Nhựa đến nay đã được xác định là loại rác rất khó phân hủy và gây ảnh hưởng cực lớn tới môi trường. Chính vì vậy, làm sao để tái chế rác nhựa chính là câu hỏi hết sức quan trọng cần phải trả lời, nếu muốn bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.
Nhưng tái chế như thế nào nhỉ, khi rõ ràng những phương pháp thông thường tỏ ra không hề hiệu quả? Gần đây, một sáng kiến mới đã được đưa vào ứng dụng trong thực tế, nhằm tái chế nhựa thành những đồ vật hữu ích cho cuộc sống của chúng ta.
Vấn đề là cụm từ "đồ vật hữu ích" ở đây bao gồm cả... khăn mặt và đồ bơi nữa cơ. Tại Anh Quốc, lần đầu tiên sản phẩm khăn tắm được làm từ nhựa tái chế được John Lewis - một thương hiệu bán lẻ - đưa ra công chúng sau gần hai năm nghiên cứu và thử nghiệm.
Thành phần của loại khăn này gồm 35% polyester từ các vỏ chai nhựa tái chế, và phần còn lại là vải bông. Nhà sản xuất đã sử dụng công nghệ tiên tiến để kết hợp các thành phần này, tạo nên một loại vải mềm mại nhất cho người sử dụng. Và cũng nhờ thành phần chứa polyester mà loại khăn này có khả năng thấm hút tốt và khô rất nhanh.
Những chiếc khăn làm từ chai nhựa
Một chiếc khăn tắm như trên trung bình cần tới 10 chai nhựa 1 lít. Tất cả chúng đều được chứng nhận theo tiêu chuẩn tái chế toàn cầu. Nhà sản xuất cho rằng sáng kiến này có thể tạo ra 5 tấn vải mỗi năm và giảm thiểu đáng kể lượng rác nhựa thải ra môi trường.
Trewin Restorick - giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện môi trường Hubbub cho biết, nếu chúng ta có đủ cơ sở thu gom và tái chế, thì nhựa thực sự là một nguồn tài nguyên rất có ích. Thậm chí, tổ chức này còn đang xây dựng một con tàu từ nhựa tái chế, và dự định sử dụng nó để thu thập rác nhựa trôi nổi trên những con sông ở Anh.
Trước đó, một thương hiệu bia và tổ chức hàng hải Parley for the Ocean đã phối hợp cùng adidas để thực hiện một dự án, nhằm tăng cường sử dụng các vật liệu sinh thái trong thời trang và thiết kế.
Chiếc áo Hawaiian cũng được làm từ sợi nhựa
Một trong số những sản phẩm từ dự án này là chiếc áo Hawaiian phiên bản giới hạn, với phần trang trí là những hình vẽ về ô nhiễm nhựa. Bản thân chiếc áo cũng được làm từ những mảnh nhựa trôi nổi từ đại dương.
Không chỉ vậy, Lakeland - thương hiệu đồ gia dụng cũng ghi nhận doanh thu tăng 20% mỗi tháng nhờ sản phẩm thảm lót sàn được làm từ vật liệu tái chế.
Hay Mark & Spencer - thương hiệu bán lẻ nổi tiếng cũng thực hiện một chiến dịch thân thiện với môi trường. Trong đó, họ cam kết ít nhất 25% những sản phẩm quần áo và vật dụng gia đình được bán là làm từ những vật liệu tái chế.
Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ đang dần ý thức hơn trong việc tận dụng những nguồn nguyên liệu tái chế, để tạo ra những sản phẩm hữu ích và thân thiện với môi trường.