"Bệnh nhân London" - người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi HIV tự công khai danh tính để lan tỏa hi vọng đến người khác

Nhật Thành, Theo Trí Thức Trẻ 14:29 11/03/2020
Chia sẻ

Anh là Adam Castillejo, người không chỉ chiến thắng căn bệnh HIV mà còn cả bệnh ung thư bạch cầu nữa. Câu chuyện của người đàn ông này thực sự là một nguồn cảm hứng lớn.

Cách đây một năm, các nhà khoa học đã công bố bệnh nhân thứ 2 trên thế giới được chữa khỏi hoàn toàn "căn bệnh thế kỷ" - HIV, người đó được biết đến với biệt danh là "bệnh nhân London". Và đến bây giờ, anh ta đã bước ra khỏi bóng tối, tự công khai danh tính của mình: Anh là Adam Castillejo.

Với chiều cao khoảng 1m83, khỏe mạnh, mái tóc dài và đen cùng nụ cười thân thiện, anh Castillejo, 40 tuổi cho thấy bản thân đang sống khỏe mạnh và vui vẻ hơn bao giờ hết. Hành trình gần 1 thập kỷ chữa HIV của anh thực sự không hề dễ dàng, nó cực kỳ gian khổ và nhiều lúc khiến Castillejo nản lòng. Trước khi đưa ra quyết định công khai danh tính này, người đàn ông 40 tuổi đã phải suy nghĩ, dằn vặt bản thân rất nhiều nhưng cuối cùng, anh đã đưa ra quyết định vì Castillejo nhận ra rằng câu chuyện của mình truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về sự lạc quan.

"Đây là một vị trí đặc biệt, và nó là duy nhất. Tôi muốn mình trở thành đại sứ của niềm hi vọng." – Castillejo nói.

Bệnh nhân London - người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi căn bệnh thế kỷ, HIV tự công khai danh tính để lan tỏa hi vọng đến người khác - Ảnh 1.

"Bệnh nhân London" - Adam Castillejo, người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi căn bệnh HIV

Tháng 3 năm ngoái, các nhà khoa học đã thông báo rằng anh Castillejo, người được biết tới là "bệnh nhân London" đã được chữa khỏi HIV sau khi người ta thực hiện ghép tủy mới để điều trị căn bệnh ung thư bạch cầu của anh. Các tủy xương được cấy đã mang theo một dị biến làm cản trở khả năng của HIV xâm nhập vào cơ thể. Có thể hiểu rằng, nó đã thay thế toàn bộ hệ thống miễn dịch của Castillejo bằng một loại kháng thể chống virus. Mặc dù thành công nhưng cách tiếp cận này chỉ hiệu quả trong trường hợp của Castillejo nên nó không được áp dụng rộng rãi vì những rủi ro đi kèm.

Chỉ có một người duy nhất được chữa khỏi HIV là Timothy Ray Brown vào năm 2008, được biết tới với biệt danh "bệnh nhân Berlin" và thành công này cũng phải trải qua không ít nỗ lực, nếm trải nhiều lần thất bại. Thực tế, vào mùa xuân năm ngoái, bác sĩ điều trị cho anh Castillejo cũng không thể khẳng định rằng anh đã được loại bỏ hoàn toàn HIV. Vì thế họ chỉ xoay quanh từ "chữa" chứ không nói rằng đó là "sự thuyên giảm".

Tuy vậy, tin tức này cũng đã thu hút được sự chú ý của thế giới, bao gồm cả Tổng thống Mỹ - Donald Trump. Và khi phương pháp này được xác nhận là một cách có thể chữa được HIV, các nhà nghiên cứu đã vô cùng phấn khởi.

"Đây không phải là chỉ là ngẫu nhiên mà nó là bất ngờ lớn. Phát hiện này thực sự quan trọng và là một bước tiến mới trong lĩnh vực này."- Richard Jefferys, giám đốc tại Treatment Action Group cho biết.

Nhưng với bản thân Castillejo, những trải nghiệm của anh hoàn toàn giống như một giấc mơ. Anh đã thấy hàng triệu người trên thế giới phản ứng lại với tin anh được chữa khỏi HIV và tò mò về danh tính thật của mình. "Tôi xem TV, và cảm giác của tôi kiểu như: "Ồ, họ đang bàn tán về mình". Nó thật kỳ lạ."- anh Castillejo nói. Dẫu vậy, anh vẫn quyết định giấu kín danh tính của mình cho đến vài tuần trước.

