Ít nhất một người đàn ông đã làm cha của 125 đứa trẻ
Từ dữ liệu ban đầu của một hệ thống mới được thiết lập tại Hà Lan để theo dõi số lượng người hiến tinh trùng.
Trong đó, phần lớn những người hiến tặng tinh trùng hàng loạt của đất nước này hiện đã trở thành cha ruột của từ 26 đến 40 đứa trẻ, dù một số người đã ở độ tuổi từ 50 đến 75. Có ít nhất một người đàn ông đã làm cha của tới 125 đứa trẻ và 85 người cũng được xác nhận là cha của ít nhất 25 sinh linh.
Đây là kết luận gây sốc cho thấy trẻ em được sinh ra do thụ tinh nhân tạo ở Hà Lan có thể có nhiều anh chị em cùng cha khác mẹ hơn rất nhiều so với những gì chính phủ từng nghĩ. Điều này làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về nguy cơ quan hệ cận huyết, dị tật di truyền, đặc biệt khi những đứa trẻ này trưởng thành và bắt đầu tìm kiếm bạn đời.
Ties van der Meer, đại diện của Stichting Donorkind – một tổ chức chuyên hỗ trợ trẻ em tìm kiếm người cha hiến tặng tinh trùng – gọi những tiết lộ mới nhất này là một "thảm họa y tế". Theo ông, từ dữ liệu này có thể thấy, ít nhất 3.000 người tại Hà Lan có từ 25 anh chị em cùng cha khác mẹ trở lên - một con số báo động.
Ông cảnh báo, trong một quốc gia nhỏ và đông dân như Hà Lan, điều này làm tăng nguy cơ xảy ra các mối quan hệ cận huyết ngoài ý muốn.
"Khi những đứa trẻ lớn lên và bắt đầu hẹn hò, chúng có thể sẽ phải xét nghiệm DNA để chắc chắn rằng đối phương không phải là họ hàng gần," ông nói.
Van der Meer nhấn mạnh rằng: "Sự tổn hại đối với lòng tin vào hệ thống y tế và vào chính phủ – những người đã để tình trạng này xảy ra – mới chỉ là sự khởi đầu." Ông cũng cho rằng cả trẻ em và một số người hiến tặng chắc chắn sẽ phải gánh chịu nhiều áp lực tâm lý hơn nữa trong tương lai.
Jonathan Jacob Meijer
Vấn đề hiến tặng tinh trùng hàng loạt đã trở thành một đề tài gây tranh cãi dữ dội trong dư luận Hà Lan sau khi xuất hiện thông tin về Jonathan Jacob Meijer, một YouTuber 43 tuổi người Hà Lan, được xác định là cha ruột của ít nhất 550 đứa trẻ trên khắp thế giới.
Năm 2023, Meijer bị kiện ra tòa vì những lo ngại về nguy cơ loạn luân và cận huyết giữa các con của ông. Ông đã vượt quá giới hạn pháp lý của Hà Lan - vốn chỉ cho phép mỗi người hiến tặng tối đa 25 đứa trẻ.
Trước đó, năm 2017, Meijer đã bị phát hiện là cha của ít nhất 102 đứa trẻ. Tới năm 2023, tòa án Hà Lan ra phán quyết yêu cầu ông chấm dứt mọi hoạt động hiến tặng tinh trùng, nếu không sẽ đối mặt với khoản phạt 100.000 euro (khoảng 2,9 tỷ đồng) cho mỗi lần vi phạm.
Các phòng khám cũng bị yêu cầu tiêu hủy toàn bộ mẫu tinh trùng còn lưu trữ của ông. Tuy nhiên, bất chấp lệnh cấm, Meijer vẫn tiếp tục hiến tặng ở nước ngoài, bao gồm cả việc hợp tác với một ngân hàng tinh trùng tại Đan Mạch, nơi cung cấp dịch vụ cho khách hàng toàn cầu.
Khi việc tạo ra sự sống trở thành ngành công nghiệp
Hiến tặng tinh trùng đã trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu phát triển mạnh kể từ năm 1978 – khi đứa trẻ đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn được quản lý rất lỏng lẻo.
Một số quốc gia, bao gồm Hà Lan, có giới hạn số lượng con sinh ra từ một người hiến, nhưng lại thiếu các quy chuẩn quốc tế thống nhất. Trong khi đó, tinh trùng của người hiến vẫn được xuất khẩu giữa các quốc gia.
Phần lớn người hiến tinh trùng tại Hà Lan chỉ nhận được một khoản thù lao nhỏ, thường dưới 100 USD (khoảng 2,5 triệu đồng) mỗi lần hiến, trong khi các bậc cha mẹ tương lai phải trả tới hàng nghìn đô la cho các phòng khám.
