ được tiếp nhận hơn, BTS đã đi theo xu hướng thị trường và đánh mất những gì thuộc về "ban đầu"?
Ngày 12 tháng 4 vừa rồi, BTS chính thức quay trở lại với album "Map of the Soul: Persona". Với những thành tích khủng mà nhóm đạt được trong một khoảng thời gian quá ngắn như vậy, thật không ngoa khi nói rằng BTS chính là nhóm nhạc nam hàng đầu hiện tại. Nhưng ngoài những giá trị toàn cầu ấy, nhóm đã khiến cả thế giới phải nhìn về những gì mình đã theo đuổi từ ban đầu.
Trong album mới, BTS tích cực lồng ghép các chi tiết từng xuất hiện trong sản phẩm âm nhạc cũ, điển hình là album "'Skool Luv Affair" (2014). Chẳng hạn, comeback trailer "Persona" sử dụng lại y hệt beat cũng như phần mở đầu của intro cũ cách đây 5 năm.
Intro "Skool Luv Affair" (2014) và "Persona" (2019)
Trên tấm bảng trong một phân cảnh của trailer "Persona" của trưởng nhóm RM, cũng xuất hiện lyrics của "Intro: Skool Luv Affair.
Lời bài hát "Intro: Skool Luv Affair" (2014) xuất hiện trong comeback trailer mới nhất của BTS
Mặt khác Tiêu đề Tiếng Anh của bài bát chủ đề cho album lần này là "Boy With Luv". Có thể dễ dàng nhận thấy, có một sự liên kết trong tiêu đề "Boy In Luv" - ca khúc chủ đề album "Skool Luv Affair". Ngoài ra còn có sự tương đồng giữa động tác kết màn của cả hai bài.
Động tác kết thúc của "Boy in Luv" (trên) và "Boy with Luv"
Có một điểm "dở khóc dở cười" khác là trang phê bình âm nhạc uy tín Pitchfork đánh giá "Map of the Soul: Persona" đạt 6.1 điểm – thấp hơn số điểm họ từng dành cho "Love Yourself: Tear" (7.1) với lí do "dành quá nhiều thời gian dựa dẫm vào quá khứ". Nếu quên gốc rễ, "mất chất" thì tại sao BTS lại nhận được lời phê bình này?
Pitchfork cho rằng BTS đã quá lưu luyến quá khứ trong album mới
Không nói đến album mới nhất, tất cả những sản phẩm âm nhạc trong giai đoạn 2016 – 2018 của BTS dù có thay đổi về dòng nhạc, bài chủ đề nội dung đơn giản để phù hợp thị hiếu công chúng hơn nhưng nhóm chưa bao giờ quên lồng ghép thông điệp tích cực, cổ vũ con người sống lạc quan, vượt qua nghịch cảnh. Làm sao ta có thể quên chuỗi album "Love Yourself" khuyến khích yêu thương chính bản thân?
Hay mới đây nhất, "Map of the Soul: Persona" cũng là lời hồi đáp dành cho những người hâm mộ thân yêu luôn đồng hành cùng họ qua bao khó khăn trong quá khứ. Có không ít những thần tượng sau khi nổi tiếng đã quên đi những người đã sát cánh cùng mình từ những ngày đầu tiên nhưng BTS thì không hề như vậy. Jungkook đã từng nói: "Mình không muốn ARMY nghĩ rằng nhóm càng nổi tiếng sẽ càng xa cách fan. Sự nổi tiếng chính là bàn đạp để chúng mình có thể đến gần mọi người hơn nữa."
Có thể nói rằng dù luôn đa dạng và đổi mới concept, BTS cũng chưa bao giờ đi chệch khỏi mục tiêu. Chính họ đã tự trả lời cho câu hỏi, liệu có phải BTS đã "mất chất"?
BTS đã hoàn toàn phủ nhận điều này, bởi lẽ không đúng khi nói họ đã đánh mất giá trị ban đầu của mình, mà họ chỉ đang chờ đợi cho thời cơ chín muồi mà thôi. Và ngay khoảnh khắc đó, 7 chàng trai khiến cho cả thế giới phải công nhận những giá trị ấy, thứ mà ở thời điểm ra mắt họ đã không làm được chỉ vì những định kiến từ đám đông. Trưởng nhóm RM mới đây đã khẳng định: "Chúng tôi không muốn thay đổi bản sắc." Suy cho cùng, BTS vẫn là 7 chàng trai thuở nào, cất cao tiếng hát vì lòng đam mê chứ không phải vì những lời ca tụng hay hào quang, như câu từ mà họ vẫn đang hát: "Tôi là ai? Tôi vẫn là chính mình thôi!"