Bắt đầu từ tháng sáu hằng năm, hàng
triệu học sinh cấp 3 tại Trung Quốc lại phải đối mặt với một bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời mình: kỳ thi tuyển vào Đại học. Có thể nói, đây không chỉ là một dấu mốc
đáng nhớ với riêng các sĩ tử, mà nó còn là một dịp đặc biệt đối với gia đình
của các em.
Và không khí khẩn trương của kỳ thi này càng trở nên nổi bật hơn tại Maotanchang - một ngôi làng hẻo lánh tại tỉnh An Huy, Trung Quốc.
Trường trung học Maotanchang nổi tiếng nhờ thành tích thi cử đáng nể.
Ngôi làng nhỏ Maotanchang chỉ có vỏn vẹn
5.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, đây lại là nơi sinh sống của hơn 50.000 người. Nguyên nhân của tình trạng trên là do nơi đây đang đặt một "nhà máy" nổi tiếng, nhưng "nhà máy" này vốn không sản xuất xe hơi
hay điện thoại mà lại sản xuất... sĩ tử đi thi.
Dĩ nhiên, "nhà
máy" đang được nhắc tới chính là Trường trung học Maotanchang - một ngôi trường nổi tiếng với khả năng giúp những học sinh yếu kém nhất có thể vượt qua được kỳ thi tuyển vào đại học một cách dễ dàng.
Những sĩ tử tương lai sẽ phải "cày cuốc" bài vở suốt ngày đêm và không hề có bất cứ ngày nghỉ nào.
Thông thường, vào đầu lớp 12, các bậc
phụ huynh tại những khu vực xung quanh lại nô nức chuyển "hộ khẩu" cho con em mình tới ngôi trường danh tiếng này. Bởi vậy, cứ mỗi đầu tháng sáu thì một lượng lớn người đang sinh sống tại ngôi làng
Maotanchang sẽ đột nhiên "biến mất" và bằng đó dân cư
sẽ xuất hiện để thế chỗ từ mỗi đầu tháng tám.
Cũng vì điều này mà nền kinh tế tại đây
hầu như đều xoay quanh việc thi cử với những cửa
hàng mang tên rất "độc" như Hàng ăn Học giả đứng đầu hay Siêu thị Học thuật...
Hàng chục nghìn bậc phụ huynh đang vây kín những chiếc xe chở sĩ tử trước ngày thi quan trọng nhất của các em.
Trường trung học Maotanchang là một ngôi trường khổng lồ với hơn 20.000 học sinh cùng ba khối lớp chuyên biệt.
Tuy nhiên, nhờ danh tiếng của mình nên riêng khối 12 tại đây đã có hơn 10.000 học sinh đang miệt mài đèn sách mỗi ngày. Với mức học phí cắt cổ lên
tới 48.000 nhân dân tệ (tương đương hơn 160 triệu đồng) cho một học kỳ, nhưng các suất học "con nhà giàu" vẫn luôn rơi vào trạng
thái "cháy" hàng.
Theo thống kê, tỷ lệ học sinh của trường vượt qua được
kỳ thi tuyển vào đại học lên tới hơn 90%, trong đó có tới gần 80% được nhận vào
những trường đại học hàng đầu Trung Quốc.
Để có thể đạt được những thành tích đáng nể như trên, trường Maotanchang đã đặt ra một chương trình với tên gọi "con đường địa ngục dẫn tới thiên đường". Theo đó, các sĩ tử sẽ
phải tiến hành ôn luyện tập trung 16 tiếng mỗi ngày trong suốt thời gian học
tập tại trường và hoàn toàn không có ngày nghỉ.
Khấn thần linh bên dưới gốc cây "thánh thụ" đã trở thành thói quen không thể thiếu trước mỗi kì thi Đại học tại ngôi trường danh tiếng này.
Cũng vì văn hoá thi cử nặng nề này mà cuối mỗi tháng năm, đầu tháng sáu thì tại trường
trung học Maotanchang sẽ xuất hiện hai "kỳ quan" không thể bỏ lỡ.
Thứ nhất là truyền thống đốt hương cầu khấn thần linh bên dưới một cây "thánh thụ" ngay gần trường vào đúng đêm trăng tròn để cầu sự đỗ đạt. Thứ hai là lễ đưa sĩ tử đi thi cũng thu hút hàng nghìn bậc phụ huynh đứng trước cổng trường nhằm nhắn nhủ và khích lệ con em trước kỳ thi khắc nghiệt phía trước.