Từ năm 2018, luật Hà Lan đã giới hạn số lượng trẻ em được sinh ra từ mỗi người hiến tinh trùng là 12 em trong khi trước đó, mỗi người hiến được phép làm cha hợp pháp của tối đa 25 đứa trẻ.
Tuy nhiên, những dữ liệu từ hồ sơ thống kê cho thấy từ năm 2004 đến 2018 – khoảng thời gian đầu tiên mà các phòng khám lưu giữ hồ sơ cho thấy, đã có gần 24.000 ca thụ tinh trong ống nghiệm sử dụng tinh trùng hiến tặng được thực hiện.
Dù Hà Lan đã đưa ra hướng dẫn về việc lưu giữ hồ sơ người hiến tinh trùng từ năm 1992, nhưng từ thực tế cho thấy, việc thực thi lại vô cùng lỏng lẻo, theo tổ chức tình nguyện Donorkind - tổ chức chuyên hỗ trợ các gia đình có con nhờ tinh trùng hiến tặng.
Donorkind cho biết họ đang xem xét hành động pháp lý đối với các phòng khám tư nhân đã vi phạm quy định, đồng thời lên án ngành này vì tập trung quá mức vào lợi nhuận, coi nhẹ trách nhiệm đạo đức.
“Họ đơn giản là không cẩn trọng trong việc tạo ra một sinh linh” - bà Inge Poorthuis, thành viên hội đồng quản trị Donorkind, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
“Đối với trẻ em được sinh ra từ tinh trùng hiến tặng, đây là một sự hỗn loạn,” bà Poorthuis nói thêm, tổ chức đã tiếp nhận nhiều lời tâm sự từ những bà mẹ tuyệt vọng và cả những người hiến tặng - những người vô cùng sốc khi biết rằng họ đã trở thành cha của quá nhiều đứa trẻ.
Hiện, Donorkind đã gửi thư tới Quốc hội Hà Lan, kêu gọi chính phủ công bố số lượng chính xác các cá nhân bị ảnh hưởng bởi vấn đề này. Tổ chức cũng đề xuất chính phủ cần xem xét lại việc quản lý nhập khẩu tinh trùng từ các quốc gia khác.
Ngành công nghiệp này đã bị giám sát gắt gao hơn trong những năm gần đây, đặc biệt sau hai vụ bê bối lớn tại Hà Lan liên quan đến các cá nhân cố ý làm cha của hàng trăm đứa trẻ.
Những nỗ lực giải quyết hậu quả
Theo tuyên bố mới đây của Hiệp hội Sản phụ khoa Hà Lan, hồ sơ thống kê tiết lộ rằng các phòng khám đã không tuân thủ đúng hướng dẫn hiện hành, thậm chí còn chia sẻ tinh trùng giữa các phòng khám mà không thực hiện kiểm tra chéo, hoặc cố tình sử dụng lại cùng một người hiến cho nhiều phụ nữ khác nhau.
Một số người hiến tinh trùng còn tự ý đăng ký tại nhiều phòng khám mà không thông qua bất kỳ cơ chế giám sát nào – điều này một phần đến từ luật bảo mật quá nghiêm ngặt tại Hà Lan. Một số bà mẹ cũng chọn dùng tinh trùng từ cùng một người hiến cho nhiều đứa con, trong khi các phòng khám không theo dõi tổng số con đã sinh từ người đó.
“Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi thay mặt cho toàn ngành,” bà Marieke Schoonenberg, người đứng đầu hiệp hội, chia sẻ với hãng tin NOS. “Chúng tôi đã không làm đúng trách nhiệm.”
Để khắc phục tình trạng này, một đạo luật mới – Đạo luật Dữ liệu Người hiến Tinh trùng Thụ tinh Nhân tạo – đã được ban hành. Luật yêu cầu gán mã định danh duy nhất cho mọi người hiến tặng và các bà mẹ sử dụng tinh trùng hiến, nhằm theo dõi chính xác nơi và cách tinh trùng được sử dụng.
Theo ông Tim Bennebroek, người phát ngôn của Bộ trưởng Karremans, các phòng khám và bác sĩ không tuân thủ quy định có thể bị xử phạt dân sự tại tòa án Hà Lan. Tuy nhiên, đạo luật mới này không áp dụng cho tinh trùng nhập khẩu và theo ông Bennebroek, hiện tại chưa có sự đồng thuận nào ở cấp độ châu Âu về vấn đề này.
Nguồn: Daily Mail, The New York Times