Bệnh nhân London - người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi căn bệnh thế kỷ, HIV tự công khai danh tính để lan tỏa hi vọng đến người khác - Ảnh 2.

Câu chuyện gần 10 năm chiến đấu với hai căn bệnh khó chữa nhất: ung thư bạch cầu và HIV của Castillejo thực sự truyền cảm hứng

Được biết, anh muốn chắc chắn rằng bản thân không còn virus HIV nữa. "Chúng tôi nghĩ trường hợp này đã được chữa khỏi hoàn toàn. Bởi vì đã hơn 1 năm và chúng tôi đã làm xét nghiệm rất nhiều lần." – Bác sĩ Ravindra Gupta thuộc đại học Cambridge cho hay.

Sau khi trao đổi quyết định của mình với bác sĩ, bạn bè và mẹ, Castillejo quyết định đây là thời điểm tốt nhất để anh kể câu chuyện của mình cho toàn thế giới. Sinh ra và lớn lên ở Caracas, Venezuela. Năm 2002, Castillejo chuyển đến Copenhagen (Đan Mạch) và London (Anh). Năm 2003, anh phát hiện mình bị nhiễm HIV.

"Đó là một trải nghiệm tồi tệ. Ở thời điểm đó, tôi mới chỉ 23 tuổi và kết luận bị nhiễm HIV không khác nào án tử." – anh Castillejo nói rằng mình đã vô cùng sợ hãi và suy sụp lúc đó.

Bệnh nhân London - người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi căn bệnh thế kỷ, HIV tự công khai danh tính để lan tỏa hi vọng đến người khác - Ảnh 3.

Với sự giúp đỡ của bạn gái, anh Castillejo đã kiên trì chống chọi. Anh tìm được công việc làm bếp phó tại một nhà hàng. Castillejo tự tạo cho mình một lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ và thường xuyên tập thể dục, cũng như đạp xe, chạy bộ, bơi lội...anh nỗ lực để cho bản thân luôn suy nghĩ đến những điều tích cực.

Sau đó, đến năm 2011, tai họa tiếp tục ập đến với người đàn ông này. Khi Castillejo đang ở thành phố New York thăm một vài người bạn thì bỗng nhận được cuộc gọi từ một y tá nơi phòng khám mà anh thường xuyên ghé tới. Cô ấy hỏi anh đang ở đâu và yêu cầu Castillejo quay trở về London gấp để thực hiện thêm một số xét nghiệm vì nghi ngại vài điều về sức khỏe của anh.

Và ca xét nghiệm có kết quả rằng Castillejo đang mắc bệnh ung thư bạch cầu giai đoạn 4. "Tôi không thể quên được cảm xúc lúc đó, thế giới dường như đã quay lưng lại với tôi. Lại thêm một án tử nữa." – Castillejo chia sẻ.

Bệnh nhân London - người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi căn bệnh thế kỷ, HIV tự công khai danh tính để lan tỏa hi vọng đến người khác - Ảnh 4.

Tai họa liên tiếp ập tới, cũng đã có lúc Castillejo cảm thấy tuyệt vọng và tìm đến cái chết

Quả thực thật không dễ dàng gì để điều trị 2 căn bệnh cùng một lúc, Castillejo đã dành nhiều năm để thực hiện hóa trị cũng như nhiều liệu pháp kết hợp để chữa bệnh. Cứ mỗi lần thất bại, hi vọng của anh lại càng bị kéo xuống sâu hơn. Nhìn những bệnh nhân khác, có người đã chết và cũng có người tiến triển hơn khiến tâm trạng của anh rất lẫn lộn vì mỗi khi đến phòng khám, cơ thể của anh lại yếu dần đi.

"Tôi đã phải đấu tranh tâm trí rất nhiều, cố nhìn về hướng tươi sáng nhưng nó cứ lịm dần đi." – Castillejo nói.

