Giữa năm 2009, làng công nghệ thế giới đón nhận một tin chấn động: nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới Intel và hãng điện thoại số một thế giới lúc đó Nokia sẽ hợp tác để cùng phát triển một nền tảng hệ điều hành di động. Thời điểm đó dù Nokia vẫn đang dẫn đầu nhưng nền tảng Symbian của họ đã quá cũ kỹ và lạc hậu, còn Intel, vẫn đang loay hoay tìm cách bước chân vào thế giới di động.
Thành quả hợp tác của họ ra mắt vào đầu năm sau đó tại hội chợ MWC 2010: hệ điều hành MeeGo dành cho smartphone và máy tính netbook, được tạo nên từ sự kết hợp giữa hệ điều hành Moblin nền Linux của Intel và nền tảng Maemo của Nokia. Sau đó, nhiều công ty khác như Novell hay AMD cũng tích cực tham gia phát triển MeeGo.
Bất chấp sự hào hứng ban đầu, MeeGo nhanh chóng trở thành "nền tảng chết" khi bị Nokia bỏ rơi vào đầu năm 2011 để chuyển sang Windows Phone 7. Nỗ lực ra mắt Nokia N9, thiết bị duy nhất sử dụng hệ điều hành này cũng chỉ làm tăng thêm sự tiếc nuối của người dùng khi họ cho rằng N9 là thiết bị tốt nhất Nokia từng làm ra.
Nhưng từ đống tro tàn của hệ điều hành chết yểu này, một hệ điều hành mới đã ra đời, và tồn tại suốt từ thời điểm đó đến nay: Sailfish OS. Bất chấp việc Android và iOS đã chiếm đến 99,9% thị phần toàn cầu, ngay cả khi đến năm 2017, theo khảo sát của Gartner, chỉ còn chưa đầy một triệu thiết bị trên toàn cầu không dùng cả Android và iOS, nền tảng Sailfish OS vẫn tồn tại và trở thành "hệ điều hành di động độc lập cuối cùng" trên toàn cầu.
Mặc dù các công ty đã từ bỏ MeeGo, nhưng các nhà phát triển không bỏ rơi đứa con của mình. Tháng 10 năm 2011, ba nhà phát triển cho bản phân phối Mer, một nhánh của MeeGo OS, đã tuyên bố tạo nên "MeeGo 2.0". Cùng lúc đó, nhà phát triển Sami Pienimäki và hai người khác sau khi rời Nokia để thành lập công ty riêng, muốn sử dụng phiên bản MeeGo mới này làm nền tảng cho một hệ điều hành mã nguồn mở.
Và thế là Sailfish ra đời (Sailfish nghĩa là "cá buồm"). Để tưởng nhớ về hệ điều hành đã bị khai tử, Pienimäki và các chiến hữu đã quyết định đặt tên công ty là Jolla, một từ tiếng Phần Lan với nghĩa một chiếc thuyền nhỏ (hoặc con tàu cứu sinh).
Ban đầu mọi thứ có vẻ sáng sủa với Jolla. Công ty ra mắt năm 2012 và một năm sau phát hành chiếc flagship đầu tiên. Học tập cách làm của Apple, Jolla cũng tích hợp việc phát triển phần cứng và phần mềm trên một sản phẩm hoàn toàn độc lập, gắn chặt nhận dạng thương hiệu của nó với điểm độc đáo của phần cứng.
Điểm khác biệt đầu tiên về phần cứng là việc Jolla sử dụng các góc cạnh cứng thay vì bo tròn như phần lớn smartphone vào lúc đó. Một điểm đặc biệt khác là mặt lưng thiết bị. Jolla hy vọng có thể tìm được các đối tác để tạo nên các mặt lưng tùy chỉnh với nhiều tính năng khác nhau (ví dụ như tấm pin mặt trời hoặc bàn phím, …). Thậm chí công ty còn hợp tác với Rovio, hãng làm nên game Angry Birds để thiết kế mặt lưng, dù không có kết quả nào.
