Trên sân Pleiku chiều 18/4, HAGL nhận bàn thua cuối hiệp 1 sau tình huống hậu vệ phá bóng hụt, tạo cơ hội cho Mbo dứt điểm cận thành, đánh bại thủ môn Trung Kiên. Đây cũng là bàn thắng duy nhất của trận đấu.
Sẽ không có gì đáng nói nếu trước đó ở phút 21, Minh Vương cũng có pha dứt điểm phá lưới Hà Tĩnh nhưng sau khi kiểm tra VAR, trọng tài Ngọc Ánh từ chối công nhận bàn thắng cho đội chủ nhà. Tình huống trước đó, Dụng Quang Nho bị xác định đã phạm lỗi với Tấn Tài.
Sau trận, GĐKT Vũ Tiến Thành và một thành viên HAGL bị báo cáo đã vào phòng trọng tài và có lời lẽ lăng mạ, xúc phạm những người ngồi trong. Một số clip lan truyền trên mạng cho thấy ông Thành dùng lời lẽ hết sức gay gắt.
Một báo cáo riêng của BTC còn cho biết, ông Vũ Tiến Thành đã nói vu vơ “có ông Hội đến nên mới có chuyện…”. Ông Hội ở đây là cựu Chủ tịch CLB Hà Nội , Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Quốc Hội.
HLV Vũ Tiến Thành khi công kích trọng tài thường dùng ngôn ngữ rất nặng nề, thậm chí bị cho là xúc phạm
Trong quá khứ, HLV Vũ Tiến Thành từng nhiều lần công kích trọng tài một cách nặng nề mỗi khi đội bóng của mình thua trận. Ban Kỷ luật VFF vì vậy đã có lúc ra án phạt nặng với cựu phiên dịch đội tuyển Việt Nam. Với vụ vi phạm lần này, sẽ không bất ngờ nếu VFF áp án phạt nặng hơn do hành vi tái phạm nhiều lần, gây ảnh hưởng hình ảnh bóng đá.
Mặc 2 lần giáp vẫn lo
Phản ứng trọng tài là chuyện không hiếm, nếu không muốn nói, là phổ biến ở V.League. Cách đây không lâu, CLB Đông Á Thanh Hoá cũng từng phản ứng quyết liệt trọng tài, thậm chí khiếu nại lên VFF sau trận đấu với Tp Hồ Chí Minh ở lượt đi.
Cùng thời điểm trên, 3 đội bóng khác thường được nhắc đến trong mối liên hệ với bầu Hiển là CLB Hà Nội, SHB Đà Nẵng và Quảng Nam cũng đồng loạt lên tiếng về trọng tài. Quảng Nam thậm chí kiến nghị VFF không phân công các trọng tài đến từ các tỉnh/thành phố có đội bóng đang cạnh tranh suất xuống trụ hạng để đảm bảo tính công bằng, minh bạch.
Ông Vũ Tiến Thành sẽ phản ứng ít gay gắt hơn nếu ngồi trên khán đài Pleiku không phải Phó chủ tịch VPF Nguyễn Quốc Hội? (ảnh Đương Phạm)
Ai tinh ý sẽ thấy một số trận đấu “nóng” giữa các đội đang cạnh tranh ở nhóm đầu hoặc cuối bảng xếp hạng V.League gần đây, VPF và Ban Trọng tài bên cạnh áp dụng VAR còn mời cả trọng tài nước ngoài (Malaysia hoặc Thái Lan) điều hành. Trên thực tế chất lượng trọng tài Thái Lan và Malaysia không cao hơn trọng tài nội, nếu không muốn nói nhiều trường hợp điều hành còn kém hơn. Việc thuê trọng tài ngoại như một “liệu pháp tinh thần” với các CLB.
Kiến nghị của Quảng Nam phần nào cho thấy tâm lý này, khi các trọng tài nội nếu sai sót sẽ chịu áp lực lớn hơn hẳn đồng nghiệp nước ngoài.