Có lẽ bước ngoặt đến từ khoảng thời gian cuối năm 2014, khi mọi đau đớn và khổ sở về cả cảm xúc lẫn thể xác đạt đỉnh điểm, ngoài sức chịu đựng, Castillejo đã biến mất trước Giáng sinh năm đó 2 tuần. Bạn bè và người thân lúc đó đã nghĩ đến điều xấu nhất có thể xảy ra và đã báo cảnh sát rằng anh mất tích. Nhưng 4 ngày sau đó, Castillejo xuất hiện ở ngoại ô London, anh cũng không hề nhớ vì sao mình lại có mặt ở đó. Khoảng thời gian đó được Castillejo miêu tả là "nút công tắc" cho cuộc đời anh.

Castillejo nói rằng anh đã cảm thấy tuyệt vọng, muốn buông bỏ. Anh đã tìm đến Dignitas – một công ty của Thụy Sĩ chuyên giúp những bệnh nhân lâu năm kết thúc cuộc sống của họ. "Tôi đã kiệt sức, lúc đó tôi cần phải kết thúc cuộc sống đau khổ này." Nhưng bằng cách nào đó, anh đã thay đổi suy nghĩ, quyết định sống mái một phen, dành hết phần đời còn lại của mình để chiến đấu với bệnh tật.

Cũng trong mùa xuân năm 2015, bác sĩ nói rằng anh sẽ không thể sống được đến Giáng sinh. Phẫu thuật ghép tủy có thể khiến bệnh nhân bị yếu đi rất nhiều, đặc biệt là Castillejo còn mang trong mình "căn bệnh thế kỷ"- HIV. Các bác sĩ chữa bệnh lúc đó cho anh không có đủ chuyên môn để thực hiện điều này. Điều này giống như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào ngọn lửa quyết tâm của Castillejo vậy.

May mắn thay, bên cạnh Castillejo còn người bạn thân – Peter, người đã sát cánh cùng anh trong cuộc chiến này. Cả hai cùng tìm kiếm giải pháp khác và họ đã phát hiện ra bác sĩ Ian Gabriel – một chuyên gia trong lĩnh vực ghép tủy, kể cả đối với những bệnh nhân mắc HIV.

Đánh đổi hết tất cả vào lần cuối cùng này, Castillejo tìm đến bác sĩ Gabriel. Vị bác sĩ sau đó đã thử dùng chính tế bào gốc của Castillejo để tiến hành cấy ghép nhưng không hiệu quả dù đã thử nghiệm nhiều lần. Ông giải thích rằng gốc gác Latin của Castillejo là một trở ngại trong việc tìm kiếm người hiến tạng phù hợp. Nhưng không biết đây có phải là phép màu hay không khi Castillejo đã tìm thấy được một người phù hợp và ca ghép tạng sản sinh ra 1 đột biến gọi là Delta 32, nó làm cản trở sự lây lan của HIV đồng thời cũng ức chế cả tế bào ung thư trong cơ thể của Castillejo.

Bệnh nhân London - người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi căn bệnh thế kỷ, HIV tự công khai danh tính để lan tỏa hi vọng đến người khác - Ảnh 5.

Bác sĩ Ian Gabriel, một chuyên gia trong lĩnh vực ghép tủy là niềm hi vọng lúc đó của Castillejo

Mùa thu năm 2015, khi Castillejo đang ngồi trên xe bus, anh đã nhận được cuộc gọi từ bác sĩ Gabriel. Thời khắc đó giống như một tia sáng vừa hé lên nơi con đường tối tăm mà Castillejo đang đi, chỉ cách đấy vài tuần, anh còn phải nghe tin mình sắp chết nhưng giờ đây, Castillejo vừa biết rằng mình có thể được chữa cả ung thư lẫn HIV.

"Lúc đó tôi đang cố trấn tĩnh để hiểu được điều gì đang diễn ra. Nhưng điều tôi nhớ nhất là sau cuộc gọi đó, tôi đã cười lên thật to, thật vui sướng." – Castillejo hồi tưởng. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ mới bắt đầu đối với "bệnh nhân London".

Khi xuất hiện khả năng chữa được HIV, ngay lập tức trường hợp của Castillejo được chú ý. Bác sĩ Edwards, người đã khám bệnh cho Castillejo từ năm 2012 đã kết nối anh với bác sĩ Gupta – bạn đồng nghiệp cũ và cũng là một nhà nghiên cứu virus, đặc biệt là HIV. Bác sĩ Gupta bắt đầu theo dõi tình trạng virus HIV trong người của Castillejo. Đến cuối năm 2015, khi anh đang chuẩn bị thực hiện ghép tủy thì phát hiện số lượng virus HIV trong người "bệnh nhân London" bỗng tăng lên và kháng lại thuốc điều trị.

