Tháng 10/2015, vùng Taan Fiord phía Đông Nam Alaska đã phải hứng chịu một trong những cơn sóng thần kinh khủng nhất từng được ghi nhận. Theo như các báo cáo để lại, những đợt sóng ấy cao gần 200m, lớn thứ 4 trong vòng 100 năm qua.
Nguyên nhân khi đó được xác nhận là do một tảng núi có trọng lượng lên tới... 180 triệu tấn đã rơi xuống biển. Áp lực quá khủng khiếp của tảng núi đã khiến một lượng nước lớn bị đẩy lên cao, tạo thành sóng thần.
Nhưng đó là câu chuyện của ngày trước. Mới đây, các chuyên gia đã tìm ra sự thật đứng sau sự kiện ấy: chính là biến đổi khí hậu. Đáng sợ hơn, họ còn dự đoán rằng với tốc độ gia tăng của nhiệt độ toàn cầu, những sự kiện tương tự sẽ có tỷ lệ xảy ra cao hơn rất nhiều.
"Sẽ có rất nhiều những vụ sạt lở tương tự xảy ra, bởi các tảng núi băng đang ngày càng thu nhỏ lại, trong khi lớp băng vĩnh cửu thì ngày càng mỏng đi," - trích lời Bretwood Higman, chuyên gia địa lý học người Mỹ.
"40 năm trước, Taan Fiord thậm chí còn chẳng tồn tại. Mọi thứ được bao phủ bởi băng giá," - Dan Shugar - chuyên gia địa lý thuộc ĐH Washington bổ sung thêm.
Nhưng rồi dòng sông băng Tyndall ở đây dần bị rút ngắn. Trong giai đoạn 1961- 1991, nó co lại khoảng 16km, mỏng đi 300m, và đang giữ ở mức ổn định vào ngày nay.
Và câu chuyện không dừng lại ở đó. Băng tan ra không chỉ mở ra một vùng vịnh nhỏ, mà còn khiến một lượng lớn băng vốn giữ vai trò cố định, nâng đỡ cho tảng núi phía trên cũng biến mất. Khi núi đá sụp xuống, hình dạng của khe vịnh đã tạo điều kiện cho một cơn sóng khổng lồ xuất hiện, với tốc độ lên tới 96,5km/h.
Ảnh minh họa
"Cứ tưởng tượng bạn ném một quả bóng bowling xuống hồ, so với việc ném vào một bồn tắm ấy." - Shugar cho biết.
"Nước sẽ va đập vào thành bồn tắm. Nhưng sau khi va vào thì nó chẳng thể đi tiếp được nữa, mà chỉ còn đường hướng thẳng lên trên."
Đây không phải là cơn sóng lớn nhất, nhưng cũng ở một mức độ khủng khiếp đối với các sự kiện tương tự (sóng thần gây ra do sạt lở núi).
"Cơn sóng lớn nhất cũng ở Alaska, tại vịnh Lituya. Cũng là do sạt lở đất tại đoạn cuối của sông băng, khiến sóng đẩy lên vào một khe vịnh hẹp mà thôi," - trích lời Shugar.
"Tuy nhiên, sự kiện ấy bắt nguồn từ một trận động đất lớn từ trước đó."
Sự kiện được nhắc đến đã diễn ra từ năm 1958, với đợt sóng cao tới 523m. Dĩ nhiên là trong quá khứ, Trái đất hẳn đã từng phải chịu đựng nhiều thảm họa khủng khiếp hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng các đợt sóng thần lần này yếu. Chúng vẫn ở mức cực kỳ đáng sợ.
Theo ghi nhận ở sự kiện sóng thần năm 2015, các chuyên gia đã ngay lập tức đến hiện trường. Nhưng phải 8 tháng sau, nguyên nhân mới được công bố là do sạt lở đất. May mắn là cơn sóng đã quét qua khu vực không có người ở, nên không ai bị thương. Tuy nhiên Shugar cho rằng vẫn có khả năng tàu thuyền đi ngang qua các vịnh hẹp tại Alaska vào đúng thời điểm như vậy. Như tại Greenland trong quá khứ, một sự kiện tương tự đã khiến 4 người thiệt mạng.
Nói cách khác, đây là sự kiện, hiện tượng không hề hiếm gặp. Nó đã từng xảy ra, và rất có khả năng sẽ tiếp tục trong tương lai.
"Khi các sườn núi bị thay đổi độ dốc theo điều kiện môi trường, các hòn đá sẽ dần bị loại bỏ. Có thể là từng hòn, nhưng cũng có thể là cả một tảng lớn" - Martin Luthi - chuyên gia địa lý tại ĐH Zurich (Thụy Sĩ) chia sẻ.
"Có khá nhiều vụ sạt lở lớn xảy ra ở những nơi băng giá bị thu hẹp, tạo ra những đợt sóng thần khổng lồ."
"Rõ ràng, con người cần thiết lập một tiêu chuẩn dự đoán các thảm họa như vậy xảy ra. Đây có thể nói là một nghiên cứu mang tính chất cột mốc" - trích lời Ronadh Cox, chuyên gia địa chất từ ĐH Williams (Mỹ).