Ai cũng từng là nạn nhân
Phản ứng của Đông Á Thanh Hoá đặc biệt gay gắt trong bối cảnh ở lượt đi, đội bóng xứ Thanh đang trong tốp 3, nhiều cơ hội để cạnh tranh ngôi vô địch. Tuy nhiên lần ngược lại, Thanh Hoá trước đây từng đã phải…lên tiếng thề “không đi đêm” với trọng tài ở trận đấu HAGL là bên chịu thiệt từ quyết định của “vua áo đen”. Hay như CLB Hà Nội từng nhiều phen bị nghi ngờ được giới cầm còi ưu ái. Giới bóng đá thậm chí “điểm danh” những trọng tài cụ thể thường đem lại may mắn cho đội bóng của bầu Hiển.
Cựu Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi từng cảm thán, trọng tài sai là chuyện đâu cũng xảy ra vì đều là con người, nhưng các CLB chỉ phản ứng khi thua còn khi thắng hầu như không đội bóng nào ý kiến gì. Đây là thực tế và nó cho thấy các đội bóng chỉ phản ứng khi bị bất lợi, chứ không hẳn vì đúng hay sai.
Những đội bóng vô địch thường ít phàn nàn về trọng tài hơn so với phần còn lại (ảnh 24h)
Sự khác biệt có thể chỉ ở cách thức và mức độ phản ứng. Với trường hợp GĐKT Vũ Tiến Thành và HAGL , nhiều người tin rằng nó có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm cá nhân trong quá khứ. Hơn ai hết, ông Thành là người hiểu rõ đời sống bóng đá Việt Nam cũng như giới cầm còi, từ thời bóng đá Việt Nam còn tranh tối, tranh sáng. Điều đó ảnh hưởng đến chính góc nhìn, cách đánh giá của ông Vũ Tiến Thành về các trọng tài hiện nay.
Còn vì sao “ông Hội đến nên có chuyện…” thì lại phải nhìn từ mối quan hệ giữa HAGL và CLB Hà Nội, những so sánh của giới bóng đá giữa bầu Đức và bầu Hiển nhiều năm qua, giữa đội bóng nào được yêu mến nhiều hơn... Ông Hội vốn được xem là “người nhà bầu Hiển” khi nhiều năm giữ ghế Chủ tịch đội bóng này và hiện lại là Phó chủ tịch VPF. Nó ít nhiều có thể khiến các CLB khác đặt vấn đề về “xung đột lợi ích” trong các quyết định ở VPF, dù rằng ngoài ông Hội không phải tiếng nói duy nhất.
Và cũng cần nhìn ngược lại quá khứ, khi các ông bầu có đội bóng như bầu Kiên, bầu Thắng, bầu Đức đều nắm hết các vị trí quan trọng ở VPF, có thể quyết định cả lịch thi đấu, phân công trọng tài…Bầu Đức thậm chí nắm cả 2 ghế quan trọng bậc nhất ở VFF và VPF. Khi đó, người thường xuyên phải kêu ca lại là bầu Đệ của Thanh Hoá, hay trước nữa như bầu Thuỵ thời Sài Gòn Xuân Thành thất thế trong cuộc đua với SHB Đà Nẵng.
Mùa giải 2017, GĐĐH Quảng Nam từng bức xúc tuyên bố " bầu Đức cần lên tiếng khi HAGL hưởng lợi" sau trận thua của đội này trước HAGL, trong đó có tình huống trọng tài công nhận 1 bàn thắng ở thế việt vị của đội bóng phố núi.
Trong cuộc đua phức tạp ở V.League, trọng tài đôi khi là thủ phạm nhưng nhiều phen cũng lại là nạn nhân do màn đối đầu giữa các CLB, ông bầu.
Nói vậy để thấy việc điều hành V.League đôi khi nhạy cảm và một quyết định sai đôi khi có thể dẫn đến những hậu quả khó sửa chữa. Cuộc đua ở hậu trường thậm chí còn nóng bỏng hơn cả ngoài sân cỏ. Ở đó, trọng tài đôi khi là thủ phạm cuộc chơi, nhưng hoàn toàn trong nhiều trường hợp lại trở thành nạn nhân.
Có một điểm chắc chắn, V.League vào chặng đua nước rút sắp tới, các trận đấu của những đội nhóm đầu hay cuộc đua trụ hạng liên quan đến các đội bóng gắn liền với bầu Hiển, việc phân công trọng tài…sẽ trở nên hết sức nóng bỏng.