Beatbox: không đơn thuần là thanh âm mà còn là một ngôn ngữ xuyên biên giới?

Đạt Lê, Theo Helino 00:15 19/03/2018

Bạn có tin không, khi beatbox, âm thanh phát ra thực sự rất giống tiếng nói người Phi châu! Vì sao lại thế?

Khả năng mô phỏng âm thanh của các beatboxer luôn làm chúng ta há hốc miệng ngạc nhiên. Làm sao con người có thể dùng miệng, môi, lưỡi và giọng để thay thế cả một dàn nhạc như vậy?

Để trả lời cho câu hỏi này, nhà nghiên cứu Shrikanth Narayanan và đồng nghiệp từ ĐH Nam Calironia đã thực hiện một thử nghiệm. Kết quả mà họ thu được còn cho thấy sự liên kết bất ngờ giữa âm thanh và ngôn ngữ.

Họ đã mời một beatboxer nam, 27 tuổi đến biểu diễn, đồng thời chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) để quan sát xem điều gì thực sự xảy ra bên trong cổ họng của anh ta.

Các nhà nghiên cứu ghi lại được 40 đoạn thử nghiệm, mỗi đoạn kéo dài 20 - 40 giây, tương ứng với nhiều tiết mục khác nhau như âm thanh đơn, hợp âm, rap, hát và beatbox tự do.

Beatbox: không đơn thuần là thanh âm mà còn là một ngôn ngữ xuyên biên giới? - Ảnh 2.

Trong thí nghiệm trên, nghệ sĩ beatbox đã tạo ra 17 âm thanh khác nhau của các kĩ thuật đánh trống và chũm chọe. Các tiết mục cũng rất đa dạng về tempo (phách) - trải dài từ 88 nhịp/phút đến hơn 104 nhịp/phút.

Nhà nghiên cứu Narayanan nhận xét: “Chúng tôi rất kinh ngạc về cách thay đổi giọng và sự đa dạng trong các âm thanh beatbox. Vũ điệu của chiếc lưỡi và khí động học đã phối hợp với nhau nhịp nhàng để sinh ra những thanh âm không những có ý nghĩa mà còn đầy cảm xúc”.

Thế nhưng điều bất ngờ hơn là dù nghệ sĩ beatbox trên nói tiếng Anh giọng Mỹ và tiếng Tây Ban Nha giọng Panama, âm thanh mà anh tạo ra không hề giống với các ngôn ngữ hàng ngày của mình.

Thay vào đó, chúng khá giống với... âm thanh “lách cách” trong tiếng nói của người Xhosa ở Nam Phi, người Khoekhoe ở Botswana hay người !Xóõ ở Namibia. Còn âm gió của chàng nghệ sĩ thì tương tự như tiếng nói của người Nuxálk ở British Columbia (Canada).

Cùng nghe 1 đoạn trong ngôn ngữ của người Xhosa ở châu Phi:

Việc người ta nói bằng tiếng mẹ đẻ nhưng lại beatbox ra âm thanh giống với một thứ tiếng khác đã cho thấy khả năng phong phú của con người. Đồng thời, nó còn hé mở rằng bản năng âm nhạc và bản năng ngôn ngữ hoàn toàn có thể giao thoa, hội tụ với nhau.

Nhà khoa học Narayanan cho biết thêm: “Nghiên cứu beatbox sẽ giúp chúng ta có được hiểu biết sâu hơn trong điều trị các bệnh liên quan đến phát âm hay giọng nói”.

Với sự phổ biến của beatbox như hiện nay, chúng ta hãy chờ đợi các nghiên cứu tiếp theo của khoa học. Dù sao thì beatbox cũng là những âm thanh cực kỳ bắt tai và thú vị đúng không nào?

Theo Inside Science