Bệnh nhân London - người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi căn bệnh thế kỷ, HIV tự công khai danh tính để lan tỏa hi vọng đến người khác - Ảnh 6.

Bác sĩ Simon Edwards, người đã khám chữa bệnh cho Castillejo từ năm 2012

Điều này cung cấp một cái nhìn mới cho bác sĩ Gupta về HIV và cho phép ông nhận định rằng nó hoàn toàn có thể bị loại bỏ bởi ca ghép tạng. Và phải mất đến vài tháng điều chỉnh, ngày 13/05/2016, Castillejo chính thức được phẫu thuật.

Nếu ai chưa từng trải qua bệnh tật chắc sẽ không hiểu được những khó khăn mà Castillejo gặp phải, anh đã dành cả năm sau đó ở trong bệnh viện để phục hồi. Ca phẫu thuật khiến anh mất gần 70 pound (khoảng 31 kg), phải phẫu thuật thêm nhiều lần nữa kèm với việc một vài căn bệnh nhiễm khuẩn gia tăng. Anh cũng đã mất đi khả năng nghe và buộc phải dùng đến máy trợ thính…nhưng "bệnh nhân London" vẫn lạc quan.

"Một trong những bác sĩ ở đó đã đến và nói với tôi rằng "cậu là một người vô cùng đặc biệt, vì có hơn 40 y bác sĩ đang ở đây để thảo luận và chữa trị cho cậu"- Castillejo hồi tưởng lại.

Kể cả khi đã rời bệnh viện, anh vẫn phải tập luyện hàng ngày để phục hồi khả năng đi lại. Một năm sau đó, khi mà sức khỏe đã khá hơn, Castillejo mới bắt đầu nghĩ đến chuyện ngừng uống thuốc điều trị HIV. Tháng 10/2017, anh dùng liều thuốc cuối cùng và 17 tháng sau, 03/2019, bác sĩ Gupta thông báo trường hợp khỏi bệnh của anh.

Bệnh nhân London - người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi căn bệnh thế kỷ, HIV tự công khai danh tính để lan tỏa hi vọng đến người khác - Ảnh 7.

Bác sĩ Ravindra Gupta, chuyên gia nghiên cứu virus tại đại học Cambridge

Khi tin tức được công bố, Castillejo đã bị choáng ngợp bởi những yêu cầu về danh tính của mình và điều đó khiến anh bắt đầu nhận thức được vai trò của mình trong việc nâng cao nhận thức về căn bệnh ung thư và cả HIV.

"Điều này có thể được xem như là ngọn hải đăng của hi vọng vậy, nó rất quan trọng đối với những người nhiễm bệnh." – ông Jefferys, giám đốc Treatment Action Group nói.

Bệnh nhân London - người thứ 2 trên thế giới chữa khỏi căn bệnh thế kỷ, HIV tự công khai danh tính để lan tỏa hi vọng đến người khác - Ảnh 8.

Bằng việc công khai danh tính, Castillejo muốn mình trở thành "Đại sứ của hi vọng", lan tỏa câu chuyện của anh đến với những người bệnh khác

Bạn bè cùng nhiều người khác trong cộng đồng người mắc HIV đã dành sự lo lắng cho cuộc sống riêng tư của Castillejo khi tự công khai chính bản thân mình nhưng anh nói mình đã sẵn sàng hơn bao giờ hết. Castillejo coi việc trở thành "bệnh nhân London" là công việc của mình và quyết tâm dồn hết tâm sức cho nó. Anh đã từng bị mất đi mái tóc dài, đen mượt, đã từng phải nằm một chỗ và cũng đã từng tìm đến cái chết nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác, cuộc sống đang dần trở lại với Castillejo. Và hơn ai hết, anh muốn làm người lan tỏa hi vọng đó đến với những người đang phải chịu căn bệnh quái ác này.

Và anh gọi mình là "bệnh nhân London" cũng như để nói rằng mình vừa được sinh ra thêm một lần nữa dưới cái tên ấy.

(Theo New York Times)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày