Những người nước ngoài, du khách khắp nơi trên thế giới và những người có ảnh hưởng rất thích thú với thành phố tiên phong, khác thường của Trung Quốc là Trùng Khánh. Đô thị này thực sự làm kinh ngạc những người lần đầu đến thăm, hoặc những người khám phá ra sự quyến rũ đặc biệt của nó thông qua mạng xã hội.
Mê cung đường cao tốc trên bầu trời
Tòa nhà chung cư của Jackson Lu không có thang máy, nên khi rời khỏi nhà, anh phải đi bộ xuống cầu thang từ tầng 18. May mắn việc này không mất quá nhiều thời gian, vì tầng trệt nằm ở tầng 12.
Đây chính là cuộc sống ở Trùng Khánh, Trung Quốc, nơi những quyết định quy hoạch đô thị nghe có vẻ như là câu đố hơn một thành phố. "Mọi người không thể hiểu được hướng đi, không gian và tầng trệt", Lu nói về những người đến thăm hoặc tìm hiểu về thành phố này lần đầu tiên.
Khu phức hợp nhà sàn truyền thống 11 tầng nằm cạnh những tòa nhà chọc trời ở khu thương mại Jiefangbei, Trùng Khánh.
Được xây dựng trên đỉnh núi và khu đông dân cư, Trùng Khánh nổi tiếng với thiết kế đô thị độc đáo. Thành phố này tọa lạc tại giao lộ của sông Dương Tử và sông Gia Lăng nằm ở phía Tây Nam thuộc trung tâm Trung Quốc.
"Thành phố từng là thủ đô trong Thế chiến II. Sau đó, dân số trở nên đông đúc hơn và thực hiện đô thị hóa. Chúng tôi tận dụng không gian theo chiều dọc giống như Hồng Kông để thiết kế không gian đô thị", anh Lu nói.
Gần đây, anh Lu đăng một video trên TikTok giới thiệu về việc đi lại trong thành phố, video này nhanh chóng lan truyền và thu hút hơn 30 triệu lượt xem. Trong video, anh có nói về những điều kỳ lạ ở khu chung cư mình đang sinh sống.
Theo anh Lu, ở Trùng Khánh mọi người có thể di chuyển qua mê cung đường cao tốc trên bầu trời, có lúc anh còn lái xe ở độ cao 20 tầng so với mặt đất. Đồng thời, chính người dân ở Trùng Khánh nhiều lúc cũng không biết mình đang ở tầng thứ bao nhiêu, đang ở mặt đất hay ở trên trời.
Hệ thống giao thông công cộng của thành phố Trùng Khánh rất riêng biệt và nổi tiếng nhất là Ga Liziba, nằm bên trong tòa nhà dân cư. Trái với một số quan niệm, tòa nhà và đường ray xe lửa tại thành phố này được thiết kế cùng lúc nhằm tối đa hóa không gian.
Theo iChongqing - trang web do Trung tâm Truyền thông Quốc tế Trùng Khánh điều hành, dù được xây dựng bên trong khu dân cư nhưng nhà ga được thiết kế đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong tòa nhà và áp dụng một số yếu tố kỹ thuật giúp phương tiện hoạt động yên tĩnh.
Đối với những người không phải người dân địa phương, việc nhìn ngắm thành phố từ góc nhìn của một khách du lịch rất thú vị. Một người dùng mạng xã hội từng chia sẻ: "Tôi không bao giờ bỏ qua video về Trùng Khánh".
Mê cung bên bờ sông
Ngày nay, Trùng Khánh cùng với Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân là một trong 4 khu đô thị lớn của Trung Quốc. Trung Khánh có diện tích lớn hơn so với nước Áo, bao gồm 26 quận và 12 quận, có hơn 32 triệu người sinh sống.
Theo lời kể của Jackson Lu, Trùng Khánh nằm trên cao nguyên núi không đều, bên bờ hai con sông lớn: sông Dương Tử và Gia Linh. Cụ thể, diện tích đồi núi tại khu này cao gần gấp đôi mức trung bình của một thành phố Trung Quốc.
Đây là một trong những thách thức không nhỏ đối với hoạt động quy hoạch đô thị, xây dựng và quản trị. Thành phố Trùng Khánh ưu tiên giao thông công cộng với tàu điện ngầm làm trọng tâm, len lỏi qua địa hình đồi núi để giảm áp lực từ mật độ dân số và số lượng xe hơi cao.
Mê cung giao lộ ở Trùng Khánh.
Số lượng cầu ở Trùng Khánh không chỉ nhiều nhất ở Trung Quốc mà còn nhiều nhất trên thế giới, vượt xa số lượng và mật độ của các thành phố khác. Tăng từ 4.000 cây cầu vào năm 1997 lên hơn 20.000 đến thời điểm hiện nay.
Giao lộ Hoàng Giác Loan 5 tầng là ví dụ điển hình cho hệ thống giao thông phức tạp của thành phố. Cụ thể, giao lộ này sở hữu kết cấu ngoạn mục với 5 tầng, 20 làn đường và 8 hướng di chuyển, tổng chiều dài lên đến 16.414 mét. Nơi đây được ví như "mê cung giao thông" bởi sự đan xen phức tạp của các làn đường, tầng đường khiến ngay cả hệ thống GPS cũng phải "bó tay".
Theo Giáo sư Huang Jingnan từ Đại học Vũ Hán, thành phố Trùng Khánh đang vận hành hiệu quả mô hình đô thị đa trung tâm - một giải pháp thích ứng thông minh với địa hình đồi núi phức tạp. Các tiểu trung tâm ở đây hình thành tự nhiên bởi những rào cản địa lý như sông ngòi và núi non. Trong đó, quận Shapingba nổi bật là trung tâm của khoa học, giáo dục và y tế với sự hiện diện của 16 trường đại học, bao gồm cả Đại học Trùng Khánh danh tiếng.
Mô hình này không chỉ thúc đẩy phát triển hài hòa giữa nơi làm việc và nơi ở mà còn tạo điều kiện để các trung tâm phát triển độc lập, đa chức năng, không phụ thuộc vào một lõi đô thị duy nhất. Đặc thù địa hình dốc và quỹ đất hạn chế cũng là động lực khiến thành phố phát triển mạnh theo chiều cao.
Đồng thời, với khoảng 3/4 diện tích đất là đồi núi, các nhà quy hoạch đô thị tại Trùng Khánh phải nghiên cứu xây dựng những khu dân cư khác biệt, tạo ra cảnh quan phức tạp, nhiều tầng, thách thức logic thông thường nhưng thúc đẩy một siêu đô thị phát triển mạnh.
Người dân Trùng Khánh thường sống trong căn hộ ở những tòa nhà cao tầng. Trong đó, có nhiều tòa nhà kết hợp nhà ở với văn phòng, "trên ở, dưới làm việc". Những công trình khổng lồ này thường che khuất ánh sáng mặt trời, tạo bóng râm cho khu vực xung quanh.