Bệnh viện hết thuốc, người bệnh BHYT phải tự mua, sẽ được thanh toán sau?

Khánh Chi, Theo Infonet 16:59 17/06/2022
Chia sẻ

Trước “cơn khát” thiếu vật tư, thuốc, đặc biệt thuốc được BHYT chi trả nhưng vì bệnh viện không có nên bệnh nhân buộc phải mua ngoài, quyền lợi người bệnh bị ảnh hưởng. Vậy số tiền này ai sẽ thanh toán cho người bệnh?

TS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E, Hà Nội cho biết việc thiếu thuốc, vật tư người bệnh BHYT bị ảnh hưởng rất nhiều. Bản thân BS Hựu cũng nhận được 1 đơn thuốc của người bệnh BHYT trong đó có 3 loại thuốc, bệnh viện hết 2. Người bệnh phải ra ngoài mua thuốc. Bác sĩ Hựu đã làm việc với khoa dược được biết hai loại thuốc này có giá khoảng 450 nghìn đồng/tháng với bệnh nhân mãn tính khám 3 tháng/lần họ sẽ phải mua với giá 1,4 triệu đồng.

Bài toán quyền lợi của người sử dụng BHYT như thế nào đến này vẫn chưa ngã ngũ. BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung Bướu, BV Thành phố Thủ Đức cho biết người bệnh thiếu thuốc, bác sĩ không xoay được thì đành phải để họ tự mua. Nhưng sau này ai trả lại khoản chi phí người bệnh phải bỏ ra tự mua thuốc thì không ai rõ.

Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết thực tế theo dõi và phản ánh của người bệnh cho thấy, đã xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại một số bệnh viện, nhất là các thuốc thiết yếu trong danh mục thuốc được hưởng của người tham gia BHYT.

Bệnh viện hết thuốc, người bệnh BHYT phải tự mua, sẽ được thanh toán sau? - Ảnh 1.

Người bệnh có BHYT tại nhiều bệnh viện hiện đang phải tự bỏ tiền túi mua thuốc. Ảnh minh họa

 

Ông Phúc cho rằng đây là một vấn đề rất lớn, ngoài kiểm soát của cơ quan BHXH. Để không ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT, BHXH Việt Nam đã ngay lập tức có công văn gửi Bộ Y tế đề nghị phối hợp có chỉ đạo tháo gỡ, đồng thời yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố; BHXH Bộ Quốc phòng; BHXH Công an nhân dân phối hợp với sở y tế, các cơ sở KCB BHYT tổ chức triển khai thực hiện ngay một số nội dung khắc phục nhanh chóng tình trạng này để người bệnh không phải mua.

Cũng theo ông Phúc, trong quy định Nghị định 146 cũng nói rõ trách nhiệm của Cơ sở khám chữa bệnh là phải cung ứng đầy đủ, thuốc, vật tư và hóa chất để phục vụ người bệnh. Nhưng cơ sở KCB lại phụ thuộc vào kết quả đấu thầu tập trung của Sở Y tế và của Bộ Y tế. Vì vậy, bản thân cơ sở KCB cũng không chủ động được thuốc, vật tư và khi hết thầu chưa có kết quả của đấu thầu mới thì rơi vào tình trạng thiếu thuốc điều trị.

Khi thiếu thuốc điều trị thì bệnh nhân phải mua bên ngoài.

Việc người bệnh có BHYT phải tự bỏ tiền mua thuốc bên ngoài sau đó sẽ giải quyết ra sao, họ có được cơ quan bảo hiểm chi trả tiền thuốc mà theo chính sách họ được hưởng hay không?

Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT- BHXH Việt Nam cho rằng hiện nay không có quy định về thanh toán trực tiếp với người bệnh, bệnh viện vẫn phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân.

Tuy nhiên ông Phúc cũng lưu ý, người bệnh đi mua thuốc, vật tư bên ngoài có thể giữ hóa đơn lại, chắc chắn sẽ có hướng xử lý đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân.

Khi có đủ thuốc, bệnh viện cũng cần xem xét thanh toán cho người bệnh hoặc giải quyết như thế nào hợp lý, không để người bệnh BHYT phải tự bỏ tiền túi mua thuốc trong danh mục BHYT chi trả như hiện nay - ông Phúc nói.

Tại Công văn số 1566 ngày 13/6/2022 gửi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng nêu trên chủ yếu do việc chậm đấu thầu mua sắm, hoặc không trúng thầu do xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa phù hợp.

Ngay sau công văn đề nghị Bộ Y tế có các chỉ đạo nhanh chóng đảm bảo kịp thời cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB BHYT, ngày 14/6/2022, BHXH Việt Nam cũng có Văn bản số 4576 /BHXH-CSYT gửi BHXH các tỉnh triển khai thực hiện ngay một số nội dung nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT.

Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh phối hợp với sở y tế theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại sở y tế, các cơ sở KCB để kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật.

Cơ quan BHXH cũng đã đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện mua sắm nhanh bằng các hình thức khác, phù hợp với Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế phục vụ cho người bệnh BHYT, tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng của người tham gia BHYT.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày