Trải qua bao nhiêu thế kỉ, nụ cười khó nắm bắt của nàng Mona Lisa trong bức họa cùng tên của Leonardo da Vinci vẫn luôn là một thách thức đối với những người yêu nghệ thuật.
Tuy nhiên, các nhà khoa học đã khám phá ra điều bí ẩn trong nụ cười của Mona Lisa, bằng việc phân tích một "nụ cười khác" cũng do thiên tài Leonardo da Vinci thực hiện.
Về Mona Lisa
Lý do bức tranh Mona Lisa thu hút sự quan tâm của cả thế giới nằm ở nụ cười khó nắm bắt của nàng. Từ một góc độ, nàng dường như đang mỉm cười, nhưng khi nhìn thẳng vào đôi môi, người ta lại thấy nụ cười biến mất. Đây có thể coi là một thủ thuật thị giác đã được Leonardo da Vinci sử dụng hết sức điêu luyện bằng sự kết hợp tinh tế giữa các màu sắc.
Nhưng hóa ra đây không phải lần đầu tiên Leonardo sử dụng kĩ thuật này. Mới đây người ta đã khám phá ra bức chân dung "La Bella Principessa" của ông cũng sử dụng hiệu ứng thị giác tương tự, để tạo ra một nụ cười bí ẩn và khó nắm bắt.
Bức chân dung La Bella Principessa
Cô gái trong bức họa này là Bianca, con gái ngoài giá thú của Ludovico Sforza, người cai trị Milan trong những năm 1490.
Cũng giống như Mona Lisa, khi nhìn từ xa, ta có cảm giác như Bianca đang mỉm cười nhưng khi đến gần quan sát, người ta lại thấy miệng cô dường như đang nghiêng xuống, tạo nên một biểu cảm nghiêm nghị, u sầu.
Nụ cười không thể nắm bắt
Để hiểu rõ hơn về ảo ảnh mà Da Vinci tạo ra, các nhà khoa học đã tiến hành một số thí nghiệm trong đó những người tham gia lần lượt quan sát hai bức tranh từ xa và bị làm mờ.
Mục đích của việc làm mờ là để mô phỏng tầm nhìn ngoại vi của con người - ta quan sát những vật ở trung tâm tầm mắt sẽ rõ ràng hơn nhiều so với khi vật đó được đặt ở các cạnh của tầm mắt.
Các tình nguyện viên đều đồng ý rằng biểu cảm trên hai bức chân dung trở nên tươi tắn hơn khi được quan sát từ xa hay khi bị làm mờ. Tuy nhiên, khi áp dụng thí nghiệm này lên những bức tranh khác thì yếu tố khoảng cách lại không mang lại hiệu ứng tương tự.
Sau đó, các nhà khoa học tiến hành tiếp một thí nghiệm, với việc các tình nguyện viên quan sát bản sao của Mona Lisa và La Bella Principessa với lần lượt các phần mắt, mũi, miệng được che lại bởi các hình chữ nhật đen.
Kết quả là đối với bản sao mà phần miệng bị giấu đi, người ta không còn cảm nhận được hiệu ứng thị giác nữa.
Điều đó chỉ ra rằng những biến đổi về biểu cảm của nhân vật trong hai bức tranh đều tập trung ở khuôn miệng mà thôi.
Và đây là lời giải cho bí mật
Đôi môi của Mona Lisa hay Bianca có sự thay đổi theo góc nghiêng, tất cả là nhờ kỹ thuật "làm mềm" (sfumato). Cụ thể, Leonardo đã hòa lẫn các màu sắc và hình khối, nhằm để tạo nên một sự chuyển đổi mềm mại và nhẹ nhàng cho hình dạng đôi môi.
Đó là lý do chúng ta không thể xác định được giới hạn rõ ràng giữa môi và phần còn lại của gương mặt.
Còn nữa! Khi người xem tập trung vào đôi mắt của đối tượng, kĩ thuật sfumato lại tạo ảo giác khiến viền môi hơi nghiêng về phía trên, cảm giác giống như một nụ cười. Tuy nhiên khi nhìn kĩ vào đôi môi, bạn lại nhận thấy nó hơi mím lại, và thế là nụ cười biến mất.
Có ý kiến cho rằng Da Vinci đã từng thử nghiệm kĩ thuật này thậm chí trước cả La Bella Principessa trong một tác phẩm của ông vào năm 1483 – "Virgin of the Rocks". Tuy nhiên giả thuyết này vẫn chưa được chứng minh.
Bức "Virgin of the Rocks" của Leonardo da Vinci.