Dù vậy, điều này cũng không làm giảm nhiệt tình của những người hâm mộ. Lô đầu của thiết bị có giá hơn 500 USD đã được đặt mua hết chỉ trong vòng 45 ngày đầu ra mắt, chủ yếu ở châu Âu. Đến năm 2014, Pienimäki cho biết, đã bán được hàng chục nghìn thiết bị, nhưng không tiết lộ con số chính xác.
Cùng năm đó, Jolla cũng ra mắt chiếc "tablet crowdfunding đầu tiên trên thế giới" chạy Sailfish. Sau một tháng, chiến dịch trên Indiegogo đã huy động được số vốn 2,5 triệu USD từ 20.000 người ủng hộ, vượt xa con số kỳ vọng ban đầu 380.000 USD. Tuy nhiên, chiếc tablet này bị trì hoãn nhiều lần và chỉ vài trăm thiết bị hoàn thiện được gửi tới người dùng.
Một vài tháng trước khi chiếc tablet đầu tiên xuất xưởng, Jolla thông báo tách bộ phận sản xuất phần cứng thành một công ty riêng biệt để tập trung phát triển Sailfish OS. Nhưng đến lúc này, vận may của công ty đã hết. Công ty bắt đầu đệ đơn xin cấu trúc nợ, một hình thức bảo hộ phá sản tại Phần Lan. Dường như con tàu cứu sinh đang bắt đầu chìm.
Bất chấp khó khăn tài chính của Jolla, cộng đồng phát triển vẫn hy vọng rằng hệ điều hành Sailfish sẽ tồn tại như một dự án mã nguồn mở. Về phần mình, Jolla tiếp tục hứa hẹn sẽ xuất xưởng chiếc tablet đúng hẹn, nhưng đến tháng 12 năm 2015, đối tác sản xuất Trung Quốc của Jolla cho biết họ không thể cung cấp các bộ phận cần thiết cho chiếc tablet.
Đến cuối năm 2015, chiếc tablet của Jolla đã chết. Công ty bên bờ vực phá sản và Pienimäki chuẩn bị sa thải gần 100 nhân viên của mình. Trong khi vẫn đang tìm kiếm các nhà đầu tư mới, công ty không chỉ đốt hết lượng tiền mặt còn lại của mình mà còn phải trả lại tiền cho những người đã ủng hộ chiến dịch crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) chiếc tablet của họ. Đến hiện tại, nhiều người ủng hộ vẫn chưa nhận lại được tiền của mình.
Cuối cùng một điều kỳ diệu đã đến vào phút chót. Ngay khi Jolla bắt đầu sa thải nhân viên của mình và chuẩn bị thủ tục phá sản, Pienimäki đã huy động được một khoản vốn 12 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư Phần Lan, những người quan tâm đến sự sống còn cho dự án Sailfish hơn là lợi nhuận trong tương lai gần. Mặc dù Jolla vẫn sống sót, nhưng Pienimäki biết rằng họ sẽ phải thay đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của mình.
Thất bại từ dự án tablet khiến Jolla từ bỏ hy vọng vào việc sản xuất phần cứng để tập trung hoàn toàn vào Sailfish OS làm sản phẩm chính của mình. Nhưng câu hỏi lúc này là làm thế nào một công ty nhỏ có thể bán hệ điều hành di động của mình trên một thị trường đang hoàn toàn bị Android và iOS thống trị?
Câu trả lời hóa ra lại từ Nga và Trung Quốc, khi cả hai đều đang khao khát có được một lựa chọn thay thế cho hệ điều hành của Google. Cho dù đã ký được thỏa thuận với một nhà mạng lớn tại Ấn Độ vào năm 2014, nhưng thành công lớn nhất của họ lại là Nga và Trung Quốc, cho dù không phải một nền tảng tiêu dùng. Thay vào đó, nhu cầu lớn nhất lại đến từ chính phủ Nga và Trung Quốc cũng như khu vực doanh nghiệp.
