Tiếp tục câu chuyện về scandal lộ thông tin 50 triệu người dùng khiến Facebook tốn hàng tỉ USD, kèm theo làn sóng tẩy chay ngày một mạnh mẽ của người dùng.
Về cơ bản thì khi quyền riêng tư bị xâm phạm thì việc người dùng cảm thấy phẫn nộ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng chính xác thì những dữ liệu của bạn khi bị lộ ra sẽ có giá là bao nhiêu tiền?
Mark Zuckerberg và scandal lớn nhất lịch sử Facebook
Khi được hỏi câu này, có lẽ phần lớn đều đưa ra một mức giá rất cao, thậm chí là vô giá. Nhưng kỳ thực, những kẻ muốn lợi dụng thông tin để trục lợi từ túi tiền của bạn thì không được hào phóng đến vậy đâu.
Trước tiên, chúng ta cần biết rằng lượng thông tin bạn có thể truy cập được hàng ngày chỉ chiếm 4% internet mà thôi. Chúng được gọi là "bề nổi" của thế giới mạng. 96% còn lại nằm trong một thế giới ngầm, mang tên Deep Web, hoặc Dark Web.
Khi dữ liệu bị lộ ra, chúng có thể được bán cho các công ty quảng cáo, cho các doanh nghiệp nghiên cứu. Nhưng đồng thời, có nguy cơ không nhỏ là chúng sẽ bị bán cho các hacker trên Dark Web.
Dark Web - thế giới ngầm của internet
Vì lẽ ấy, công ty truyền thông Fractl mới đây đã thử khảo sát về việc mỗi mảnh thông tin dữ liệu bị lộ ra sẽ có giá trị là bao nhiêu trên Dark Web. Và câu trả lời có phần... bèo bọt hơn bạn tưởng.
Cụ thể để phục vụ nghiên cứu, Fractl đã sử dụng trình duyệt Tor (trình duyệt duy nhất nên dùng để truy cập Dark Web) để lục lọi các thị trường lừa đảo ở thế giới ngầm này. Kết quả, họ phát hiện ra rằng những thông tin đăng nhập Facebook cá nhân đang được bán với giá... $5,2 - tức khoảng hơn 114 ngàn đồng.
Có lẽ ai cũng hiểu thông tin tài khoản Facebook cá nhân của mỗi người quan trọng như thế nào. Chỉ cần có được nó, một người có thể tiếp cận hàng trăm ứng dụng mà chủ tài khoản đã từng cấp quyền truy cập. Chỉ cần tiếp cận được Facebook, hacker có thể chiếm quyền kiểm soát tài khoản của hàng trăm ứng dụng khác nữa.
Thông tin giá bèo, nhưng thiệt hại lớn
Facebook rẻ, vậy còn các thông tin khác thì sao nhỉ? Hóa ra, chúng cũng không khác là bao!
Tài khoản Gmail chỉ có giá $1 (hơn 22 ngàn đồng), trong khi tài khoản Uber là $7. PayPal - cổng thanh toán trực tuyến phủ sóng toàn thế giới - thì đắt hơn, lên tới $247 vì nó liên quan trực tiếp tới vấn đề tài chính của một cá nhân.
Theo các chuyên gia, lý do khiến dữ liệu của bạn rẻ như vậy, là vì hacker ngày này có thể dễ dàng có được chúng. Một bài toán cung cầu đơn giản: Khi có quá nhiều dữ liệu để bán, đương nhiên giá trị của mỗi mảnh dữ liệu sẽ rẻ đi rất nhiều.
Một nghiên cứu khác do Top 10 VPN - một công ty an ninh mạng - cũng cho ra những con số tương tự. Một tài khoản Facebook chỉ đáng giá $5,2 trên Dark Web, và toàn bộ thông tin cá nhân trực tuyến của một người được định giá khoảng $1.200 (gần 27 triệu đồng).
Đáng chú ý hơn, thậm chí các thông tin mang tính định dạng cao như passport hoặc thẻ căn cước, hóa đơn cũng được bán với giá tương đối thấp - chỉ $62 mà thôi.
Cũng theo Top 10 VPN, những thông tin dễ bị hacker để ý nhất thường là thẻ tín dụng, tài khoản PayPal và những thông tin liên quan trực tiếp đến tài chính.
Tuy vậy, cũng cần biết rằng Dark Web là một thế giới ngập tràn sự lừa lọc, nên những thông tin rao bán trên đó chưa chắc đã có độ tin cậy cao. Ví dụ một tài khoản thẻ tín dụng có thể là thật, nhưng tài khoản đó đã quá hạn, hoặc đã hết tiền, hoặc chỉ là một tài khoản ma.
Đây cũng có thể xem là một sự may mắn, vì nếu không có lẽ chẳng có thông tin nào của chúng ta được an toàn nữa.