Leonardo da Vinci - một thiên tài, triết gia kiệt xuất, và cũng là tài năng hội họa hiếm có của nhân loại. Ông đã để lại cho hậu thế vô số những tác phẩm đỉnh cao đi kèm những chi tiết tốn rất nhiều giấy mực của các nhà phê bình, như nụ cười ẩn ý của "Nàng Mona Lisa", hay lọ muối Judas làm đổ trong "Bữa tối cuối cùng" (The Last Supper).
Đặc biệt, có rất nhiều bí ẩn mà sau nhiều thế kỷ vẫn chưa thể có lời giải. Và một trong số đó đến từ bức họa Salvator Mundi - bức họa về chúa Jesus do da Vinci thực hiện vào những năm 1500. Đây cũng là bức tranh đắt tiền bậc nhất lịch sử thế giới, sau cuộc đấu giá lên tới 450 triệu USD vào năm 2017.
Bí ẩn của bức họa này nằm ở quả cầu mà Chúa Jesus đang cầm. Trong bức họa, quả cầu bằng thủy tinh trong suốt, nhưng hình ảnh đằng sau lại không có chút biến dạng. Đó là điều phi thực tế, vì ánh sáng sẽ bị bẻ cong khi xuyên qua bề mặt của quả cầu.
Nhưng tại sao lại vậy? Câu hỏi này đã khiến các nhà khoa học đau đầu suốt cả trăm năm. Đa số các trường hợp đều cho rằng đây là sai sót của danh họa, nhưng số khác không nghĩ vậy. Cần nhớ, da Vinci không chỉ là một danh họa, mà còn là một thiên tài cực kỳ am tường về vật lý. Ông hẳn phải thừa hiểu câu chuyện khúc xạ ánh sáng là như thế nào. Vậy đây là một sai sót, hay có điều gì đó ẩn giấu phía sau?
Và mới đây, có vẻ như câu trả lời đã xuất hiện qua nghiên cứu từ ĐH California, Irvine (Hoa Kỳ). Dựa trên một mô hình tính toán, các chuyên gia tin rằng câu trả lời giản chỉ là nhân vật đóng vai Chúa Jesus trong bức tranh đã cầm một quả cầu rỗng ruột, thay vì hoàn toàn bằng thủy tinh.
Trên thực tế, ý tưởng về một quả cầu rỗng ruột trong bức tranh của da Vinci đã từng được một số học giả đưa ra trước kia, bên cạnh một số giả thuyết về các vật liệu khác. Nhưng hiện tại, công nghệ tiên tiến hơn đã cho phép chúng ta có kết luận chính thức về câu chuyện này.
"Thí nghiệm của chúng tôi dựa trên những vật liệu, nguồn sáng và kiến thức khoa học ở thời của Leonardo da Vinci," - trích trong báo cáo nghiên cứu.
Các chuyên gia đã sử dụng công nghệ dựng ảnh mang tên: kết xuất ngược - cho phép tạo ra ảnh 3 chiều dựa trên ảnh 2 chiều đơn thuần, nhằm tái tạo lại thứ vị danh họa đã vẽ từ hàng trăm năm trước. Dựa trên tính toán, quả cầu bí ẩn kia có bán kính khoảng 6,8cm, đặt cách người cầm khoảng 25cm, và chỉ dày chưa đầy 1,3mm thôi. Ngoài ra, bóng đổ trên bức họa cho thấy có nguồn sáng mạnh chiếu xuống từ phía trên, cùng một nguồn sáng khuếch tán xung quanh.
Kết quả này tuy chưa được bình duyệt, nhưng xét ra lại hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, da Vinci xưa kia có kiến thức rất vững chắc về quang học và thủy tinh. Thậm chí, có những bằng chứng cho thấy ông còn đào sâu nghiên cứu về lĩnh vực này. Vậy nên, điều này chứng tỏ ông đã vận dụng kiến thức để cho ra hình ảnh chân thực nhất, thay vì là một sai lầm như nhiều người đã nhầm tưởng.
Minh họa hình ảnh sau quả cầu nếu nó đặc (A) và khi rỗng (B)
"Phân tích cho thấy Leonardo da Vinci hoàn toàn hiểu về quang học, vậy nên ông đã để người mẫu cầm một quả cầu rỗng ruột nhằm tránh trường hợp ảnh bị biến dạng khi ánh sáng chiếu vào." - nghiên cứu kết luận.
Nghiên cứu dược đăng tải trên trang arXiv.org .