Đặc biệt tại Nga, khi nước này đang muốn chống lại tác động ngày càng đáng sợ của Google trong những năm gần đây. Năm 2015, Nikolay Nikiforov, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nga, đã đăng tải dòng tweet ủng hộ việc "phi độc quyền hóa hệ sinh thái IT toàn cầu" và cho biết Nga dự định cung cấp khoản trợ cấp để các nhà phát triển dịch chuyển ứng dụng từ Android sang các nền tảng mã nguồn mở như Sailfish.
Đây là một cơ hội bằng vàng với Jolla. Năm 2016, Sailfish đạt được bước tiến mới khi được lựa chọn trở thành hệ điều hành duy nhất được phép cài đặt trên các dự án thiết bị sắp ra mắt thuộc chính phủ Nga và các công ty Nhà nước. Không lâu sau đó, công ty Nga có tên Open Mobile Platform tiết lộ chiếc smartphone đầu tiên chạy Sailfish của Nga.
Cùng lúc đó, Sailfish cũng đạt bước tiến tại Trung Quốc. Đầu năm 2017, công ty cho biết họ đạt được thỏa thuận với một liên doanh giấu tên của Trung Quốc để đầu tư 250 triệu USD nhằm phát triển Sailfish tại quốc gia này. Nhưng điều này làm họ cạnh tranh với một người khổng lồ công nghệ tại quốc gia này: Huawei.
Giữa năm 2018, trước làn sóng tẩy chay các sản phẩm của Huawei do lo ngại những vấn đề về an ninh, công ty cũng xác nhận mình đang phát triển một hệ điều hành di động riêng để giảm sự phụ thuộc vào Android của Google.
Thế mạnh chính của Sailfish OS là tính bảo mật. Khi một công ty mua giấy phép để sử dụng Sailfish trên thiết bị tùy chỉnh của họ, Jolla sẽ trao cho họ toàn bộ code của hệ điều hành. Nếu doanh nghiệp hoặc chính phủ đó muốn một số tính năng cụ thể được tích hợp vào trong hệ điều hành, ví dụ VPN, các nhà phát triển của Jolla có thể bổ sung chúng cho họ.
Điều duy nhất Jolla không can thiệp vào các giao thức bảo mật, thứ sẽ làm việc hiệu quả hơn với các công ty và khách hàng của họ. Các giao thức bảo mật vốn không phải thế mạnh của Jolla và theo Pienimäki, lý do chính cho việc khách hàng của họ từ bỏ Google là vì họ muốn biết những đoạn code nào nằm trong điện thoại của mình. Bằng cách của mình, toàn bộ giao thức bảo mật trong các thiết bị Sailfish sẽ do chính các công ty sử dụng nó phát triển.
Cuối cùng sau một thập kỷ vật lộn để tìm chỗ đứng cho mình, dường như Sailfish OS đã tìm ra cách để cùng đứng cạnh hai gã khổng lồ Android và iOS, trong khi nhiều nền tảng khác đã liên tiếp gục ngã.
Thay vì tập trung vào thị trường tiêu dùng để đối đầu trực tiếp với Apple và Google, họ đã tìm được ra thị trường ngách với các khách hàng là chính phủ và doanh nghiệp tại Trung Quốc và Nga – những nơi đang muốn tránh xa sự độc quyền của hai nền tảng trên.
Họ đã phát triển được một cộng đồng các nhà phát triển trung thành bên cạnh mình tại các thị trường trên, cũng như một nhóm nhỏ những người vẫn tin vào Sailfish tại Mỹ, để tiếp tục phát triển và sử dụng hệ điều hành này. Những người này hàng ngày vẫn đang phát triển nên các client có thể chạy các ứng dụng như Facebook hay Twitter, hoặc tìm cách flash ROM của Sailfish lên các thiết bị khác – trong khi một số có thể chạy tốt, một số khác còn crash nhiều hơn là hoạt động.
Hiện tại dường như Sailfish đang có một cuộc sống mới và thậm chí có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh tiềm năng với cả Google và Apple tại một số thị trường nào đó. Nhưng nếu có điều gì Jolla học được trong những năm qua, đó sẽ là thất bại thường đến nhanh hơn so với thành công.