14h ngày 21/11, chị Vũ Thị Thuỳ Dương (Long Biên, Hà Nội) thấy con trai Lê Minh Dũng (gần 3 tháng tuổi) bị sốt. Sau 2 ngày theo dõi tại nhà và cho bé uống thuốc không có dấu hiệu thuyên giảm, gia đình mới đưa trẻ đến cơ sở y tế. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé dương tính với sốt xuất huyết.
“Tôi thấy trán con có vết muỗi đốt nhưng không nghĩ bị sốt xuất huyết, chỉ đến khi thấy bú kém, chân tay bé tím tái, hai vợ chồng mới hốt hoảng đưa tới viện. Rất may con được xử trí kịp thời”, người mẹ nói.
Con nhỏ bị sốt xuất huyết hay quấy khóc, khó chịu, chị Dương lại đang ở cữ nên những ngày qua chị gần như bị vắt kiệt sức. Để phụ giúp vợ chăm con, chồng chị phải xin nghỉ làm dài ngày.
Trẻ 3 tháng tuổi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Xanh Pôn (Ảnh: Khổng Chí)
Chị Nguyễn Thị Chinh (Vân Đình, Hà Nội), mẹ bé Ngọc Anh (5 tuổi) cũng phải nghỉ việc hơn một tuần để đưa con bị sốt xuất huyết đi viện. Bé ho nhiều, viêm phổi, sốt nhiều về chiều và tối, chị Chinh luôn phải túc trực để lau người cho con gái, thậm chí không có thời gian ăn cơm.
“Từ ngày con bị sốt xuất huyết, mọi sinh hoạt trong gia đình tôi gần như bị đảo lộn hết. Tôi phải nghỉ làm công việc dọn vệ sinh môi trường ở khu phố để đưa con đi viện. Chồng bị cúm nhưng vẫn phải đi làm đều để kiếm tiền sinh hoạt cho gia đình và lo viện phí cho con. Vợ chồng tôi phải gửi con thứ 2 mới 3 tuổi cho hàng xóm chăm giúp”, chị Chinh nói.
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Nhân, trưởng khoa Nhi tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, gần đây trẻ nhi nhập viện và điều trị sốt xuất huyết xu hướng giảm 30% so với các tuần trước đó. Hiện 22 ca bệnh sốt xuất huyết điều trị tại khoa.
Thông thường trẻ sốt xuất huyết nhập viện có dấu hiệu cảnh báo sốt cao liên tục, li bì, đau bụng, buồn nôn, đái ít, ứ trệ ngoại biên.
Việc điều trị sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ khác so với sốt xuất huyết người lớn. Trẻ không thể xét nghiệm công thức máu liên tục, bác sĩ sẽ phải dựa trên lâm sàng để đánh giá, từ đó mới có thể đưa ra chỉ định cụ thể.
Chuyên gia cũng nhìn nhận, thời gian nằm viện trẻ sẽ mệt mỏi, ăn uống kém, lừ đừ, cần theo dõi sát. Do đó, khi có con nhập viện vì sốt xuất huyết, nhiều gia đình sẽ bị đảo lộn sinh hoạt như cha mẹ phải nghỉ việc, mệt mỏi khi chăm sóc bé.
“Ngoài chuyện sức khoẻ bị đe dọa, sốt xuất huyết còn gây ảnh hưởng lớn đến vấn đề kinh tế - xã hội”, bác sĩ nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần chú ý phát hiện sớm các dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ, như sốt từ 2 ngày trở lên, mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, da xuất huyết cần đưa đến ngay các cơ sở y tế và thực hiện xét nghiệm máu để xác định bệnh.
Để phòng bệnh, các gia đình cần nhớ khẩu hiệu diệt muỗi và diệt lăng quăng, khi ngủ cần nằm trong màn cả ban ngày lẫn ban đêm. Khi trẻ nằm viện, cha mẹ cần phối hợp tích cực, tin tưởng và tuân thủ các khuyến cáo, hướng dẫn chăm sóc từ nhân viên y tế để yên tâm điều trị, giúp trẻ sớm vượt qua giai đoạn nguy hiểm, trở về với sinh hoạt bình thường.
Theo chuyên gia, dịch bệnh sốt xuất huyết trong năm 2023 còn phức tạp, đòi hỏi người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Sốt xuất huyết xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người thừa cân, có bệnh nền, người trong độ tuổi lao động.